Vốn hóa FPT bằng 5 ngân hàng cộng lại, giá trị cổ phiếu ông Trương Gia Bình nắm giữ gần chạm ngưỡng 15.000 tỷ
Cổ phiếu vượt đỉnh, vốn hóa của FPT cũng lập kỷ lục mới hơn 212.000 tỷ đồng, lớn hơn cả 5 ngân hàng tầm trung là SHB, MSB, VIB, Eximbank, TPBank cộng lại.
Cổ phiếu FPT vừa có phiên bứt phá mạnh 3,5% lên mức 143.300 đồng/cp, qua đó lập đỉnh lịch sử mới. Giá trị vốn hóa thị trường cũng theo đó lập kỷ lục 212.000 tỷ đồng (8,5 tỷ USD), tăng gần 74% từ đầu năm 2024.
Con số này đưa FPT trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, giá trị chỉ sau 4 cái tên Nhà nước là Vietcombank, BIDV, ACV và Viettel Global. Thậm chí, vốn hóa của FPT còn lớn hơn cả 5 ngân hàng tầm trung là SHB, MSB, VIB, Eximbank, TPBank cộng lại.
Cổ phiếu FPT bứt phá có động lực lớn đến từ sự trở lại mạnh mẽ của khối ngoại sau khi hở room trên 3%. Chỉ trong 6 phiên từ ngày 22/11 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục mua ròng cổ phiếu công nghệ này với tổng khối lượng gần 13 triệu đơn vị, giá trị mua ròng vào khoảng 1.200 tỷ đồng.
Cổ phiếu FPT lên đỉnh đem lại niềm vui lớn cho cổ đông. Vui nhất có lẽ là những người sáng lập tập đoàn như Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình cùng 2 cộng sự lâu năm Bùi Quang Ngọc và Đỗ Cao Bảo khi phần lớn tài sản trên sàn chứng khoán đều nằm tại FPT. Ước tính theo thị giá FPT, khối tài sản của 3 cổ đông này lên đến gần 20.200 tỷ đồng, tăng 8.600 tỷ từ đầu năm 2024.
Là những “khai quốc công thần” của FPT, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán chưa hẳn điều mà các cổ đông sáng lập FPT quan tâm nhất. Sự phát triển lớn mạnh và bền vững của tập đoàn có lẽ mới là điều đem lại niềm vui lớn hơn cho những người cống hiến cho tập đoàn từ những ngày đầu thành lập như ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc hay ông Đỗ Cao Bảo.
Không chỉ tài sản trên sàn tăng lên, các cổ đông của FPT còn “túc tắc” nhận cổ tức bằng tiền đều đặn hàng năm. Ngày 3/12 tới đây, FPT sẽ chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền với tỷ lệ 10%. Với gần 1,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, FPT dự kiến sẽ chi khoảng 1.500 tỷ. Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 13/12/2024, tức là chỉ sau đúng 10 ngày chốt quyền.
Đây là đợt cổ tức thứ 2 cổ đông FPT được nhân từ đầu năm 2024. Trước đó vào giữa tháng 6, doanh nghiệp đã chi trả nốt cổ tức còn lại của năm 2023 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Ngoài ra, FPT còn thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 15% (cổ đông nắm 20 cổ phiếu được nhận thêm 3 cổ phiếu mới).
Về kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu đạt 50.796 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 9.226 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 6.566 tỷ đồng và 4.494 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau 10 tháng đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 82% kế hoạch doanh thu và 85% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Hồi giữa tháng 11 vừa qua, FPT đã chính thức cùng NVIDIA ra mắt nhà máy AI cung cấp dịch vụ AI, Cloud tại Việt Nam và Nhật Bản. Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Agriseco đánh giá triển vọng dài hạn của FPT khả quan với động lực thúc đẩy từ mảng dịch vụ công nghệ nước ngoài.
Nhịp Sống Thị Trường