VietinBank siết nợ Đức Long Gia Lai, rao bán dự án rộng 3.800m2 tại Đà Nẵng
Vào cuối tháng 6, Đức Long Gia Lai vay VietinBank 22,6 tỷ đồng ngắn hạn và 615 tỷ đồng nợ dài hạn. Ngoài ra, công ty này còn vay BIDV 1.729 tỷ đồng và nợ Sacombank 233 tỷ đồng.
- 21-09-2022VietinBank rao bán nhiều khoản nợ
- 13-09-2022Chuyên gia Trần Đình Thiên: Bơm tiền hay không bơm tiền đều phải căn cứ vào nợ xấu
- 07-09-2022Ngân hàng rao bán đấu giá nợ xấu bất động sản
VietinBank vừa thông báo xử lý khoản nợ có tài bản bảo đảm của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Đức Long Gia Lai - Mã: DLG).
Tài sản cần xử lý là quyền sử dụng đất cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng (diện tích 3.180 m2) và toàn bộ tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của Dự án Bến xe khách liên tỉnh.
Giá bán/chuyển nhượng tối thiểu được VietinBank đưa ra là gần 48,3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản sẽ được dùng để thanh toán nợ vay của khách hàng tại VietinBank. Người mua và Bên bảo đảm tự thỏa thuận và thanh toán đầy đủ mọi chi phí phát sinh liên quan quá trình xử lý tài sản. Thời gian thực hiện và thanh toán nợ vay là trong tháng 9/2022.
VietinBank cho biết sẽ phối hợp với bên có tài sản để thực hiện chuyển nhượng tài sản cho người mua có phương án chuyển nhượng khả thi và trả giá cao nhất.
Theo tìm hiểu, bến xe được VietinBank rao bán là Bến xe phía Nam TP Đà Nẵng, do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư xây dựng theo chủ trương quy hoạch hóa xã hội hóa. Tháng 9/2012, Bến xe phía Nam TP Đà Nẵng được khai trương đi vào hoạt động, song vì nhiều nguyên nhân và vướng mắc về quy hoạch phân luồng, phân tuyến vận tải nên gần 10 năm qua, bến xe này gần như bị bỏ hoang và xuống cấp nghiêm trọng, lãng phí tài sản và đất đai…
Một trong những nguyên nhân khiến Bến xe phía Nam TP Đà Nẵng không hoạt động là do bến xe nằm xa trung tâm thành phố, các xe khách không vào bến, việc phân luồng, tuyến cũng có những bất hợp lý. Bên cạnh đó, chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng chưa hoàn thành thủ tục về hoạt động bến bãi theo quy định của ngành Giao thông vận tải.
Về Đức Long Gia Lai, doanh nghiệp này được thành lập năm 2007, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với 5 công ty con và 3 công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
Ngoài những ngành nghề truyền thống như Sản xuất và chế biến gỗ, đá Granite, Kinh doanh Bến xe và Bãi đỗ, Dịch vụ khách sạn, resort, Khai thác và chế biến khoáng sản, Dịch vụ bảo vệ-vệ sĩ… trong giai đoạn 2020-2025, Đức Long Gia Lai tập trung chủ lực vào 4 lĩnh vực trọng tâm: Bất động sản, Cơ sở hạ tầng, Năng lượng, Sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử.
Theo báo cáo tài chính quý II, doanh thu Đức Long Gia Lai đạt 375,39 tỷ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ lên tới 309,22 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 10,92 tỷ đồng, tức giảm 320,14 tỷ đồng. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Đức Long Gia Lai ghi nhận doanh thu đạt 723,33 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 297,51 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 23,4 tỷ đồng, tức giảm tới 320,91 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng tài sản công ty giảm 5,6% xuống còn 6.677 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính tại thời điểm 30/6 là hơn 1.221 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II, tổng nợ ngân hàng của Đức Long Gia Lai đạt gần 2.601 tỷ đồng, giảm gần 91 tỷ so với hồi đầu năm và chiếm hơn 55% tổng nợ phải trả. Trong đó, BIDV là chủ nợ lớn nhất của công ty này với dư nợ cho vay ngắn và dài hạn lên tới gần 1.729 tỷ đồng; VietinBank cho vay 22,6 tỷ đồng ngắn hạn và 615 tỷ đồng nợ dài hạn; Sacombank cho vay dài hạn 233 tỷ đồng.
Chia sẻ về các khoản nợ quá hạn tại ngân hàng và khoản lỗ lũy kế lớn, đại diện doanh nghiệp cho biết đã có kế hoạch tập trung phối hợp với các tổ chức tín dụng, đưa ra nhiều phương án xử lý nợ, tìm đối tác tiếp tục chuyển nhượng các tài sản, dự án đang thế chấp để giảm dần dư nợ gốc.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai hiện chỉ còn ở mức 3.500 đồng, giảm gần 65% từ đầu năm nay đến nay. Vốn hóa thị trường của Đức Long Gia Lai chỉ đạt gần 1.036 tỷ đồng dù quy mô tổng tài sản doanh nghiệp gần 6.677 tỷ đồng.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh thông báo giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu DLG. Lý do được HoSE đưa ra là vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Đức Long Gia Lai âm gần 371 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6 âm hơn 1.221 tỷ đồng.
Nhịp sống Thị trường