Vietcombank được sửa đổi vốn điều lệ lên 37.088 tỷ, tiếp tục kế hoạch trở thành ngân hàng lớn nhất Việt Nam
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định sửa đổi vốn điều lệ của Vietcombank trong giấy phép thành lập và hoạt động lên hơn 37.000 tỷ đồng.
- 19-02-2019Năm 2019 Vietcombank tiếp tục trình kế hoạch tăng vốn
- 08-02-2019Tăng vốn ngân hàng: Áp lực đè nặng trên vai ‘các ông lớn’
Ngày 21/02/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 300/QĐ-NHNN về việc sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại Thương Việt Nam.
Theo đó, Thống đốc quyết định sửa đổi mức vốn điều lệ tại Điều 2 Giấy phép thành lập và hoạt động số 138/GP-NHNN ngày 23/5/2008 do Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) như sau: "Vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam là 37.088.774.480.000 đồng (Ba mươi bảy nghìn, không trăm tám mươi tám tỷ, bảy trăm bảy tư triệu, bốn trăm tám mươi nghìn đồng)".
NHNN yêu cầu Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật Các tổ chức tín dụng đối với nội dung sửa đổi nêu trên.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và là một bộ phận không tách rời của Giấy phép thành lập và hoạt động số 138/GP-NHNN ngày 23/5/2008 do Thống đốc NHNN cấp cho Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam và thay thế cho Quyết định số 95/QĐ-NHNN ngày 18/01/2017 của Thống đốc NHNN về việc sửa đổi nội dung tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam.
Trước đó hồi cuối tháng 1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận nhà đầu tư Mizuho mua cổ phần của Vietcombank để đảm bảo duy trì tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ, bên cạnh việc nhà đầu tư khác là GIC đến từ Singapore mua 2,55% cổ phần của nhà băng này, qua đó giúp Vietcombank tăng vốn lên hơn 37.000 tỷ. Được biết thương vụ đã hoàn tất từ cuối tháng 12/2018 và đối tác cũng chuyển tiền xong cho Vietcombank trước ngày 4/1.
Ngày 26/4 tới đây, Vietcombank sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2019. Một trong những nội dung đáng chú ý là ngân hàng sẽ tiếp tục tăng vốn bởi kế hoạch phát hành vốn cho đối tác ngoại mới thực hiện được 1/3 trong tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán.
Lần tăng vốn năm nay có thể ngân hàng sẽ thực hiện qua việc tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc trình cổ đông phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (chia cổ phiếu thưởng) và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vietcombank tính đến hết năm 2018 đạt 20.029 tỷ đồng.
Hiện Vietcombank đang đứng thứ 2 sau VietinBank về vốn điều lệ, nhưng mức chênh lệch rất ít. Với kế hoạch tăng vốn hoàn tất trong năm nay của nhà băng này, trong khi VietinBank vẫn đang bế tắc trong việc tăng vốn, chắc chắn Vietcombank sẽ sớm trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Trí Thức Trẻ