MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn FDI liên tiếp sụt giảm: Nhà đầu tư thận trọng?

Vốn FDI liên tiếp sụt giảm: Nhà đầu tư thận trọng?

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn là “điểm sáng” của kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng hai con số nhiều năm qua. Tuy vậy, do biến động kinh tế và địa chính trị trên thế giới, dòng vốn FDI sụt giảm liên tiếp từ đầu năm đến nay.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn là “điểm sáng” của kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng hai con số nhiều năm qua. Tuy vậy, do biến động kinh tế và địa chính trị trên thế giới, dòng vốn FDI sụt giảm liên tiếp từ đầu năm đến nay.

Vốn FDI sụt giảm, nhất là ở dấu hiệu kéo dài của một xu hướng qua nhiều tháng, được nhiều chuyên gia quan tâm và xét đến các điểm liên quan.

CÂN NHẮC NHIỀU YẾU TỐ VÀ TRIỂN VỌNG

Theo số liệu mới công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt 16,8 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 3% so với 8 tháng.

Đáng chú ý, tới cuối tháng 9, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 7,12 tỷ USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng nghĩa, đây là tháng thứ 8 liên tiếp kể từ đầu năm, vốn FDI đăng ký mới sụt giảm so với cùng kỳ.

Lý giải về sự sụt giảm này, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam nhìn đến một nguyên nhân: Dịch COVID-19 dù đã được kiểm soát ở Việt Nam, song vẫn gia tăng trên thế giới với nhiều biến thể mới, khiến NĐTNN gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới trong các tháng cuối năm 2021.

“Điều này cũng ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022”, ông Cường nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), tác động từ dịch COVID-19 và cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, nhiều tổ chức quốc tế đều dự đoán tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2022 và 2023 sẽ ở mức thấp. Vì vậy, các NĐTNN dè dặt khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại thời điểm hiện tại.

“Dòng vốn đăng kí mới vào Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ, do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư khi nhìn vào tốc độ phục hồi kinh tế thế giới còn tương đối rủi ro, nên họ cân nhắc kỹ lưỡng về việc đầu tư ở đâu, thời điểm nào”, ông Toàn diễn giải thêm.

Nhà đầu tư thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng hơn các yếu tố khi mà thế giới đầy biến động. Đặc biệt, để kiềm chế áp lực lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có 3 đợt tăng mạnh lãi suất liên tiếp, các chuyên gia cho rằng việc này đã và đang tác động trực tiếp và gián tiếp đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Cường nhìn lại, lịch sử của các đợt tăng lãi suất của Fed, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn đảo chiều và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Vì vậy, việc điều chỉnh lãi suất mới đây cũng tạo ra hiện tượng đảo chiều của dòng vốn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, dòng vốn này đã được rút ra chủ yếu từ thị trường chứng khoán, còn dòng vốn FDI có giảm nhưng không đáng kể.

“Các NĐTNN thường nhìn vào nền tảng vĩ mô ổn định để lựa chọn là điểm đến đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Trong khi Việt Nam có nhiều yếu tố hỗ trợ như tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, qua đó sẽ thúc đẩy các hoạt động từ khu vực FDI về mặt đầu tư và xuất khẩu. Vì vậy trong ngắn hạn, dòng vốn này vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam”, ông Cường khẳng định.

Triển vọng đầu tư và tính hấp dẫn cũng là yếu tố được xét đến. Về trung hạn, theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, nếu nền kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái trầm trọng thì chắc chắn dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ sụt giảm. Bởi doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng chịu khó khăn chung như giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí đầu tư tăng cao… trong khi, không tăng được giá sản phẩm.

“Thông thường, các doanh nghiệp FDI sẽ cân nhắc những dự án có lãi đủ hấp dẫn thì giải ngân, còn các dự án nào chưa đủ hấp dẫn thì họ sẽ xem xét và chờ đợi thời cơ mới đầu tư. Thời gian tới, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại”, ông Doanh dự tính.

ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH, THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỘNG

Sau 25 năm hoạt động và đầu tư vào Việt Nam, ông Nawaf Al Zamil - Chủ tịch Tập đoàn Zamil Steel cho biết, đến nay doanh nghiệp đã mở được 2 nhà máy ở hai miền Nam - Bắc, cung cấp cho thị trường 120.000 tấn thép tiền chế mỗi năm, với 7.000 dự án đã được hoàn thiện kết cấu thép. Trong năm 2022, Chủ tịch Zamil Steel cho biết đang xây dựng một kế hoạch nghiêm túc trong việc mở rộng tại Việt Nam.

“Hiện nay, chúng tôi đang đầu tư vào các nhà máy tại Việt Nam với nhiều máy móc hiện đại hơn để đáp ứng các yêu cầu của dự án. Chính phủ và các bộ, ban, Ngành liên quan đã và đang hỗ trợ chúng tôi rất tích cực trong hành trình này. Ngoài tiềm năng của một thị trường còn tốt hơn thời điểm đầu tư vào, chúng tôi sẽ coi Việt Nam là tụ điểm sản xuất, từ đó xuất khẩu ra thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tôi rất lạc quan về tương lai phát triển tại đây”, Chủ tịch Tập đoàn Zamil Steel chia sẻ.

Bên cạnh những điển hình nhà đầu tư lâu năm như Zamil Steel, thời gian qua nhiều “gã khổng lồ” sản xuất của nước ngoài đã đến và đang đẩy mạnh xây dựng căn cứ điểm tại Việt Nam. Như cuối tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Foxconn - một doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản xuất, cung ứng của Apple - quyết định đầu tư 300 triệu USD xây thêm nhà máy mới tại tỉnh Bắc Giang; hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Apple của Mỹ hay Samsung của Hàn Quốc đã có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Hay mới đây truyền thông nước ngoài cũng đưa tin “Tập đoàn Boeing muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam”…

Gắn với dòng chảy đang khẳng định trên, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, tuy vốn đầu tư đăng ký mới giảm những tháng qua, nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và GVMCP vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Trong đó, vốn thực hiện tiếp tục tăng trưởng, đạt mức cao nhất từ đầu năm, cho thấy các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

“Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư vẫn coi Việt Nam là điểm đầu tư an toàn và thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đối với hoạt động sản xuất cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam”, ông Toán nhận định.

Về giải pháp thu hút FDI, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu phức tạp, khó lường, việc Việt Nam giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế cũng như việc kiểm soát dịch bệnh tốt và linh hoạt các chính sách tiền tệ sẽ tạo điều kiện và là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư FDI tiềm năng.

Theo chuyên gia này, thời gian tới các cơ quan liên quan cần rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động, bất trắc của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới. Đồng thời, cần xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài với điều kiện đầu tư, hệ thống pháp luật minh bạch, dễ dự đoán trên nền tảng phát triển nền kinh tế thị trường kết nối toàn cầu bằng các quy tắc của pháp luật. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp FDI yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

“Cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, tôi hy vọng là tình hình thu hút FDI vào Việt Nam sẽ dần tăng trưởng trở lại. Đặc biệt, với nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam, với nỗ lực cải cách của các địa phương, hy vọng rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ sớm hồi phục vào năm 2023”, ông Doanh kỳ vọng.

Theo Nguyễn Ngọc

BizLive

Từ Khóa:
fdi

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên