Võ Trọng Nghĩa: Kiến trúc sư xanh, sùng bái thiền và kỳ dị nhất Việt Nam
Trở thành kiến trúc sư có số lượng giải thưởng quốc tế lớn nhiều nhất Việt Nam, Võ Trọng Nghĩa vẫn rất ít quan hệ. Vị giám đốc kiên quyết không ra ngoài tiếp khách, chỉ ăn trưa với cơm hộp và tối về nhà. Những nhân viên trong công ty của Nghĩa bắt buộc phải ngồi thiền 2 tiếng mỗi ngày trong giờ làm việc.
- 01-11-2016Loại gạch tưởng như bị lãng quên này lại đang tạo ra những căn nhà độc đáo dưới bàn tay của kiến trúc sư
- 27-10-2016Kiến trúc sư nói gì về biệt thự cổ nơi diễn viên Chiều Xuân kêu cứu?
- 30-09-2016Chàng kiến trúc sư đã biến kho thóc cũ thành căn nhà 30m2 đẹp như mơ dành tặng vợ
- 16-08-2016Kiến Trúc Sư của dòng "limited"
Chúng tôi đến văn phòng Võ Trọng Nghĩa ở tầng 8 số 70 Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) vào 9h30 sáng nhưng khung cảnh ở đây giống như đang nghỉ trưa. Điện ở khu lễ tân tắt, chỉ có ánh sáng tự nhiên và không có người ngồi trực lễ tân.
Khi được dẫn vào trong, chúng tôi gặp Võ Trọng Nghĩa đang ngồi trao đổi với một nhân viên trong khung cảnh hơi tối do không bật đèn. Những khu làm việc bên trong công ty này cũng tương tự, các kiến trúc sư (khá nhiều người nước ngoài) làm việc trong yên lặng, với ánh sáng tự nhiên.
Vị kiến trúc sư nổi tiếng làm giám đốc nhưng không có phòng riêng. Chỉ đến khi bắt đầu cuộc trò chuyện, Nghĩa mới với tay bật đèn cho sáng khu mình ngồi. Nghĩa nói: "Không có ai bắt tắt đèn đâu mà mọi người thích như vậy đấy. Chắc là do họ và tôi thiền quen nên thế".
Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976, là con út trong một gia đình có 7 chị em ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (chỗ bắt đầu đường mòn Hồ Chí Minh). Khi còn học cấp 1, ngôi trường của Nghĩa năm nào cũng bị đổ bởi gió bão, phải dựng lại và cậu cùng bạn bè được "nghỉ thoải mái".
Cũng chính vì điều này mà cậu học trò ngày ấy nuôi giấc mộng trở thành kiến trúc sư để làm giàu và xây được những ngôi trường… chẳng bao giờ sập. Khi thi đỗ 3 trường đại học, Nghĩa chọn Đại học Kiến trúc Hà Nội chứ không phải Bách khoa hay Xây dựng.
Năm 1996, Võ Trọng Nghĩa nhận học bổng của chính phủ Nhật Bản, theo học khoa Kiến trúc Học viện Kỹ thật Nagoya và tốt nghiệp thủ khoa năm 2002. Trong thời gian học, năm 1999, Võ Trọng Nghĩa có công trình thiết kế nhà ở đoạt giải thưởng lớn của một tập đoàn Nhật Bản.
Học tiếp thạc sĩ ở Đại học Tokyo, đề tài nghiên cứu được anh chọn là khí động học, gió và nước. Đây cũng là yếu tố nền tảng tạo nên thành công ban đầu cho những công trình thiết kế của Võ Trọng Nghĩa sau này.
Tốt nghiệp bằng thạc sĩ hạng ưu của Đại học Tokyo năm 2004, Nghĩa tiếp tục làm tiến sĩ tại đây và đoạt giải thưởng xuất sắc cho nghiên cứu ở luận án tiến sĩ. Thế nhưng, khi việc học ở đất nước mặt trời mọc chưa hoàn tất, người thầy của Nghĩa – Giáo sư Hiroshi Naito nói với cậu: "Ta đào tạo con để con làm kiến trúc sư giỏi chứ không phải để nghiên cứu"
"Thầy nói, đi về học thất bại đi còn hơn là cứ thành công mãi. Tôi chấp nhận lời của thầy, và đó cũng là ý nguyện của tôi" Nghĩa tâm sự. Sau đó, nghiên cứu sinh này bỏ dở bằng tiến sĩ để quay về Việt Nam lập nghiệp ở tuổi 30.
Về nước, năm 2007, Võ Trọng Nghĩa lại tiếp tục thành công với Cafe Gió và Nước tại Bình Dương. Đây là công trình ứng dụng nguyên tắc khí động học tiêu biểu, sử dụng năng lượng gió và khả năng làm mát của nước để tạo ra những chiếc máy điều hòa tự nhiên.
Công trình kiến trúc độc đáo này đã đoạt huy chương vàng Giải thưởng Hội Kiến trúc sư châu Á (Arcasia Awards) 2007-2008. Võ Trọng Nghĩa là kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam được nhận giải thưởng này và cũng là giải cao nhất.
Thế nhưng, ngoài giải thưởng quốc tế đầu tiên, Võ Trọng Nghĩa liên tiếp gặp thất bại trong kinh doanh. Trong hơn 5 năm đầu tiên mở công ty, Nghĩa có rất ít việc để làm, nhiều công trình được thiết kế ra nhưng không được thi công. Công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa luôn trong tình trạng thua lỗ, gặp khó khăn rất lớn khi đến kỳ trả lương cho nhân viên nhưng lại muốn thuê những người có trình độ tốt nhất.
Bỏ lại sau lưng những thành công trong học vấn ở Nhật, bỏ dở luận án tiến sĩ để về Việt Nam “học thất bại” theo lời khuyên của Giáo sư Hiroshi Naito, Võ Trọng Nghĩa đã có những bài học thất bại đúng nghĩa. Tuy nhiên, điểm sáng trong thời kỳ khó khăn này là Nghĩa vẫn mời được một thủ khoa về kiến trúc của Đại học Tokyo về cùng làm việc với mình từ những ngày đầu.
Mặc dù đoạt hàng chục giải thưởng danh tiếng nhất về kiến trúc của thế giới cho những công trình tại Việt Nam mà Võ Trọng Nghĩa là tác giả, nhưng công ty mà anh làm chủ luôn trong tình trạng khó khăn về tài chính. Nghĩa cho biết, sau 9 năm mở công ty, đến tháng 7/2015, tiền thiết kế phí mới đủ trả lương cho nhân viên.
"Ở Việt Nam, người ta không sẵn sàng trả đủ phí thiết kế cho một công trình kiến trúc xuất sắc. Trên thế giới, phí thiết kế trung bình khoảng 10% giá trị công trình, với các căn nhà nhỏ thì tỷ lệ sẽ cao hơn; con số này ở Việt Nam rất thấp. Với nhiều công trình khó và đoạt giải quốc tế, phí thiết kế của mình bị kêu đắt nhưng không có mấy người tin là mức đó là bị lỗ nặng"
Thất bại liên tiếp, kinh doanh khó khăn kéo dài nhiều năm, Võ Trọng Nghĩa bị stress triền miên. Anh tìm đến thiền để giải toả căng thẳng trong công việc, nhưng thật bất ngờ, thiền đem lại cho Nghĩa nhiều hơn thế. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Nghĩa cho biết, 3 bí quyết trong công việc của mình là kiên nhẫn, sự tĩnh lặng trong tâm hồn và sống theo quy luật của tự nhiên. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh nói: “Đó cũng là những nguyên lý từ thiền”.
