MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vỡ mộng Doha, giá dầu "thoát nạn" nhờ Kuwait

19-04-2016 - 11:08 AM | Tài chính quốc tế

Một cuộc đình công kéo dài từ ngày 16/4 đã khiến sản lượng của quốc gia vùng Vịnh này sụt giảm tới 60%.

Sau nhiều tháng chuẩn bị, hội nghị giữa các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt trên thế giới vừa diễn ra ở Doha (Qatar) đã thất bại và dập tắt tia hi vọng về việc có thể giải quyết được tình trạng dư cung. Trong khi đó, Kuwait đã tự mình cắt giảm sản lượng chỉ trong vài ngày.

Một cuộc đình công kéo dài từ ngày 16/4 đã khiến sản lượng của quốc gia vùng Vịnh này sụt giảm tới 60%. Con số sụt giảm 1,7 triệu thùng mỗi ngày cao hơn một chút so với tổng mức dầu dư thừa trên thị trường thế giới trong 6 tháng đầu năm 2015.

Theo Harry Tchilinguirian, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa ở BNP Paribas, nếu tình trạng đình công ở Kuwait kéo dài trong thời gian đủ lâu, số dầu sụt giảm sẽ tương đương với lượng tồn kho ước tính của quý II. Tất nhiên điều này là không chắc chắn vì không biết cuộc đình công ở Kuwait sẽ kéo dài đến bao giờ.

Cuộc đình công ở Kuwait đã giúp ngăn giá dầu lao dốc sau khi cuộc họp ở Doha đổ vỡ. Theo hãng thông tấn Kuwait, Kuwait Petroleum Corp đang cố gắng hết sức để khôi phục lại hoạt động sản xuất ở hai nhà máy.

Giới phân tích cho rằng kẻ cả nếu các nước đạt được một thỏa thuận ở Doha, thỏa thuận này cũng sẽ chỉ mang tính chất trấn an thị trường mà không tác động đáng kể đến sản lượng. Các nước đang giữ sản lượng ở mức cao kỷ lục và do đó “đóng băng” cũng không có nhiều ý nghĩa.

Kuwait cũng không phải là yếu tố duy nhất có thể mang đến thị trường nhiều tác động hơn so với một thỏa thuận đóng băng sản lượng. Iran, quốc gia vừa thoát khỏi lệnh cấm vận quốc tế, đã đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ bơm ra thị trường gần 1 triệu thùng/ngày để lấy lại thị phần đã mất.

Ngoài ra Saudi Arabia mới là “nhân tố bí ẩn” lớn nhất, đặc biệt khi mà nước này đang đối chọi với Iran. Mới đây Phó vương Mohammed bin Salman đã tuyên bố Saudi sẽ đáp lại động thái tăng sản lượng của bất kỳ quốc gia nào khác bằng cách tự tăng sản lượng của mình. Nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới có thể ngay lập tức tăng thêm hơn 1 triệu thùng mỗi ngày (tương đương 10% sản lượng) và tăng gấp đôi con số chỉ trong 6 – 9 tháng.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên