VOF VinaCapital gia tăng tỷ trọng FPT, đánh giá tích cực với triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam
"Việt Nam mang đến cơ hội với nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao nhưng định giá hợp lý, một sự cân bằng hiếm có giữa lợi nhuận cao trên vốn chủ sở hữu và tăng trưởng EPS", theo báo cáo VOF VinaCapital.
VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF VinaCapital) vừa công bố báo cáo hoạt động với nhiều điểm đáng chú ý.
Tại thời điểm cuối tháng 2/2021, quy mô danh mục VOF VinaCapital đạt 1,12 tỷ USD. Trong đó, quỹ dành gần 81% danh mục cho các cổ phiếu niêm yết và UPCom. Trong đó, HPG hiện là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 19%.
Top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục VOF VinaCapital vào cuối tháng 2 đáng chú ý có sự hiện diện của FPT với tỷ trọng 3,7%, trong khi VNM đã không còn nằm trong top 10. VHM cũng có sự gia tăng tỷ trọng trong tháng 2 với 5,1%, trong khi tháng trước đó chỉ chiếm tỷ trọng 4,6%.
Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VOF vào cuối tháng 2/2021
Bên cạnh việc đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết, VOF VinaCapital cũng đang đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân (Private Equity) với tỷ trọng 14,3% (khoảng 161 triệu USD). VOF VinaCapital cho biết việc nới lỏng tập trung đông người, các trường học, nhà hàng, tiệc cưới hoạt động trở lại từ đầu tháng 3 đã mang lại những tín hiệu cực cho các khoản đầu tư của quỹ.
Với lĩnh vực khách sạn, VOF VinaCapital hiện đang đầu tư vào chuỗi GEM Centre và tiệc cưới White Palace. Trong năm 2020, lĩnh vực khách sạn, nhà hàng trong danh mục VOF VinaCapital đã có EBITDA dương và kỳ vọng lợi nhuận sẽ cải thiện trong năm 2021. Quỹ cho biết điểm tích cực là các công ty vẫn có số dư tiền mặt lớn để mở rộng hoạt động.
Với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, VOF VinaCapital hiện đang đầu tư vào Bệnh viện Thu Cúc. VOF Vina Capital cho biết Thu Cúc đã mang lại hiệu quả ổn định về doanh thu và EBITDA trong năm 2020, đây là điều đáng khích lệ trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid. Lượng bệnh nhân nội trú và ngoại trú tăng lần lượt 40% và 13% so với cùng kỳ năm trước. VOF Vina Capital dự báo năm 2021, việc tung vaccine sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu suất của bệnh viện thông qua tăng số lượng bệnh nhân tới khám và việc khai trương phòng khám thứ 2 tại Hà Nội, với diện tích 7.000 m2 sẽ giúp cải thiện cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Việt Nam mang đến cơ hội với nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao nhưng định giá hợp lý
Về diễn biến TTCK, trong 15 phiên giao dịch tháng 2, chỉ số VN-Index tăng trưởng 10,8% (tính theo USD) với sự hồi phục trên diện rộng, trong đó tài chính, BĐS, vật liệu xây dựng là những nhóm ngành đóng góp nhiều nhất vào đà tăng chỉ số. Từ đầu năm tới nay, VN-Index tăng 6,4% (USD), đây là mức tăng vượt trội so với các thị trường khu vực như Thái Lan (+2,3% YTD), Indonesia (+2% YTD), Philippines (-3,7% YTD).
VOF VinaCapital cho biết trong bối cảnh hầu hết các thị trường khu vực sụt giảm lợi nhuận thì Việt Nam đã trở thành điểm sáng với tăng trưởng EPS năm 2020 đạt 1,4%. Trong khi đó, tăng trưởng EPS Thái Lan âm 48,7%, Philippines âm 46,5% và Indonesia âm 45,5%.
Các ước tính gần đây cho thấy tăng trưởng EPS Việt Nam năm 2021 vào khoảng 23,8%. VOF VinaCapital đánh giá đây là điều khả thi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực với xuất khẩu tăng mạnh, niềm tin người tiêu dùng tăng cao và Chính phủ đẩy nhanh đầu tư công. Sau khi tăng trưởng GDP 2,9% trong năm 2020, Chính phủ Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP 6,5% cho năm 2021.
VOF VinaCapital cho rằng định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn rất hấp dẫn. Cuối tháng 2/2018, P/E VN-Index chỉ khoảng 18 lần, trong khi kỳ vọng P/E Forward 2021 ở mức 14,6 lần.
"Việt Nam mang đến cơ hội với nhiều doanh nghiệp tăng trưởng cao nhưng định giá hợp lý, một sự cân bằng hiếm có giữa lợi nhuận cao trên vốn chủ sở hữu và tăng trưởng EPS", theo báo cáo VOF VinaCapital.
Cũng theo VOF, danh mục đầu tư cổ phần đại chúng của quỹ dự kiến mang lại mức tăng trưởng EPS trung bình 27,6% cho năm 2021, trong khi P/E dự phóng chỉ 10,1 lần.