MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn FDI vào Việt Nam: Trung Quốc chưa phải là “tay chơi” lớn

Trung Quốc chưa phải là “tay chơi” lớn nếu so với các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
110 bài viết

Vốn Trung Quốc tăng cả quy mô và tỷ lệ

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, dòng vốn FDI của Trung Quốc chảy vào Việt Nam tăng qua từng năm, song còn chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ so với các nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Năm 2012, tỷ trọng vốn FDI vào Việt Nam của Trung Quốc tính cả Hong Kong, Trung Quốc đại lục chiếm một phần rất nhỏ, chỉ chiếm 8%, rất khó phân biệt giữa Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Đến năm 2019, lượng vốn này chiếm 10% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc vừa tăng quy mô vừa tăng về tỷ lệ.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng đột biến. Theo đó, Hong Kong dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,3 tỷ USD và Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,29 tỷ USD.

Vốn FDI vào Việt Nam: Trung Quốc chưa phải là “tay chơi” lớn - Ảnh 1.

Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài. (Ảnh minh họa: KT)


Theo đánh giá của PGS. TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trung Quốc chưa phải là “tay chơi” lớn nếu so với các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Bởi mỗi quốc gia đều có chiến lược đầu tư FDI riêng.

Nhật Bản thường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào sản xuất nhựa, Hàn Quốc đầu tư vào điện tử, còn Trung Quốc chưa rõ ràng vào lĩnh vực nào cụ thể. Thực tế, Trung Quốc chỉ mới xuất khẩu vốn những năm gần đây, từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc. Cấu trúc của dòng vốn này ra nước ngoài đa phần là châu Á, ông Nguyễn Đức Thành cho hay.

Vốn FDI vào Việt Nam: Trung Quốc chưa phải là “tay chơi” lớn - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Đức Thành

Viện trưởng VEPR cho rằng, đầu tư FDI mang tính chất tư nhân, kinh doanh, nên các nhà đầu tư Trung Quốc tính toán rất kỹ… Trung Quốc chưa có sự khác biệt lớn về công nghệ, mật độ vốn. Chỉ dòng đầu tư vốn đầu tư nước ngoài thì dòng FDI chưa phải quá lớn. Sự hiện diện của Trung Quốc ở Việt Nam là rõ ràng, nhưng nếu mổ xẻ kỹ thì FDI không phải là vấn đề chính.

Theo nghiên cứu của VEPR, đầu tư của Trung Quốc là một khái niệm rộng, không chỉ gồm các hoạt động do Trung Quốc đầu tư mà cần gồm cả các dự án EPC do Việt Nam vay vốn nước khác.

VEPR cũng chỉ ra, các vấn đề chính liên quan đến nhà thầu Trung Quốc chính là chậm tiến độ, vấn đề kỹ thuật, tác động môi trường. Cụ thể, nhóm nghiên cứu VEPR dẫn chứng có 25/86 dự án thuỷ điện chậm tiến độ. Trong đó có 8 trường hợp nguyên nhân chậm tiến độ là do nhà thầu và trong số này có 5 trường hợp có sự tham gia nhà thầu Trung Quốc.

Ngoài ra theo nhóm nghiên cứu VEPR, các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức EPC gây ra nhiều hệ lụy về dài hạn cho Việt Nam như: Vấn đề tham nhũng, tác động xã hội, phụ thuộc tài chính, vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế…

Cẩn trọng với hợp đồng EPC

Theo TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, nguồn vốn của Trung Quốc lãi suất thấp nhưng kèm theo rất nhiều chi phí như phí thực thi hợp đồng, phí đảm bảo.

Vốn FDI vào Việt Nam: Trung Quốc chưa phải là “tay chơi” lớn - Ảnh 3.

TS. Phạm Sỹ Thành

Một trong những điều kiện khi tiếp cận nguồn vốn vay từ Trung Quốc là ký hợp đồng EPC. Nghiên cứu về đầu tư của Trung Quốc dưới hình thức EPC qua trường hợp của ngành điện than đã chỉ rõ các bất cập của dòng vốn này như chậm tiến độ, gặp trục trặc kỹ thuật và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

TS. Phạm Sỹ Thành lấy dẫn chứng về nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, đơn vị thi công Songling Power Environmental Equipment của Trung Quốc: Từ khi vận hành vào năm 2011 đến nay, nhà máy xảy ra nhiều sự cố gây hậu quả nghiêm trọng như phải dừng vận hành trong 4 tháng do cánh quạt của tổ máy phát điện số 2 bị hỏng. Năm 2016, xảy ra sự cố cháy nổ ở phòng ắc quy và hỏng cánh quạt của tổ máy phát điện. Sai sót này khiến nhà máy dừng hoạt động trong 6 tháng, giảm 50% sản lượng điện.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xây dựng theo hình thức hợp đồng EPC với Trung Quốc và gây ra tác động môi trường. Việc vận chuyển chất thải, hệ thống xả thải không đảm bảo. Tổng cục Môi trường đã xử phạt 62.000 USD vi phạm môi trường. Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện chậm tiến độ cũng đa số do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, như Thủy điện An Khe - Kanak chậm tiến độ 2 năm. Thủy điện Thượng Kon Tum, nhà thầu Trung Quốc thiếu thiện chí, chậm tiến độ thi công buộc chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng và tố tụng dai dẳng, tốn kém..., ông Thành nêu thực tế.

Trước các vấn đề nêu ra, TS. Phạm Sỹ Thành khuyến nghị: Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động đầu tư của FDI và hoạt động khác liên quan. Cơ quan chức năng cần xem xét kỹ với khoản vay và dự án thực hiện theo hình thức EPC để tránh hệ lụy như phụ thuộc tài chính, hiệu quả kinh tế, môi trường.

Không nên dựa vào cảm tính

Tuy nhiên, khi đề cập câu chuyện vốn Trung Quốc rót vào Việt Nam, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, trong quan hệ làm ăn, phải luôn phải đặt lý trí lên hàng đầu.

Vốn FDI vào Việt Nam: Trung Quốc chưa phải là “tay chơi” lớn - Ảnh 4.

TS. Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành đặt vấn đề: Vốn Trung Quốc không xanh, không sạch lại đắt nhưng sao vẫn rất nhiều nơi chấp nhận dòng vốn này? Do đó, theo ông, khi nhìn vào dòng vốn đầu tư Trung Quốc cần nhìn bằng lý trí, bằng thống kê rõ ràng, chứ không dựa vào cảm tính.

"Khi làm ăn với bất kỳ đối tác nào, cũng cần phải có cái đầu lạnh, tỉnh táo. Bảo “ghét” ai nên không hợp tác, không làm ăn với người đó là chưa ổn. Làm việc phải bằng cái đầu, bằng tư duy chứ không chỉ bằng cảm xúc", ông Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), cho rằng, phải tỉnh táo, công bằng hơn khi đánh giá về mối quan hệ kinh tế với nhà đầu tư Trung Quốc.

"Ngay bản thân tôi cũng từng sợ đầu tư Trung Quốc vì nghe đồn nhiều quá", ông Trương Đình Tuyển nói khi đề cập đến thực tế có nhiều định kiến không tốt về dòng vốn Trung Quốc thời gian qua.

Theo ông Trương Đình Tuyển, bất kỳ nước nào cũng muốn đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài, không riêng các doanh nghiệp Trung Quốc. "Tuy nhiên quyền chọn dự án, quyền chọn đối tác nhà thầu là ở chúng ta", ông Tuyển nói./.

Theo Trần Ngọc

VOV

Trở lên trên