Virus SARS-CoV-2 đã biến chủng: Kiểm soát chặt xuất nhập cảnh
Sáng 11/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (virus SARS-CoV-2, dịch bệnh COVID-19) đã họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
- 11-03-2020Nữ bệnh nhân thứ 35 dương tính với Covid-19 bị lây bệnh như thế nào?
- 11-03-2020Nhân viên Điện Máy Xanh Đà Nẵng bị dương tính COVID-19 sau khi tiếp xúc với 2 du khách nhiễm, cửa hàng đóng cửa
- 11-03-2020Bệnh nhân chung khách sạn với 2 người nhiễm Covid-19 đã bị ho, tự ý rời bệnh viện sau khi đến khám
- 11-03-2020Khai báo y tế tự nguyện: Ai cần khai báo?
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh tại châu Âu; công tác kiểm soát dịch tễ tại cửa khẩu; quản lý người xuất nhập cảnh; tổ chức cách ly người từ vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam; kiểm soát biên giới; giám sát, phát hiện người bệnh tại cộng đồng; công tác chuẩn bị tại các bộ, ngành để sẵn sàng ứng phó với các tình huống mới; khôi phục lại một số đường bay quốc tế…
Khai báo y tế bắt buộc
Các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, tất cả các trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) đều phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với người ngước ngoài, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam vừa phải tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Do đó, nếu người nước ngoài vào Việt Nam mà khai báo y tế bắt buộc không đúng, theo quy định của Việt Nam về kiểm soát dịch bệnh thì sẽ phải chịu các hình thức xử phạt hành chính, thậm chí trường hợp gây hậu quả lây nhiễm trong cộng đồng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về giao thông, để ngăn chặn dịch bệnh từ đường hàng không, các đại biểu cũng thống nhất đối với các hãng hàng không của Việt Nam quy định bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang từ khi ngồi trên máy bay cho đến khi đã vào Việt Nam và làm thủ tục nhập cảnh phải đeo khẩu trang. Còn đối với các hãng hàng không nước ngoài thì chúng ta phải có khuyến nghị mạnh mẽ. Khi hành khách đã vào cảng hàng không làm thủ tục nhập cảnh thì bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các cảng hàng không sẽ phát khẩu trang miễn phí cho hành khách.
Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ khách quá cảnh (transit) tại Việt Nam, yêu cầu các cảng hàng không quốc tế bố trí khu riêng phục vụ cho khách quá cảnh (nghỉ ngơi, mua sắm đồ lưu niệm). Trong thời gian chờ bay, hành khách nếu thuộc diện nghi ngờ, tuổi cao có bệnh nền, người có triệu chứng dịch tễ,… thì tuyệt đối không được nhập cảnh. Các trường hợp còn lại muốn nhập cảnh thì phải khai báo y tế bắt buộc… Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải khuyến nghị lái xe các phương tiện giao thông công cộng (đặc biệt là lái xe taxi) phải đeo khẩu trang, yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang,…
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi tại cuộc họp. Ảnh VGP/Đình Nam |
Kiên định thực hiện cách ly tập trung
Về tổ chức cách ly, Ban Chỉ đạo thống nhất tiếp tục kiên định thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Ban Chỉ đạo đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho các địa phương về việc giảm mật độ cách ly và tổ chức cách ly tại cộng đồng.
Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về giảm mật độ cách ly, theo đó người đang cách ly tập trung, sau 3 ngày cách ly tập trung đã xét nghiệm âm tính thì có thể chuyển về cách ly tại cộng đồng và giám sát chặt chẽ, đồng thời tiến hành lập hồ sơ sức khoẻ điện tử. Giao trách nhiệm cho cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo kiểm tra, giám sát người cách ly tại nhà;...
