MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam: Tiềm ẩn không ít rủi ro khó lường

Một số đại biểu Quốc hội nhận định, dòng vốn FDI Trung Quốc chảy mạnh vào Việt Nam là tín hiệu tích cực, nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro khó lường.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam 7,6 tỷ USD. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore để trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong 5 tháng qua.

Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam: Tiềm ẩn không ít rủi ro khó lường - Ảnh 1.

Vốn FDI từ Trung Quốc đổ nhiều vào công nghiệp chế biến chế tạo. (Ảnh minh hoạ: PLO)


Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, việc gia tăng đầu tư FDI từ Trung Quốc có thể mang đến một số hệ lụy, có thể dẫn tới sự chuyển dịch của dòng vốn FDI chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.

Đặc biệt, do sự chuyển dịch của FDI từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam, tạo nên áp lực hạ tầng, xã hội ở một số địa phương. Đồng thời có sự gia tăng các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam dẫn đến việc khó kiểm soát. Các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Từ đó dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thâu tóm, thôn tính thông qua hoạt động mua bán cổ phần.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, nhiều nguy cơ Việt Nam bị lợi dụng xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu. Từ đó dẫn đến các rủi ro trong hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt, nhất là hàng sang các thị trường lớn như Mỹ.

Không nên hút FDI bằng mọi giá

Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Theo đánh giá của ĐBQH Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dòng vốn FDI Trung Quốc chảy mạnh vào Việt Nam là tín hiệu tích cực, song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khó lường.

Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam: Tiềm ẩn không ít rủi ro khó lường - Ảnh 2.

ĐBQH Lê Công Nhường

Ông Nhường cho rằng, sở dĩ vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng là do Mỹ liên tục tăng thuế suất nhập khẩu với hàng hóa của Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp Trung Quốc phải dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam để "né" thuế quan của Mỹ.

ĐBQH Lê Công Nhường phân tích: Đối với vốn FDI đăng ký của Trung Quốc tăng mạnh tới 450%, cần xác định giải ngân được bao nhiêu hay mới chỉ là động thái "xí chỗ". "Chúng ta cần yêu cầu nhà đầu tư phải đặt cọc hoặc ký cam kết về tính khả thi của các dự án đã đăng ký", ông Nhường đề xuất.

Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Nếu nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam cam kết chỉ sử dụng một số lao động và chuyên gia của họ, còn lại sẽ thuê và đào tạo cho chuyên gia và công nhân Việt Nam, thì Việt Nam sẽ có lợi. Ngược lại, nếu họ đưa thiết bị lạc hậu, công nhân, chuyên gia của họ sang Việt Nam thì có nghĩa họ "mượn" Việt Nam để làm hàng trốn thuế với Mỹ, ông Nhường lưu ý.

Bởi vậy, theo đại biểu Lê Công Nhường, đã đến lúc Việt Nam không cần phải thu hút vốn FDI bằng mọi giá, mà cần kiểm soát công nghệ từ Trung Quốc chuyển vào Việt Nam, tuyệt đối ngăn chặn những dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường đến Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cảnh giác tránh trở thành xưởng gia công của thế giới, tránh trường hợp các doanh nghiệp Trung Quốc mượn thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ.

Cảnh giác với tình trạng đầu tư "núp bóng"

Đề cập vấn đề này, ĐBQH Trương Minh Hoàng - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đánh giá, làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ là cơ hội cho Việt Nam lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài tốt nhất. "Tuy nhiên, chúng ta cần tránh tình trạng chuyển giá, trốn thuế", ông Hoàng nói.

Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam: Tiềm ẩn không ít rủi ro khó lường - Ảnh 3.

ĐBQH Trương Minh Hoàng

Theo đại biểu Trương Minh Hoàng, sự dịch chuyển mạnh vốn FDI Trung Quốc sang Việt Nam cũng sẽ ít nhiều tạo áp lực cho doanh nghiệp trong nước. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực quản lý cũng như trình độ đội ngũ lao động, đồng thời đẩy mạnh khâu nghiên cứu phát triển (R&D), và phát triển dịch vụ để tạo thêm giá trị gia tăng. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước cũng cần siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Việt Nam cần nâng cao tiêu chuẩn môi trường, tài nguyên, công nghệ, quy chuẩn, quy cách sản phẩm…. phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và thế giới, để loại bỏ những dự án kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Để kiểm soát tốt hơn tình trạng đầu tư "núp bóng" của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Việt Nam cần có các quy định cấm các tổ chức, cá nhân Việt Nam đứng tên hộ trong các giao dịch về đất đai, bất động sản, cũng như kiểm soát chặt hơn hoạt động cho vay giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam với nước ngoài trong các dự án bất động sản, ông Hoàng nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, đại biểu Trương Minh Hoàng cũng cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép các dự án FDI nhằm đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết về yêu cầu, tiến độ triển khai đã được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Cần có các điều kiện chặt chẽ hơn đối với các hoạt động đầu tư theo hướng góp vốn, mua cổ phần; đồng thời bổ sung thêm các quy định về điều kiện an ninh quốc phòng đối với một số địa bàn, lĩnh vực đầu tư FDI có điều kiện./.

Hiện Trung Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Tây Ninh với 13 dự án, vốn đăng ký 514 triệu USD. Địa phương đứng thứ 2 là Tiền Giang với gần 360 triệu USD. Tiếp đến là Bắc Giang, TP. HCM và Hà Nội. Hầu hết các dự án đổ vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo./.


Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên