Với tôi, trung thu là chiếc gói hút oxy ngày nào trong hai cái bánh của Kinh Đô
Hồi còn bé, tôi hay được ba chở đến nhà bác Kiếng chơi. Bác Kiếng là người Hoa, là bạn làm ăn của ba. Nhà bác Kiếng giàu, có mấy cô con gái xinh ơi là xinh mà mỗi lần tôi đến đều hỏi: "Bình đi mua đồ chơi với chị không?"
Ngày ấy, tôi nào đã biết đến bản Thiên Thai của Văn Cao. Nếu không, nhà bác Kiếng hẳn phải là chốn thiên thai của tôi. Mỗi lần đến đó, tôi cứ như lạc vào cõi mộng, có mấy cô tiên xinh đẹp mang đồ ăn ngon, mua cho tôi đồ chơi thỏa thích. À, lại còn có cả cái điện thoại bàn nữa.
Cuối những năm 1990, nhà nào có điện thoại bàn là ngầu lắm. Lũ bạn tôi bảo nếu gọi đến 108, sẽ có mấy cô tổng đài ngồi đọc truyện Đô Rê Mon cho mình nghe. Với tôi đó thật sự là một phép màu. Tiền mua một cuốn truyện Đô Rê Mon đã bằng bốn bữa ăn sáng của tôi, đàng này còn có người… đọc cho mình nghe nữa.
Hôm ấy đến nhà bác Kiếng, các chị lại hỏi tôi:
Bình có đi mua đồ chơi với chị không?
Tôi quyết định đổi cái đặc quyền "đi mua đồ chơi" ấy bằng "một cuộc điện thoại". Tôi mới rón rén hỏi:
Em có thể gọi điện thoại được không?
Chị hỏi tôi muốn gọi cho ai, có biết số chưa? Tôi nói:
Em biết số rồi, em muốn gọi cho… chị của em.
Và rồi đợi chị đi xa xa cái điện thoại, tôi mới bấm "108" cho… chị của tôi. Bên kia đầu dây là một giọng rất ngọt ngào:
Tổng đài 108 nghe.
Tôi rón rén hỏi:
Chị ơi, em có thể nghe đọc truyện Đô Rê Mon không?
Chị nói tôi chờ một chút, tôi "dạ" rõ to rồi chờ. Có tiếng nhạc, rồi có tiếng người vang lên. Cô ấy nói:
Chào em, em muốn nghe truyện Đô Rê Mon phải không? Hôm nay chị sẽ đọc cho em nghe tập "Búp bê cố vấn".
Giọng đọc của chị thật trong trẻo. Chị giả thành giọng Nô Bi Ta bị bắt nạt, giọng Đô Rê Mon hoạt bát khuyên lơn, giọng Chai En ồ ồ bắt nạt, giọng Xê Kô giảo hoạt, chỉ có giọng Xu Ka dễ thương là gần với giọng thật của chị nhất. Tập "Búp bê cố vấn" thế nào tôi không rõ nữa. Hình như hôm ấy Đô Rê Mon bận đi cua con mèo hàng xóm, nên đưa cho Nô Bi Ta một con búp bê, dặn là búp bê chỉ dẫn thế nào cứ làm theo thế ấy thì sẽ an toàn, còn trái lời thì sẽ gặp xui xẻo.
Cứ thế, tôi say mê nghe hết cả một tập truyện, sung sướng không tài nào kể xiết. Rồi kết thúc tập truyện này, cô tổng đài viên hào phóng đọc thêm một truyện nữa.
Cứ thế tới truyện thứ tư, tập "Bánh mì giúp trí nhớ". Tôi mới nói vào tai nghe:
Chị ơi, truyện này em nghe rồi.
Nhưng trong điện thoại, cô tổng đài viên vẫn đọc. Tôi nói:
Chị ơi, em muốn nghe truyện khác.
Nhưng tổng đài viên vẫn đọc. Tôi cứ nói vào đó như nói vào khoảng không, rồi ba tôi xuất hiện, hỏi "gọi cho ai đó". Tôi sợ quá cúp máy, lòng cứ áy náy vì mình chưa chào người ta gì cả mà đã cúp máy rồi. Tối đó về trước khi đi ngủ tôi còn cảm thấy hối hận, người ta say mê đọc truyện cho mình nghe, vậy mà mình chưa kịp cám ơn, tạm biệt gì cả mà đã cúp máy.
"Đồ điên. Nó là máy tự động mà. Chứ ai rảnh mà ngồi đọc cho mày nghe?"
Hôm sau thằng Tuấn cận nói với tôi như thế. Đám bạn xung quanh chọc quê cười nhạo. Lúc đó tôi biết mình mới là kẻ bị lừa. Chị gái 108 kia không đọc truyện vì chị thích đọc truyện cho tôi nghe, mà vì chị được trả tiền để làm như thế.
Tôi đã buồn suốt mấy ngày liền.
Cũng ở nhà bác Kiếng, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy cái bánh trung thu của Kinh Đô.
Trước đó, khi nói đến bánh trung thu, tôi chỉ nhớ những chiếc bánh được gói trong giấy dầu, được ba mua về cúng ông nội. Chờ mãi mới được ăn. Thường nhà tôi mua bánh rất trễ, vì càng trễ thì giá càng giảm. Tôi phải chảy nước miếng nhìn bọn trong lớp ăn bánh trước, rồi đợi bánh nhà mình cúng xong mới được ăn. Có lần cúng xong thì bánh lên cả mốc trắng rồi, mẹ tôi phải lấy dao gọt phần đó đi. Những gì còn lại của nó còn bị hôi dầu và ngọt khé cổ, nhưng tôi vẫn ăn. Trung thu mà…
Rồi trung thu năm ấy tôi đến nhà bác Kiếng. Trên bàn có một cái đĩa to, đựng hai cái bánh trung thu. Tôi thật sự chấn động. Hai chiếc bánh tuyệt đẹp, lại được gói trong bao kiếng sáng loáng, bên ngoài có ghi cái nhân bên trong. Cái gì mà "thập cẩm gà quay", cái gì mà "khoai môn sữa dừa". Trước giờ, thế giới bánh trung thu của tôi chỉ có "đậu xanh" và "thập cẩm", làm gì biết "ngoài trời còn có trời", ngoài thập cẩm lại còn có cả thập cẩm gà quay.
