Vinachem “loay hoay” với các khoản nợ ngập đầu ra sao?
Báo cáo lên Bộ Công Thương, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã cho thấy một bức tranh “nan giải” về chuyện nợ nần, vay vốn của 4 dự án thuộc tập đoàn là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem và DAP 2 - Lào Cai.
Nợ nối nợ
Chỉ tính riêng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), 4 dự án nhà máy đạm của Vinachem (bao gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem và DAP 2 - Lào Cai) đã có nợ gốc lên tới 8.588 tỷ đồng. Đây là các khoản vay vốn đầu tư dài hạn.
Cụ thể, Đạm Ninh Bình còn nợ 2.698 tỷ đồng (dự kiến tới 2023 mới trả hết nợ); Nhà máy Đạm Hà Bắc nợ 3.952 tỷ đồng (chưa tính khoản nợ lãi quá hạn 422 tỷ đồng); Dự án DAP 2 - Vinachem Lào Cai nợ 1.736 tỷ đồng (nợ lãi quá hạn gần 269 tỷ đồng); DAP - Vinachem còn nợ 201 tỷ đồng (dự kiến trả hết nợ trong năm 2018).
Ngoài nợ VDB, các dự án này còn nợ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) như: dự án Đạm Ninh Bình còn nợ 565 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc nợ 3.358 tỷ đồng, DAP số 2 - Lào Cai nợ 1.113 tỷ đồng.
Báo cáo của Vinachem cũng đề cập đến các khoản vay vốn lưu động tại một loạt ngân hàng như đạm Ninh Bình có khoản nợ 1.184 tỷ đồng tại BIDV và Vietcombank, 3 nhà máy đạm còn lại cũng nợ từ 183 - 575 tỷ đồng từ các ngân hàng.
Lãnh đạo Tập đoàn thừa nhận: Hiện tại các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn nên không thu xếp được nguồn vốn để trả nợ gốc, lãi nên dẫn đến phát sinh số tiền nợ gốc, lãi quá hạn lớn.
Khó trăm bề
Nợ nhiều như vậy nên điểm khó nhất của Vinachem là "khất" nợ. Nhưng thực tế, mặc dù đã có nhiều vấn đề kiến nghị song "ước muốn" của Tập đoàn về việc kéo dài thời hạn vay, giảm lãi suất tiền vay đối với các khoản vay đầu tư dài hạn tại VDB chưa được VDB xem xét giải quyết (do các kiến nghị này vượt thẩm quyền của VDB).
Một điểm khó nữa, liên quan đến khoản vay của Bộ Tài chính từ nguồn Eximbank Trung Quốc, là mặc dù Tập đoàn đã thực hiện trả nợ đúng hạn khoản vay này, nhưng trong thời gian tới tập đoàn sẽ rất khó khăn và không cân đối được nguồn để trả nợ từ kỳ hạn từ tháng 1/2018 trở đi.
Trong khi đề nghị của Tập đoàn về việc khoanh nợ gốc, chi trả lãi nợ phát sinh, phí vay lại trong thời gian 5 năm đối với khoản vay này không được Bộ Tài chính chấp thuận.
Vì nợ như vậy nên các đơn vị, tuy đang trong giai đoạn thực hiện quyết toán dự án hoàn thành, nhưng việc thanh toán cho các nhà thầu sẽ gặp khó khăn do các ngân hàng không giải ngân cho vay tiếp mặc dù hợp đồng tín dụng đã ký chưa giải ngân hết.
Cùng với đó việc vay vốn lưu động của các công ty cũng gặp khó khăn, chỉ các ngân hàng đang có dư nợ tại các đơn vị mới tiếp tục cho vay để thu hồi nợ dần. Các ngân hàng không cấp lại hạn mức hoặc cấp ở mức rất thấp, đồng thời kèm theo các điều kiện giải ngân khắt khe hơn. Do đó, các đơn vị không cân đối đủ nguồn vốn để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chưa kể các đơn vị vẫn đang phải chịu mức lãi suất cao so với các đơn vị khác do hoạt động sản xuất kinh doanh bị lỗ.
Giải pháp xin “gỡ” khó.
Trình bày thực trạng hết sức khó khăn, Vinachem đưa ra hàng loạt kiến nghị xin hỗ trợ.
Trước tiên, Tập đoàn đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận một số giải pháp đối với khoản vay vốn đầu tư của VDB như: kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng thành 20 năm (hiện 8-15 năm); Không tính lãi quá hạn, cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vốn trung, dài hạn của ngân hàng tài trợ vốn cho dự án; Lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau; Giảm lãi trong 5 năm từ 2017-2021 về 3%/năm, sau đó áp dụng lãi trên 8,55% từ các năm 2022 trở đi; Nợ lãi chưa trả được trả dần trong các năm tiếp theo.
Tiếp theo kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận các giải pháp tín dụng như: Cho phép các đơn vị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với trường hợp đơn vị phát sinh nợ quá hạn trên cơ sở khách hàng có phương án khả thi; Được áp dụng cơ chế phân loại nợ đặc thù đối với khách hàng; Người đại diện vốn Nhà nước tại các ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ (giảm lãi tiền vay về mức ưu đãi thấp nhất, lãi suất thấp nhất; giải ngân vốn đầu tư theo các Hợp đồng tín dụng đã ký cho các dự án đã hoàn thành, tiếp tục cho vay vốn lưu động, duy trì hạn mức vốn lưu động, giải ngân vốn lưu động)…
Báo hải quan