Vốn hóa HoSE “bốc hơi” 187.000 tỷ trong một tuần, VN-Index “chật vật” giữ mốc 1.100 điểm
VN-Index mất 4,04% trong một tuần, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 8. Con số này đưa chứng khoán Việt Nam vào top các thị trường giảm mạnh nhất thế giới tuần 16-20/10.
- 22-10-2023Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Xu hướng giảm áp đảo, một cổ phiếu chứng khoán bất ngờ tăng vọt 40%
- 21-10-2023Khối ngoại trở lại mua ròng gần nghìn tỷ trong tuần VN-Index giảm sâu
Cú lội ngược dòng phiên cuối tuần qua đã cứu thị trường chứng khoán Việt Nam “một bàn thua trông thấy”. Phiên tăng mang tính giải toả giúp VN-Index chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp đồng thời lấy lại được mốc 1.100 điểm. Dù vậy, chỉ số vẫn mất 4,04% sau tuần qua, mức giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 8.
Mức giảm hơn 4% cũng đưa VN-Index lọt top các chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong tuần 16-20/10. Nếu tính trên khung thời gian một tháng, chứng khoán Việt Nam thậm chí còn đứng thứ 2 trong danh sách các thị trường giảm mạnh nhất thế giới, chỉ sau Isarel – nơi đang xảy ra căng thẳng về mặt địa chính trị.
Tuần giảm điểm mạnh khiến vốn hóa HoSE “bốc hơi” gần 187.000 tỷ đồng (~7,8 tỷ USD), xuống còn xấp xỉ 4,44 triệu tỷ đồng. Đây là mức vốn hóa thấp nhất của sàn HoSE kể từ đầu tháng 6/2023. So với đỉnh một năm đạt được đầu tháng 9, vốn hóa HoSE đã mất đến gần 545.000 tỷ đồng (~22,7 tỷ USD).
Thị trường giảm mạnh, khối ngoại không bỏ qua cơ hội gom lại hàng sau 2 tuần liên tiếp bán ròng trước đó. Lực mua tăng dần, đặc biệt trong phiên cuối tuần nhờ giao dịch thoả thuận đột biến tại VHM. Tính chung trong tuần qua, khối ngoại mua ròng 923 tỷ đồng với tâm điểm là VHM (579 tỷ đồng) và STB (491 tỷ đồng).
Tuy nhiên, luỹ kế từ đầu tháng 10 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng trên HoSE. Trước đó, khối ngoại đã bán ròng triền miên 6 tháng liên tiếp kéo trong quý 2-3. Đà bán ròng diễn ra trong bối cảnh thị trường đi lên bền bỉ suốt nhiều tháng nhưng gần như không có một nhịp điều chỉnh nào thực sự rõ rệt.
Khối ngoại trở lại mua ròng khi định giá thị trường đã mềm hơn đáng kể so với thời điểm lên đỉnh một năm. P/E của VN-Index hiện chỉ còn 12,x thay vì 14,x như giai đoạn một tháng trước. Mùa báo cáo tài chính quý 3 cũng mang đến những tín hiệu tích cực. Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng sẽ góp phần khiến định giá thị trường trở nên rẻ hơn.
Theo dự phóng của đội ngũ phân tích Dragon Capital, kết quả kinh doanh sơ bộ quý 3 thấp hơn dự kiến. Trong đó, ngành ngân hàng gặp khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng nhưng nợ xấu được dự đoán sẽ giảm từ quý 4 sau khi đã đạt đỉnh vào quý 3. Ngoài ra, các doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài sẽ phải đối mặt với rủi ro tỷ giá. Mặt khác, điểm sáng trong mùa BCTC quý 3 sẽ đến từ sự tăng trưởng trong lĩnh vực như bán lẻ, chứng khoán, sản xuất thép và công nghiệp hóa chất.
Với việc Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và điều kiện kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy yếu, Dragon Capital dự đoán sẽ có nhiều biến động cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ hỗ trợ của Việt Nam sẽ vẫn được duy trì. Do đó, sau khi kết quả kinh doanh quý 3 được công bố và tình hình thế giới ổn định, chỉ số VN-Index sẽ trở lại xu hướng tăng bình thường.
Tương tự, Pyn Elite Fund cũng đánh giá TTCK có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng dựa trên triển vọng cải thiện rõ ràng dữ liệu kinh tế và thu nhập của doanh nghiệp. Quỹ ngoại nhận định VN-Index có tiềm năng trở lại vùng định giá P/S trên 2 tương ứng vùng 1.500 điểm cùng dự báo lãi suất điều hành dự kiến sẽ giảm xuống 4% trong 12 tháng tới.
Pyn Elite Fund cho rằng TTCK Việt Nam sẽ có giai đoạn rất "thú vị" trong 12–24 tháng tới nếu các mốc thời gian hiện đại hóa thị trường được SSI dự đoán chính xác. Theo kế hoạch của nhà thầu KRX, phía Việt Nam sẽ tổ chức kiểm thử đợt cuối cùng trong tháng 11/2023 và dự kiến hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai.
Nhịp Sống Thị Trường