MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinastas tưởng “con voi chui lọt lỗ kim”, nhưng 2 từ trong quy định của Bộ Y tế “minh oan” cho nước mắm truyền thống!

22-10-2016 - 09:50 AM | Doanh nghiệp

Vinastas cho rằng họ vì người tiêu dùng, nhưng tại sao Vinastas lại chỉ dựa vào Quy chuẩn QCVN 8-2:2011/BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, mà “lờ” đi Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5107:2003 về nước mắm.

Sau khi truyền thông và mạng xã hội đồng loạt lên tiếng phản ứng về Kết quả khảo sát nước mắm vào ngày 17/10/2016 của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), chiều muộn ngày Thứ Sáu (22/10) hội này đã đăng lên trang web toàn bộ Kết quả khảo sát và danh mục các tiêu chuẩn quy định của nước mắm để chứng minh rằng “chúng tôi làm vì quyền lợi của người tiêu dùng”!.

Vinastas tuyên bố nhận được “sự ủng hộ” của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT

Lập luận của Vinastas cho rằng khảo sát nước mắm lần này để “tăng cường sự hiểu biết cho người tiêu dùng Việt Nam về chất lượng các thành phần hóa học và đảm bảo vệ sinh thực phẩm của các loại nước mắm đang lưu thông trên thị trường”, thứ hai là “để thức đẩy sự phát triển của các thương hiệu nước mắm Việt, xác nhận các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tin cậy”, ba là “tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nước mắm” và cuối cùng nhằm khẳng định “vai trò của Hội trong vai trò bảo vệ người tiêu dùng”.

Trong thông điệp của Vinastas công bố ngày hôm qua, Vinastas cho rằng thông tin “hàm lượng arsen càng cao đối với nước mắm có độ đạm càng cao” đã được các báo đăng tải trước đó nhưng không có lời giải thích nào về thực chất của việc nước mắm có arsen và “bản chất của arsen trong nước mắm độc hại như thế nào”. Do đó, Vinastas tiến hành khảo sát và đưa ra kết quả ĐÚNG LÀ 67% mẫu nước mắm khảo sát có chứa arsen tổng “vượt mức quy định trong QCVN 8-2:2011 BYT và ĐÚNG LÀ nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng arsen tổng càng cao.

Vinastas tiếp tục thử nghiệm 20 mẫu về hàm lượng arsen vô cơ nhưng khong có mẫu nào vượt mức quy định. Do đó Hội này đã kết luận rằng “nếu bình tĩnh đọc kỹ thông tin do Vinastas đưa ra thì chưa có vấn đề gì phải lo lắng như thông tin báo chí phản ánh trong thời gian qua”.

Vinastas cũng cho rằng họ không nêu tên bất cứ loại nước mắm nào hoặc chỉ định cụ thể cơ sở chế biến nào trong kết quả khảo sát.

Và Vinastas cho rằng quy định QCVN 8-2:2011 BYT về mức giới hạn tối đa cho phép arsen trong nước chấm là 1,0 mg/l là tỷ lệ arsen tổng, kết quả này đã được thông tin cho các cơ quan quản lý an toàn, chất lượng của Bộ Y tế, Bộ NNPTNT và “nhận được sự ủng hộ của các cơ quan này”.

2 từ trong quy định của Bộ Y tế sẽ minh oan cho Nước mắm truyền thống!

Vinastas dẫn chứng quy định QCVN 8-2:2011 BYT về mức giới hạn tối đa cho phép arsen trong nước chấm là 1,0 mg/l là tỷ lệ arsen tổng. Điều này hoàn toàn chính xác! Quy định của Bộ Y tế đúng là như vậy. Bộ Y Tế chỉ ghi chú lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được là 0,015mg/kg là tính theo arsen vô cơ, còn giới hạn arsen trong nước chấm thì không ghi rõ arsen vô cơ hay hữu cơ nên được hiểu là arsen tổng.

