VNDIRECT: "Công nghệ 5G sẽ là động lực mới trong ngành Công nghệ - Viễn thông"
Cùng với sự ra đời của công nghệ 5G đột phá, các công ty công nghệ sẽ có nhiều cơ hội phát triển các ứng dụng tiên tiến để đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ của mình. Ngoài ra, các công ty tham gia phát triển cơ sở hạ tầng hoặc đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cũng sẽ được hưởng lợi từ làn sóng công nghệ mới này.
CTCK VNDIRECT mới đây đã công bố báo cáo đánh giá triển vọng ngành Công nghệ & viễn thông trong nửa cuối của năm 2021. VNDIRECT đánh giá, mảng phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin có tiềm năng tăng trưởng mạnh, trong khi mảng phần cứng đang dần bão hòa ở Việt Nam.
Theo Gartner, chi tiêu cho CNTT toàn cầu năm 2022 tăng trưởng 5,5% so với cùng kỳ lên mức 4,3 nghìn tỷ USD. Tại Việt Nam, nếu loại trừ các mảng liên quan đến viễn thông, chi tiêu cho công nghệ thuần túy chỉ chiếm 0,34% con số của toàn thế giới, cho thấy dư địa tăng trưởng rất lớn trong ngành. Đặc biệt, các doanh nghiệp công nghệ phát triển phần mềm và cung cấp dịch vụ CNTT sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn so với các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp phần cứng.
Thời gian trở lại đây, chuyển đổi số đã trở thành một thuật ngữ phổ biến trong các DN toàn cầu và ở Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Dự báo trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng doanh thu của chuyển đổi số có thể đạt 13,1% so với cùng kỳ, gần gấp đôi doanh thu từ các dịch vụ CNTT truyền thống (7,3%). Đồng thời, nền kinh tế số của Việt Nam được định hướng chiếm tỷ trọng đến 20% GDP vào năm 2025, cho thầy tiềm năng phát triển rất lớn của mảng chuyển đổi số.
Trong lĩnh vực viễn thông, mặc dù đã đạt tỷ lệ phủ sóng cao, song VNDIRECT cho rằng vẫn còn dư địa cho việc mở rộng, đặc biệt là băng rộng cố định khi tỷ lệ thâm nhập hiện đạt khoảng 18 thuê bao/100 người, thấp hơn tương đối so với mức bình quân của khu vực là 23 thuê bao/100 người.
Đặc biệt, VNDIRECT kỳ vọng công nghệ 5G sẽ là động lực mới trong ngành Công nghệ - Viễn thông. Việt Nam có thể dẫn đầu “cuộc chơi” thương mại hóa mạng 5G khi trở thành một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ra mắt công nghệ này. Hiện các doanh nghiệp nội địa (Viettel, Vinaphone, MobiFone) đang chạy đua trong việc phát triển mạng lưới quốc gia đầu tiên.
Cùng với sự ra đời của công nghệ 5G đột phá, các công ty công nghệ sẽ có nhiều cơ hội phát triển các ứng dụng tiên tiến để đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ của mình. Ngoài ra, các công ty tham gia phát triển cơ sở hạ tầng hoặc đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cũng sẽ được hưởng lợi từ làn sóng công nghệ mới này.
Trong quý 1/2021, hầu hết kết quả kinh doanh các công ty lớn trong ngành đều ghi nhận mức tăng trưởng dương. Tập đoàn FPT ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hai con số ở tất cả các mảng kinh doanh trong Q1/21, bao gồm mảng dịch vụ viễn thông (FOX). Tại Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI). hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng thuận lợi nhưng do gặp phải xung đột chính trị tại thị trường Myanmar đã khiến cho doanh nghiệp bị lỗ trong Q1/2021.
Trong khi đó, Công trình Viettel (CTR) có mức tăng khá ở doanh thu tất cả các phân khúc, đặc biệt là mảng cho thuê hạ tầng, xây dựng, giải pháp tích hợp và thương mại. Các DN nhỏ như ICT và HIG có mức tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ từ mức cơ sở thấp trong quý 1 năm trước.
Đầu tư cổ phiếu nào để "đón sóng"?
VNDIRECT lựa chọn FPT vào danh sách khuyến nghị đầu tư với nhận định khả quan và mức giá mục tiêu 101,700 đồng/cổ phiếu. Báo cáo kỳ vọng doanh thu Công nghệ của FPT sẽ vượt 1 tỷ USD vào năm 2022, nhờ giá trị hợp đồng công nghệ ký mới tăng mạnh mẽ cùng doanh thu mảng chuyển đổi số. Trong khi đó, doanh thu từ Viễn thông vẫn tạo ra dòng tiền ổn định nhờ nhu cầu nội địa vững chắc. Ngoài ra, mảng giáo dục là một mảnh ghép hoàn chỉnh cho hệ sinh thái của FPT nhằm cung cấp những nhân viên chất lượng cao cho chiến lược phát triển lâu dài. VNDIRECT dự báo LN ròng của FPT đạt tăng trưởng kép 14,0% trong giai đoạn 2021-2023.
Đóng cửa ngày giao dịch 2/7, cổ phiếu FPT tiếp tục leo dốc, ghi nhận mức đỉnh lịch sử 89.800 đồng/đơn vị; chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2021, thị giá đã tăng trưởng gần 80%.
Diễn biến cổ phiếu FPT 6 tháng gần đây
Bên cạnh đó, mã FOX của CTCP Viễn thông FPT - một trong những trụ cột chính của Tập đoàn FPT cũng được đưa vào danh sách với giá mục tiêu 110.000 đồng/cổ phiếu. FOX hiện đóng góp hơn 30% vào tổng doanh thu, kỳ vọng tăng trưởng ổn định ở mức 10-12% mỗi năm. Động lực tăng trưởng cho FOX sẽ đến từ trung tâm dữ liệu và truyền hình trả tiền, trong đó dịch vụ truyền hình trả tiền có thể đạt điểm hòa vốn trong năm 2021 và ghi nhận lợi nhuận từ năm 2022 trở đi.
Mặt khác, cổ phiếu CTR của Công trình Viettel cũng được đưa vào danh sách theo dõi của VNDIRECT. Báo cáo nhận định, mảng hoạt động viễn thông của CTR sẽ thúc đẩy việc mở rộng mạng lưới viễn thông di động của Viettel và tăng trưởng thuê bao băng rộng cố định tại thị trường trong nước và toàn cầu
Hiện, CTR sở hữu khoảng 1.600 tháp viễn thông, chỉ xếp sau doanh nghiệp của Malaysia là OCK (2.500 tháp). Theo kế hoạch CTR sẽ sở hữu 3.000 tháp vào cuối năm 2021. Trong bối cảnh Tập đoàn Viettel đang có nhu cầu lớn về hạ tầng mạng viễn thông dữ liệu di động và phát triển công nghệ 5G, CTR sẽ có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh doanh mảng cho thuê hạ tầng viễn thông của mình. Ngoài ra, CTR đã hợp tác với Tập đoàn FECON (FCN VN) để hỗ trợ xây dựng các dự án điện gió và phát triển xây dựng B2B.
Cổ phiếu CTR chốt phiên 8/7 tại mức 72.000 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 35% so với thời điểm đầu năm 2021.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị