MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinalines mất đến 15.000 USD/ngày cho các tàu thua lỗ

Cứ chậm thanh lý tàu cũ một ngày mà không khai thác, doanh nghiệp lỗ từ 5000 đô đến 15.000 đô la Mỹ/tàu.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines, khi trao đổi với báo chí về việc thông qua kế hoạch bán 6 tàu của Vinalines năm 2016.

Hiện nay, việc giải quyết hậu quả đội tàu đang thua lỗ của Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) chưa đến hồi kết vì phải chờ quyết định của Bộ GTVT cho bán 6 tàu.

Cuối tháng 5/2016, Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã kiến nghị Bộ GTVT thông qua chủ trương bán 6 con tàu cũ: Vinalines Global, Vinalines Trader, Vinalines Forrtuna, Vinalines Star, Vinalines Ocean và Vinalines Ruby vào quí 2/2016 nhằm “cắt lỗ”, cải thiện kết quả kinh doanh đội tàu đang vô cùng bết bát.

Trong số này, Vinalines Ruby là tàu có tuổi đời trẻ nhất, mới đóng năm 2012. Còn lại các tàu đều có tuổi đời trên 20 năm, “già ” nhất là 25 năm, dùng để chuyên chờ hàng khô và container.

Cả 6 tàu đều được ước tính bán với mức cực thấp so với số tiền đầu tư ban đầu.

Cụ thể, tàu Fortuna được doanh nghiệp này mua hơn 341 tỷ đồng, nay dự kiến bán là hơn 34,8 tỷ đồng; tàu Vinalines Star được mua với giá gần 378 tỷ đồng, nay bán 34,4 tỷ đồng; tàu Vinalines Ocean có giá mua hơn 376 tỷ đồng và mức bán thanh lý dự kiến là 34,4 tỷ đồng…

Lý do bán thanh lý vì đội tàu đầu tư vào giai đoạn đỉnh cao của ngành vận tải biển (2006-2010), khi cước vận tải biển lên đến đỉnh điểm nên giá trị đầu tư lớn, trích khấu hao lớn.

Tuy nhiên, sau đó, do ảnh hưởng sâu rộng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và những đầu tư gây thất thoát của Vinalines dưới thời Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng, Vinalines mất khả năng chi trả, nợ đọng lớn, tàu nằm không kinh doanh được hoặc kinh doanh được nhưng doanh thu cực thấp.

Nợ đọng dẫn đến thiếu hụt nguồn trả nợ, áp lực lãi vay đến hạn rất lớn khiến cho doanh nghiệp không cầm cự nổi. Vì càng để kinh doanh lỗ càng lớn.

Trước kế hoạch bán tàu của Vinalines, trao đổi với Đất Việt, một kỹ sư đóng tàu có kinh nghiệm trong ngành hàng hải cho biết: "Tôi không biết họ có giao trên thị trường bán tàu quốc tế hay không, nhưng nếu có bán thì cũng chỉ bán được theo trọng lượng sắt vụn. Trọng lượng tàu không, được gọi là Line Ship, bây giờ tính Line Ship là bao nhiêu thì sẽ có giá như vậy, chứ không còn giá trị con tàu.

Ví dụ như bây giờ chỉ tính trọng lượng sắt, thì chỉ tầm khoảng độ 1000-2000 tấn, đồng nghĩa với giá bán phế liệu, bởi đây hoàn toàn là những con tàu hết khả năng làm việc hoạt động bình thường".

Một kỹ sư khác cũng bày tỏ: "Việc tìm được người mua đã là một khó khăn, trong tình trạng kinh tế thế giới chưa hồi phục, nhu cầu vận tải chưa lên thì sẽ rất khó, chỉ là những người thích đầu cơ cho tương lai mới có nhu cầu mua.

Ngay cả bán với giá sắt vụn, thì may ra bán xác tàu già có giá hơn bán xác tàu trẻ, vì ngày xưa làm sắt xịn, giờ hầu như là sắt đểu".

Theo vị kỹ sư trên, hầu hết, các nước hiện nay đã chấm dứt mua tàu cũ đã qua sử dụng, chỉ có Việt Nam vẫn còn tồn tại, thậm chí có ngành công nghiệp phá tàu cũ. Nên việc rao bán gặp được khách cũng không ít khó khăn, nhưng vẫn sẽ có nhà đầu tư mua, vì có thể dùng vào nhiều mục đích.

Tuy nhiên, cũng nhiều nhà đầu tư sẽ lo ngại về chi phí sửa chữa, bảo dưỡng để duy trì tàu đảm bảo các tiêu chuẩn yêu cầu của đăng kiểm cũng như để vượt qua các kỳ kiểm tra của đơn vị bảo hiểm.

Ụ nổi 83M: Mua 500 tỷ bán 38 tỷ đồng

Ngày 3/6, thông tin từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho hay, vừa tiến hành xong phiên đấu giá bán ụ nổi 83M. Theo đó, một cá nhân đã thắng phiên đấu giá với mức 38,5 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này, Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY) – Công ty con của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã nhận đủ số tiền bán ụ nổi 83M trị giá 38,535 tỷ đồng từ phía doanh nghiệp thắng đấu giá là Công ty TNHH Phú Thanh Vinh, đồng thời hoàn tất quá trình thương thảo các chi phí liên quan đến việc neo đậu ụ nổi để sẵn sàng di dời ra khỏi vùng nước của cảng Gò Dầu, Đồng Nai.

Theo Sơn Ca

Đất việt

Trở lên trên