Nếu như cái bánh trung thu được gói trong miếng giấy dầu nhà tôi là gà thì cái bánh của Kinh Đô phải là phượng hoàng. Nhưng ba mẹ tôi dặn rất kỹ, đến nhà người lạ có thấy cái gì đẹp cách mấy cũng không được xin. Tôi nào dám xin, nước miếng ứa ra chỉ biết lặng lẽ nuốt vô. Nhưng ba mẹ cấm xin chứ quên dặn cấm nhìn. Tôi cứ nhìn mãi hai cái bánh đẹp mê hồn ấy, nhìn đến độ không nghe thấy lời bác Kiếng hỏi thăm tôi là "dạo này học hành thế nào".
Bà chị xinh đẹp con bác Kiếng xuất hiện. Nhìn cặp mắt là biết tôi thèm cái bánh rồi. Chị tâm lý hỏi:
Chị khui bánh em ăn nha.
Tôi lắc đầu nguầy nguậy, trong bụng thầm nói: "Em lắc cái đầu chứ cái bụng em gật đó nha chị". Ba tôi nói: "Ở nhà nó ăn rồi, đừng có khui làm gì ăn không hết đâu". Tôi bèn nói theo ba:
Dạ chị đừng mở, ăn không hết đâu.
Nhưng câu trong bụng tôi là: "Hết chứ, hai cái cũng hết nữa". Chị gái kia quả là thần tiên hiểu lòng tôi, chị không chờ tôi nói thêm xé luôn cái bao lấy cái bánh trung thu ra. Bên trong nó là một cái gói nho nhỏ mà mãi sau này tôi đọc trên bao bì mới biết nó là gói hút oxy. Nhưng ngày đó tôi đâu có biết, tôi tưởng nó giống như gói muối, tôi đồ là bánh trung thu Kinh Đô, người ta phải xé cái gói này ra để chấm với bánh. Nhà giàu ăn là hay chấm chấm lắm. Nhưng khi tôi định xé gói ấy ra thì chị ngăn tôi lại:
Cái này không ăn được, nó dùng để bảo quản cho bánh lâu hư hơn, không bị mốc. Do bánh trung thu không có chất bảo quản nên người ta đặt gói hút oxy này vào.
Cái miệng của tôi lúc ấy không kiềm được bèn nói:
Bánh nhà em không có bịch này, hèn chi nó bị mốc và hôi dầu.
Sau khi cắt bánh ra, chị nói:
Bánh này để ăn, còn bánh này cho Bình mang về.
Chị chỉ vào cái bánh còn lại. Ba tôi kịch liệt chối từ, còn tôi thì cũng chối chiếu lệ. Không thể bỏ qua cơ hội sở hữu một thứ hay ho như thế này được.
Tối hôm ấy về nhà, mông tôi sưng to như cái bánh trung thu. Ba nói tôi đã làm ba xấu hổ vì hành xử như một kẻ chết đói. Nhưng lần đầu tiên ăn đòn mà tôi thấy không đau mấy. Tối hôm ấy mẹ về, tôi đã xé cái bánh trung thu Kinh Đô ra cho mẹ coi, khoe với mẹ cái bịch kỳ lạ mà khi để chung với bánh trung thu nó không bị mốc. Tôi nói mình để dành cái bịch này, năm sau bỏ chung với cái bánh trên bàn thờ thì không phải dùng dao cắt mấy chỗ mốc đi.
Không hiểu sao lúc đó tôi không còn muốn ăn cái bánh trung thu ấy nữa. Tôi đã giữ cái gói hút oxy ấy suốt một năm trời.
Tôi không nhớ mình có lấy cái gói chống mốc ấy bỏ lên cái bánh trung thu trên bàn thờ không. Tôi cũng không nhớ là từ khi nào, nhà tôi khá lên, có thể mua được cả hộp bánh Kinh Đô chứ không còn phải chia nhau một cái bánh cúng bọc trong giấy dầu nữa. Bánh trung thu Kinh Đô nay cũng trở nên phổ biến hơn với mọi nhà, với đủ mùi đủ vị. Bên cạnh mấy loại bánh truyền thống, người ta đã làm thêm bánh dẻo, đã sáng tạo thêm nhân Lava Trứng Chảy, Lava đậu xanh chà bông,… Hộp bánh cũng bắt mắt, sang trọng hơn. Nhưng với tôi, trung thu chính là chiếc gói hút oxy ngày nào trong hai cái bánh của Kinh Đô nhà bác Kiếng…
Mỗi lần nghĩ về cái gói ấy, tôi như thấy mông mình nhói lên một cái, và miệng mỉm cười khi nhớ lại mình đã từng làm ba mình xấu hổ ra sao, đã từng bị mấy cô 108 "lừa" như thế nào. Sau này khi con tôi lớn lên, tôi sẽ kể lại chuyện này cho nó, rằng ba nó đã nát đít chỉ vì muốn giữ cái gói hút oxy chống mốc cho những chiếc bánh trung thu trong tương lai… Nhưng dù mọi thứ đã đổi thay nhiều rồi, tôi vẫn sẽ giữ tinh thần trung thu ấy cho tôi, con tôi…để nó luôn sáng mãi