VNDirect: Tác động từ xung đột Nga - Ukraine tới Việt Nam không lớn, thị trường chứng khoán điều chỉnh là cơ hội tốt để tăng tỷ trọng cổ phiếu
VNDirect cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến một số dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, song nhìn chung quy mô tác động không lớn đến nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
Thông điệp từ lịch sử: Thị trường chứng khoán sẽ sớm ổn định và phục hồi sau các cuộc xung đột
Báo cáo chuyên đề công bố mới đây của Chứng khoán VNDirect chỉ ra các số liệu thống kê lịch sử cho thấy các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị phần lớn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.
Theo đó, chỉ số S&P 500 (đại diện cho TTCK Mỹ) thường chạm đáy trong khoảng 2-3 tuần sau khi sự kiện nổ ra, với mức giảm bình quân khoảng 6% (S&P 500 ghi nhận mức giảm mạnh nhất là 16,9% trong chiến tranh vùng Vịnh và nhẹ nhất là 0,2% trong sự kiện Nga sáp nhập Krym).
Sau đó, chỉ số S&P 500 thường sớm phục hồi và quay trở lại xu thế tăng điểm trong vòng 2-3 tháng sau khi sự kiện nổ ra. Cụ thể, chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng điểm bình quân khoảng 2,5% trong vòng 3 tháng sau khi sự kiện nổ ra (ngoại trừ chiến tranh vùng Vịnh). Trong vòng một năm sau sự kiện, chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng điểm bình quân là 7,3%.
Thống kê lịch sử đã chỉ ra rằng các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị "khó có thể cản trở đà tăng của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn". Thực tế, các quốc gia liên quan như Mỹ và Châu Âu có thể phải tung ra các biện pháp "hỗ trợ nền kinh tế" để hạn chế tác động tiêu cực của các cuộc xung đột đối với nền kinh tế, và qua đó hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Xung đột Nga-Ukraine hoàn toàn có thể khiến FED phải cân nhắc kỹ hơn về "khả năng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp vào giữa tháng 3 tới đây. Trước đó, thị trường dự đoán FED có thể tăng 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới. ECB cũng đang có những động thái xem xét lại kế hoạch kết thúc chương trình mua trái phiếu đặc biệt (hay còn gọi là nới lỏng định lượng QE) vào ngày 10/3 tới đây.
VNDirect cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến một số dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, song nhìn chung quy mô tác động không lớn đến nền kinh tế.
Thị trường điều chỉnh là cơ hội để mua cổ phiếu
"Thống kê lịch sử cho thấy, chứng khoán (đại diện bởi chỉ số S&P 500) có xác suất và mức độ tăng giá cao nhất trong giai đoạn 3 tháng tới 1 năm sau các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị. Chúng tôi cho rằng tình hình căng thẳng Nga-Ukraine có thể sớm đạt đỉnh và hạ nhiệt. Do đó, thị trường chứng khoán điều chỉnh có thể là cơ hội tốt để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu nắm giữ trung hạn trong vòng 3-12 tháng tới", nhóm phân tích VNDirect nêu nhận định.
VNDirect cho rằng tác động trực tiếp của xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ không lớn. Hiện giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam (chiếm 1,1% giá trị xuất khẩu và 0,8% giá trị nhập khẩu trong năm 2021, theo Tổng cục Hải quan) và hai nước trên cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam.
VNDirect tin rằng đây sẽ là cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới, từ đó tạo xung lực tăng trưởng cho thị trường chứng khoán trong năm 2022.
Xung đột giữa Nga-Ukraine có thể khiến áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng lên khi "giá dầu và khí đốt" có thể neo ở mức cao. Tuy vậy, vẫn duy trì dự báo lạm phát tại Việt Nam năm 2022 sẽ được kiểm soát ở mức 3,4%, đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% như Quốc hội đã đề ra. Việt Nam sẽ vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, bao gồm gói kích thích kinh tế được thông qua hồi đầu năm và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.
Đáng chú ý, báo cáo của VNDirect cũng đánh giá vàng vốn dĩ được coi là "tài sản trú ẩn an toàn" và dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi khi các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn. Tuy vậy, nhóm phân tích nhận định đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.
Trong khoảng thời gian 3-12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ phai nhạt. Động lực khi đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn. Trong bối cảnh cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể bắt đầu tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp giữa tháng 3 tới đây thì áp lực đè lên giá vàng sẽ lớn dần. VNDirect cho rằng đà tăng ngắn hạn của giá vàng có thể sớm kết thúc và bước vào một giai đoạn điều chỉnh khi FED đẩy nhanh quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành trong năm 2022.