Võ Quốc – Người kể chuyện về ẩm thực truyền thống Việt Nam tại Sân bay Tân Sơn Nhất
Từng nhận danh hiệu Đại sứ ẩm thực Việt Nam do Hiệp hội Đầu bếp thế giới trao tặng (2012), Võ Quốc có một lối đi khác biệt để quảng bá ẩm thực Việt. Thay vì trở thành bếp trưởng một nhà hàng, anh chọn nấu món Việt ở rất nhiều gian bếp của những lễ hội giao lưu văn hóa, ẩm thực thế giới.
Những năm gần đây, Võ Quốc nhận lời làm Đại sứ ẩm thực của SASCO (doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sân bay), đón chào hành khách sân bay Tân Sơn Nhất bằng ngôn ngữ ẩm thực tinh tế, đậm bản sắc Việt Nam.
Quảng bá ẩm thực gắn liền với văn hóa Việt
- Cơ duyên nào khiến anh trở thành người phụ trách và là đại sứ ẩm thực của SASCO?
Chúng tôi hợp tác từ mong muốn chung: thông qua ẩm thực truyền tải giá trị văn hóa, tinh thần Việt Nam. Ông cha ta có câu "Món ngon nhớ lâu". Hơn cả ăn uống, ẩm thực chính là một sự trải nghiệm khiến người ta nhớ mãi. Hương vị của món ăn như một chất gây "thương nhớ", thôi thúc người ta phải quay lại để nếm, để có cảm về hương vị, gia vị của món ăn ấy một lần nữa. Mà phải ăn tại chính miền đất sản sinh ra món ăn đó, tại chính nhà hàng với khung cảnh xung quanh và hương vị như thế. Nhận lời hợp tác cùng SASCO, tôi hy vọng sẽ "gây thương nhớ" cho du khách bằng trải nghiệm tốt nhất về các món ăn Việt Nam ngay khi họ đến sân bay.
- Ẩm thực không chỉ là món ăn mà còn là văn hóa của vùng miền, đất nước. Ông có ý định kể câu chuyện văn hóa Việt qua ẩm thực?
Thế giới hầu như chỉ biết đến ẩm thực Việt qua phở, gỏi cuốn và chả giò. Chúng tôi muốn góp phần mở rộng góc nhìn của người nước ngoài về ẩm thực Việt với nhiều món ăn phong phú khắp vùng miền đất nước. Chẳng hạn, thực đơn hằng ngày của phòng chờ thương gia thường xuyên phục vụ thay phiên những món nóng đặc sắc: bún chả cá; bánh canh cua, phở…Vào dịp Tết, thực đơn có món ăn ngày Tết của gia đình Việt: bánh chưng, bánh Tét, củ kiệu, dưa món… để giới thiệu phong tục và nét văn hóa Tết Nguyên đán của Việt Nam. Nhiều du khách nước ngoài rất thích thú trải nghiệm này, còn hành khách Việt thì nói với tôi họ thấy ấm cúng như đang ăn cơm nhà vậy.
Bản thân mỗi món ăn chứa đựng từng câu chuyện mang nét văn hóa riêng của vùng đất đó. Ví dụ ở nhà hàng Cuisine De Saigon, bằng những món ăn đặc trưng của Sài Gòn, chúng tôi gửi gắm những câu chuyện về thói quen, tính cách, con người Nam Bộ. Những câu chuyện gợi lên ký ức với những ai đã từng lớn lên với đất Sài Gòn và tạo nên những trải nghiệm, kỷ niệm mới mẻ cho du khách lần đầu đến TP.HCM
Cuisine De Saigon: món ngon trong miền nhớ của người Sài Gòn
- Những câu chuyện về văn hóa Sài Gòn- Nam Bộ tại nhà hàng Cuisine De Saigon như ông nói là gì?
Là những món ăn mang theo ký ức của người Sài Gòn: Cơm tấm Sài Gòn, Hủ tíu sa tế, bột chiên, chè sâm bổ lượng …
Tuổi thơ của người Sài Gòn nào mà không có những buổi sáng sớm sà vào quầy cơm tấm của bà Hai, bà Ba nào đó, ăn một dĩa cơm tấm thơm mùi gạo dịu nhẹ, miếng sườn nướng vàng sém cùng với mùi mỡ xào hành thơm nức. Cơm tấm Sài Gòn là món dễ chiều lòng mọi thực khách. Người nào ưa đủ đầy thì gọi một đĩa có cả sườn, bì, chả trứng; người nào đơn giản thì gọi đĩa cơm tấm bì ăn với nước mắm chua ngọt cũng đủ ấm lòng.
Hay những món ăn vặt phong phú cũng gợi nhắc cả một trời tuổi thơ mê mẩn hàng quán của những cô cậu học trò thời đó. Mùi vị đĩa bột chiên hay ly chè sâm bổ lượng thơm mát là ký ức của những lần hẹn hò sau buổi tan trường đạp xe đến những quán "ruột" khắp các ngã đường Sài Gòn thân quen.
Cuisine De Saigon, không chỉ là nơi nạp đầy năng lượng cho hành khách trước mỗi chuyến bay. Không gian nhà hàng được thiết kế kết hợp những điều mới mẻ của hiện tại và nét hoài cổ tạo nên bóng dáng của quán xá Sài Gòn ngày xưa. Ngồi đây, người Sài Gòn có thể tìm lại ký ức thời trẻ và nhìn ngắm một Sài Gòn rất đỗi thân quen.
- Nhưng thực khách đến nhà hàng không chỉ riêng người Sài Gòn?
Ngoài các món ăn đặc trưng Sài Gòn, thực đơn của Cuisine De Saigon còn có nhiều món ăn của miền Bắc – Trung với nét đặc sắc bản nguyên của món ăn. Dù tôi luôn chăm chút thiết kế làm món ăn đẹp hơn, ngon hơn nhưng luôn giữ nét truyền thống đã được định danh theo vùng miền. Từng món ăn được dùng với từng loại rau gia vị và nước chấm khác nhau làm nên đặc trưng của món ăn và địa phương xuất xứ. Tôi cũng luôn dùng nước mắm như một gia vị trong khi chế biến tạo ra vị riêng biệt của ẩm thực Việt.
Cuisine De Saigon cũng muốn gửi thông điệp về ẩm thực Việt rất lành mạnh tốt cho sức khỏe và cân bằng. Món ăn Việt hầu như rất hiếm khi dùng dầu mỡ, các loại bột nêm, kem... bù lại sử dụng nhiều gia vị, các loại rau thơm có tác dụng như bài thuốc. Vì vậy, các món ăn của Cuisine De Saigon không chỉ ngon mà rất lành mạnh, an toàn tốt cho sức khỏe thực khách trong mỗi hành trình bay.
Võ Quốc:
• Tốt nghiệp xuất sắc lớp bếp Việt Nam tại Trường Nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn Saigontourist năm 2001. Sau đó nhận học bổng tham gia lớp nâng cao dành cho bếp trưởng các nhà hàng do vương quốc Bỉ tài trợ tại trường Saigontourist.
• Giải vàng cuộc thi nghề Châu Á năm 2001
• Danh hiệu Đại sứ ẩm thực Việt Nam do Hiệp hội Đầu bếp thế giới trao tặng năm 2012
• Hiện nay là Đại sứ ẩm thực SASCO