Về xử lý môi trường, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về quy trình cho các địa phương thực hiện diệt khuẩn, tiêu trùng tẩy độc tại gia đình và khu vực có người nhiễm COVID-19; hướng dẫn diệt khuẩn tại các địa điểm công cộng, điểm du lịch, trường học… tránh lãnh phí không cần thiết, thậm chí gây hoang mang cho người dân. Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các địa phương việc phân luồng, tổ chức khám chữa bệnh cho những trường hợp cảm sốt thông thường,…
|
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn trao đổi tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Có nên cách ly tất cả mọi khách từ châu Âu?
Phân tích diễn biến dịch bệnh tại châu Âu, bên cạnh việc đơn phương tạm dừng chính sách miễn visa đối với 8 nước châu Âu, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng bàn thảo vấn đề có nên báo cáo cấp thẩm quyền cho phép tổ chức cách ly tập trung đối với những người đến từ khu vực này hay không.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay diễn biến dịch bệnh ở khu vực này rất phức tạp, số ca mắc bệnh và tử vong tăng nhanh; khí hậu ở châu Âu mùa này cũng thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 phát triển; người dân châu Âu có thói quen tự do đi lại, không đeo khẩu trang,… nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khu vực này rất cao.
Các ý kiến đại diện Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh bài học chiến thắng chiến dịch mở màn là thực hiện tốt công tác rà soát, ngăn chặn, phát hiện các trường hợp nghi ngờ để tổ chức cách ly. Do vậy việc tổ chức cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ khu vực châu Âu là cần thiết. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc kỹ giải pháp này.
Ban Chỉ đạo cho rằng bản chất việc tổ chức cách ly là sàng lọc, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm để thực hiện biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Chúng ta cũng không cực đoan cho rằng tất cả mọi người đến từ các nước châu Âu đều là người có nguy cơ. Chúng ta chỉ cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh, đó là những người đã đi qua vùng dịch, ổ dịch, có tiếp xúc gần với người đã đi qua vùng dịch... Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao thống nhất các địa điểm được coi là vùng dịch, ổ dịch COVID-19 để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
|
Ảnh: VGP/Đình Nam |
SARS-CoV-2 đã biến chủng
Báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh của Ban Chỉ đạo cho biết tính đến 20h ngày 10/3, trên thế giới đã ghi nhận 114.191 trường hợp mắc COVID-19 tại 104 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó 7 quốc gia đã ghi nhận trên 1.000 trường hợp mắc, gồm: Trung Quốc (80.756); Italy (9.172); Hàn Quốc (7.513); Iran (7.161); Pháp (1.412); Tây Ban Nha (1.231) và Đức (1.224).
Trên thế giới đã ghi nhận 4.019 trường hợp tử vong, trong đó tại Trung Quốc đại lục là 3.136 người; Italy 463, Iran 237, Hàn Quốc 54, Pháp 30, Tây Ban Nha 30, Mỹ 27,… So với ngày 9/3 số mắc tăng 3.933, tử vong tăng 191 trường hợp.
Đáng chú ý, về biến đổi gen, tại Italy đã xác định đồng thời có 4 biển chủng của virus SARS-CoV-2, khác với chủng của virus được xác định tại Vũ Hán, Trung Quốc. Bên cạnh đó, ghi nhận bệnh nhân số 17 từ Italy về Việt Nam và bệnh nhân số 20 lây nhiễm từ bệnh nhân số 17 có biểu hiện viêm phổi rõ nét (bao gồm viêm phổi kẽ), biểu hiện bệnh cũng nặng hơn so với bệnh nhân đến từ Anh (có triệu chứng mờ nhạt).
Tại Việt Nam, hiện đã ghi nhận 34 người mắc COVID-19, cụ thể: Từ ngày 23/1 đến 5/3 ghi nhận 16 trường hợp mắc (đều đã được chữa khỏi); từ ngày 6-10/3 ghi nhận thêm 18 trường hợp mắc mới (7 người Việt Nam và 11 người nước ngoài); tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khoẻ là 24.728 người, trong đó có 2.525 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 8.057 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 14.200 người cách ly tại nhà và nơi cư trú. So với ngày 9/3 số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly tăng 4.707 người; trong đó tăng 2.059 người đang cách ly tập trung tại bệnh viện,…
Chinhphu.vn