Nhưng mấu chốt ở đây là từ “NƯỚC CHẤM”. Quy định của Bộ Y Tế quy định mức arsen tổng 1mg/lít cho nước chấm. Từ trước đến nay thị trường vẫn nhập nhằng giữa nước chấm và nước mắm. Đây là một kẽ hở trong quy định của Bộ Y Tế bởi nước chấm ở đây được định nghĩa rộng bao gồm nước tương, nước mắm công nghiệp, nước mắm truyền thống, các nước pha để chấm…Khoa học đều biết arsen hữu cơ tồn tại tự nhiên trong con cá nên nước mắm truyền thống làm từ cá và muối thì đương nhiên sẽ có làm lượng arsen tổng cao. Đấy là điều đương nhiên. Còn nước mắm công nghiệp pha thêm hóa chất, nước, còn nước tương thủy phân bằng đậu tương, không có cá chắc chắn sẽ phát sinh hàm lượng arsen vô cơ, do đó Bộ y tế phải quy định về làm lượng arsen tổng trong nước chấm (bao gồm cả arsen vô cơ và hữu cơ).

Vinastas cho rằng họ vì người tiêu dùng, vì quy định của Bộ Y Tế, nhưng tại sao Vinastas lại chỉ dựa vào Quy chuẩn QCVN 8-2:2011/BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, mà “lờ” đi Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5107:2003 về nước mắm. Việt Nam có quy định các tiêu chuẩn cho nước mắm riêng và trong tiêu chuẩn này hoàn toàn không có một tiêu chuẩn nào yêu cầu phải kiểm tra về nồng độ arsen trong nước mắm. Duy nhất một yêu cầu kiểm tra kim loại nặng trong tiêu chuẩn TCVN 5107:2003 về nước mắm là CHÌ.

Yêu cầu của Việt Nam với nước mắm không yêu cầu kiểm tra arsen

Các tiêu chuẩn khác để kiểm tra và phân loại nước mắm là hàm lượng Natri clorua (muối), hàm lượng nitơ tổng số và protein thô, hàm lượng nitơ amoniac, vi sinh vật học, tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống…Hoàn toàn trong tiêu chuẩn của Việt Nam về nước mắm không yêu cầu kiểm tra arsen.

Điều này đã được chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm của VASEP ông Vũ Thế Thành và Hiệp hội nước mắm Phú Quốc lên tiếng.

Hội nước mắm Phú Quốc phản bác thông tin của Vinastas

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Kiểm tra arsen tổng trong nước mắm là vô nghĩa

Vinastas là Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, mất một chi phí không hề nhỏ để làm kết quả khảo sát mà một điều hiển nhiên trong quy định của Bộ Y tế họ lại bỏ qua, điều này cần phải nhờ các cơ quan chức năng làm rõ. Thứ hai, Vinastas cho rằng "nếu bình tĩnh đọc kỹ thông tin do Vinastas đưa ra thì chưa có vấn đề gì phải lo lắng như thông tin báo chí phản ánh trong thời gian qua”, nếu không có gì phải lo lắng thì Vinastas phải nhấn mạnh thông điệp ngày ngay trong ngày công bố kết quả khảo sát nước mắm nhưng thông điệp này bị lờ đi, bị nói rất nhỏ, chỉ thấy thông điệp 67% nước mắm vượt ngưỡng thạch tín an toàn là được nhấn mạnh. Điều này đã khiến một số siêu thị đã gỡ nước mắm truyền thống khỏi kệ, một số cá nhân còn đi phát tờ rơi ở chợ để các tiểu thương lo ngại nước mắm truyền thống, người tiêu dùng cũng hoang mang.

Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn ngày hôm qua đã trả lời báo chí cho rằng "Tôi còn nghe nói có thể những người tổ chức chiến dịch truyền thông này bảo với nhau rằng chỉ cần thông tin ban đầu đó tồn tại trên báo điện tử vài ngày, sau đó dù có bị gỡ bỏ thì cũng đã đạt được mục đích gây sợ". Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan Nhà nước có liên quan cần điều tra làm rõ động cơ, truy ra sự câu kết, xác định mức độ sai phạm và hậu quả của sai phạm để xử lý nghiêm minh và thông báo đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ đến khi ấy mới thực sự xóa tan được nỗi hoang mang, sợ hãi của người dân, mới cứu được ngành sản xuất nước mắm truyền thống thoát khỏi cơn điêu đứng". (xem thêm)

Ngày 21/10,các Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Phan Thiết - Bình Thuận, Phú Quốc cùng với Hội Lương Thực Thực Phẩm TP HCM và Hiệp hội Chế Biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đồng kính gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Công an kiến nghị xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất nước mắm truyển thống của Việt Nam. (xem thêm) .

Theo Hoàng Ly

Người đồng hành

Trở lên trên