Kể từ khi ngộ ra nhiều triết lý từ thiền, anh không chỉ luyện tập cho riêng mình mà thiền trở thành một chính sách bắt buộc tại công ty. Bất cứ nhân viên nào vào làm việc tại Vo Trong Nghia Architects đều phải qua một khoá thiền 10 ngày, mỗi ngày thiền 10 tiếng và 1 tiếng nghe phát thoại. Trong thời gian đó, người học không điện thoại, không nhắn tin, không máy tính… và ăn chay.
Nếu ở công ty, mọi người đều dành 2 tiếng trong ngày để thiền (7h30-8h30 sáng và từ 5h-6h chiều) và không có ngoại lệ. Nghĩa giải thích:"Thiền quan trọng với tất cả mọi người, chỉ có người nào nhận ra hay không thôi. Tất cả các mâu thuẫn trong xã hội kể cả giữa các quốc gia là do đầu óc điên rồ của cái tôi lớn quá và sự xa rời thiên nhiên làm cho con người ta hoang dại. Thiền giúp con người cân bằng, sống gần gũi với thiên nhiên hơn và giảm bớt ý định về mâu thuẫn đâu. Chắc chắn là như thế!".
Sự sùng bái thiền của Võ Trọng Nghĩa thậm chí hơi cực đoan. Năm 2015, thời điểm công ty đang phát triển bùng nổ và rất cần tuyển thêm nhân sự mới, Nghĩa vẫn cho nghỉ việc những người không thể đi thiền hàng ngày kể cả họ giỏi chuyên môn.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Võ Trọng Nghĩa nhấn mạnh một quan điểm rất khác biệt của riêng mình: "Làm kiến trúc không quan trọng bằng đào tạo ra người làm kiến trúc. Đào tạo kiến trúc sư không quan trọng bằng một đội ngũ trong công ty cùng tu tập và thiền tốt; và điều đó lại không quan trọng bằng trong công ty xuất hiện một người thiền rất giỏi".
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT – người làm việc với Nghĩa một thời gian dài với 2 công trình tại Hà Nội và TPHCM cho biết: "Cậu ấy có chia sẻ là thiền rất cần thiết cho nghề kiến trúc vì nó đem tới khả năng tập trung vào một mục tiêu và tạo ra ý tưởng mới độc đáo. Vì thế, giờ làm việc ở công ty là 8 tiếng thì cần 2 tiếng để thiền và 6 tiếng còn lại sẽ hiệu quả hơn 8 tiếng làm việc thông thường. Nghĩa còn tiết lộ là sau khi nhận đề bài kiến trúc, cậu ấy sẽ cùng nhân viên đi khảo sát mặt bằng cụ thể, rồi ngồi thiền thì sẽ ra ý tưởng thiết kế"
"Tháng trước, Nghĩa nhắn cho tôi là sẽ đi thiền tập trung trong 20 ngày và sẽ không nghe điện thoại, nhận tin nhắn hay đọc email. Đây là hoạt động tái tạo sự tập trung trí óc thường niên của Nghĩa và các cấp quản lý trong công ty"
Chia sẻ về quy định thiền 2 tiếng mỗi ngày ở công ty, Nguyễn Thị Huyền Diệu – người vào làm việc tại Vo Trong Nghia Architects được gần 1 năm cho biết: “Cần phải nói cho chính xác là tôi ‘được thiền’ chứ không ‘phải thiền’ như nhiều người vẫn nghĩ”. Diệu tiết lộ, ban đầu việc thiền sẽ không dễ dàng nhưng khi quen thì mọi việc hoàn toàn khác.
“Thiền sẽ giúp tâm hồn mình thư thái, trí óc tập trung và nhận rõ những vấn đề mình đang gặp phải trong công việc và cuộc sống. Vì thế, thời gian thiền là lúc thư giãn, làm cho mọi người thoải mái hơn và là một nét văn hóa riêng ở công ty chúng tôi”, nữ nhân viên này tâm sự.