Với điều này, Lào đang “tiến bộ” hơn Việt Nam và Campuchia
“Hầu hết các nước đều có luật riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Ví dụ Mỹ, Nhật, Hàn đã làm từ đầu những năm 50 – 60, riêng trong khu vực hiện nay thì kể cả Lào cũng đã làm luật này, chỉ còn Việt Nam và Campuchia là chưa!”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình về dự án Luật hỗ trợ DNNVV.
- 22-11-2016Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện
- 20-11-2016Những điểm nhấn của phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội
- 19-11-2016Đại biểu Quốc hội hiến kế kiếm tiền làm đường sắt tốc độ cao
- 18-11-2016Quốc hội chưa phê phán ai như phê phán ông Vũ Huy Hoàng
Theo số liệu, DNNVV của Việt Nam đang chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp, đóng góp 30% ngân sách, 40% GDP, 60% việc làm. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp này đều đang trong tình trạng hết sức khó khăn.
“Có một số đại biểu nói không cần về vốn, tôi không rõ lắm, nhưng chắc chắn DNNVV đang rất khó tiếp cận về tín dụng, đang khó tiếp cận về mặt bằng, đang khó tiếp cận về công nghệ, về thị trường, về các tư vấn, về đào tạo, về thông tin.”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng đây việc có một luật riêng cho nhóm doanh nghiệp này là một điều hết sức quan trọng. Luật là để có một cơ chế chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp này có điều kiện được vươn lên.
Mặc dù trước đó Việt Nam đã có Nghị định 90, sau đấy là Nghị định 56 hỗ trợ cho DNNVV và một số văn bản pháp luật khác “rải rác đâu đó có nói đến doanh nghiệp, nhưng vẫn chỉ là nói đến doanh nghiệp nói chung, không có văn bản nào riêng biệt cho DNNVV".
Bộ trưởng cũng phân tích ngay cả cơ chế chính sách trong Nghị định 56 và 90 cũng rời rạc và chung chung, không có tính khả thi nên không đi vào cuộc sống. Do vậy, Bộ trưởng cho rằng đây là một bước để luật hóa lên và cụ thể hóa những chủ trương, chính sách một cách khả thi hơn để tạo sự đóng góp giúp cho các doanh nghiệp một cách cụ thể nhất và khả thi cao nhất.
Mặt khác, việc làm luật để hỗ trợ DNNVV cũng phù hợp với chủ trương của Nhà nước, coi khu vực doanh nghiệp là động lực, xương sống cho nền kinh tế.
“Chúng ta xác định mục tiêu cụ thể là có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Đấy là những vấn đề chúng ta đã đặt ra, bây giờ chúng ta phải thiết kế để hỗ trợ.”, Bộ trưởng cho biết.
Trên thực tế, theo Bộ trưởng, hầu hết các nước đã có luật riêng cho DNNVV. “Ví dụ, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm từ đầu những năm 50 và 60, riêng trong khu vực hiện nay thì kể cả Lào đã làm luật này, chỉ còn Việt Nam và Campuchia là chưa làm.”, Bộ trưởng nói.
Do đó, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Việt Nam không thể chậm trễ hay chần chừ hơn nữa. Ông cũng cam kết trước nghị trường sẽ tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội nhằm nghiên cứu, hoàn thiện chất lượng của luật để luật đi vào cuộc sống tốt nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt nhất, góp phần phát triển đất nước trong thời gian tới.