MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vỡ bong bóng mặt bằng thương mại, trong 3 tháng đầu năm gần 3000 cửa hàng bán lẻ ở Mỹ tuyên bố đóng cửa

09-04-2017 - 09:36 AM | Tài chính quốc tế

"Giống như nhà ở, bong bóng mặt bằng thương mại đã được tạo ra và hiện nay nó đang vỡ tung. Kết quả là những cửa hàng lũ lượt đóng cửa và tiền thuê giảm. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai có thể thấy trước và thậm chí còn tăng tốc", Richard Hayne - CEO thương hiệu Urban Oufitters nhận định.

Trong tuần vừa qua, ngành bán lẻ của Mỹ lại tiếp tục đón nhận những tin buồn, khi mà một loạt cửa hàng ở cả 2 dải giá đều chuẩn bị đóng cửa.

Ở phân khúc thấp, chuỗi giày Payless đã đệ đơn phá sản và dự kiến hàng trăm cửa hàng sẽ bị đóng cửa. Trong khi đó Ralph Lauren cho biết cửa hàng Fifth Avenue Polo - một biểu tượng của sự sang trọng và hiện đại cũng sẽ chuẩn bị đóng cửa bởi nó không còn phù hợp với thói quen của người mua sắm hiện nay.

Và hãng bán lẻ quần áo cho thanh niên Rue21 có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo của làn sóng này. Theo nguồn tin nội bộ, chuỗi Rue21 có khoảng 1.000 cửa hàng và đang chuẩn bị nộp đơn xin bảo hộ phá sản ngay trong tháng này. Chỉ mới vài năm trước, nó được bán cho quỹ Apax Partners với giá khoảng một tỷ USD.

"Ngành bán lẻ vẫn đang đi tìm câu trả lời cho chính mình. Tôi không biết bao nhiêu trung tâm thương mại có thể làm mới mình", Noel Hebert - chuyên viên phân tích của Bloomberg Intelligence chia sẻ.

Sự xuống dốc nhanh chóng của ngành bán lẻ đã để lại hàng trăm gian hàng bỏ trống ở các trung tâm thương mại, và nỗi đau mới chỉ bắt đầu. Theo số liệu do Tập đoàn CoStar cung cấp cho Bloomberg, hơn 10% diện tích gian hàng bán lẻ ở Mỹ tương đương gần 1 tỷ m2 có thể bị đóng cửa, chuyển mục đích sử dụng hoặc đàm phán để hạ giá thuê mặt bằng trong những năm tới.

Việc làm trong ngành bán lẻ cũng giảm nhanh chóng. Theo số liệu của Bộ Lao động phát hành hôm Thứ sáu vừa qua, khoảng 30.000 việc làm trong ngành bán lẻ đã bị cắt giảm trong tháng 3.

"Giống như nhà ở, bong bóng mặt bằng thương mại đã được tạo ra và hiện nay nó đang vỡ tung. Kết quả là những cửa hàng lũ lượt đóng cửa và tiền thuê giảm. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai có thể thấy trước và thậm chí còn tăng tốc", Richard Hayne - CEO thương hiệu Urban Oufitters nhận định.

Từ đầu năm đến nay, số cửa hàng đóng cửa đã vượt quá số lượng cửa hàng đóng cửa trong năm 2008 - thời điểm cuộc suy thoái kinh tế cuối cùng của Mỹ đang hoành hành. Trong năm nay, khoảng 2.880 đã được tuyên bố đóng cửa, gần gấp 3 lần cùng kỳ năm 2016.

Đón xu thế mới

Nhiều hãng bán lẻ đang cố gắng cứu vớt tình thế bằng hình thức thương mại điện tử. Kenneth Cole Productions cho biết hãng này sẽ đóng cửa gần như tất cả các cửa hàng. Bebe Stores - một chuỗi thời trang dành cho phụ nữ cũng đang có kế hoạch tương tự.

Christian Buss - chuyên gia phân tích thuộc Credit Suisse nhận định: "Ngày nay, sự tiện lợi chính là khi khách hàng được ngồi trong ngôi nhà của họ, mặc bộ đồ ngủ và sử dụng điện thoại hay iPad để mua sắm".

Nhưng ngay cả khi các hãng bán lẻ tích cực tập trung vào mảng thương mại điện tử thì cũng phải chịu sự áp lực từ tốc độ phát triển không ngừng của Amazon.

Theo EMarketer, Amazon chiếm 53% doanh số bán hàng thương mại điện tử trong năm ngoái và tất cả những người chơi trong ngành thương mại điện tử chia sẻ miếng bánh 47% còn lại.

Tuy nhiên, theo Oliver Chen - một chuyên gia phân tích của Cowen cho rằng các trung tâm mua sắm cao cấp vẫn hoạt động tốt. Làn sóng di cư sang ngành thương mại điện tử chỉ ảnh hưởng tới những trung tâm mua sắm hạng C và hạng D.

Các trung tâm mua sắm hạng A vẫn tiếp tục phát triển. Theo nghiên cứu của Cowen, hầu hết người Mỹ vẫn ưa thích mua sắm trực tiếp hơn là qua mạng. 75% người tham gia khảo sát cho biết muốn đến mua hàng tại cửa hàng.

Điều quan trọng là phải tạo trải nghiệm phù hợp cho dù đó là trực tuyến hay không. Các nhà bán lẻ nên hướng tập trung của họ vào khách hàng, ông Chen nói.

Anh Sa

Bloomberg

Trở lên trên