Vốn ngân hàng “ế”, vì sao?
Thanh khoản dồi dào là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi nhận định về hoạt động của hệ thống ngân hàng (NH) trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, điều đáng nói là vốn ngân hàng vẫn ế trong khi mục tiêu giảm lãi suất vẫn tận đẩu, tận đâu.
- 26-09-2016Khi vốn ngân hàng bị “o ép”
- 30-08-2016Sẽ có làn sóng ồ ạt bán vốn ngân hàng cho đối tác ngoại?
- 26-08-2016IFC đầu tư 18,3 triệu USD nắm gần 5% vốn ngân hàng TPBank
Mất lòng tin khiến vốn liên NH “ế”?
Cách đây hai năm, trong câu chuyện về lợi nhuận, lãnh đạo một NH tiết lộ, lợi nhuận NH tăng có sự đóng góp rất lớn kinh doanh vốn trên thị trường liên NH. Nhưng thời điểm này thì tình thế đã đảo chiều, vốn liên NH đang ế.
Tại sao trên thị trường 2 vốn ế nhiều như vậy? Một lãnh đạo NH giải thích, một phần bởi nhu cầu vay mượn trên thị trường này không nhiều do thanh khoản của nhiều NH tốt hơn, nhưng phần nữa do chính các NH đang thiếu lòng tin ở nhau nên hạn chế cho nhau vay mượn. Chính vì thế, hoạt động trên thị trường này khá tẻ nhạt trong thời gian vừa qua. Lãi suất trên thị trường này vì thế giảm liên tục. Theo Trung tâm nghiên cứu kinh tế MaritimeBank, so với cuối tuần trước, lãi suất VND giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất qua đêm ở mức 0,55%, 1 tuần là 0,58%... giảm 4-5% so với cuối năm 2015.
Trong khi lãi suất trên thị trường 2 liên tục giảm, thì trên thị trường 1, những ngày gần đây nhiều NH lại rục rịch tăng lãi suất. Chỉ trong tuần đầu tháng 9, VietCapitalBank đã tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng từ 7%/năm lên 7,1%/năm, kỳ hạn 13 tháng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm. Cũng tăng lãi suất nhưng VPBank tăng ở kỳ hạn ngắn hạn với lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,8%/năm lên 5%/năm, kỳ hạn hai tháng từ 5%/năm lên 5,2%/năm…
Điều này có vẻ như mâu thuẫn, và dường như mục tiêu cố gắng giảm thêm lãi suất của NHNN đang thất bại. Từ đầu năm đến nay qua các thông điệp từ cơ quan quản lý có thể hiểu NHNN mong muốn lãi suất liên NH là lãi suất để các NH tham chiếu áp dụng điều chỉnh lãi suất trên thị trường 1. Nhưng thực tế diễn biến trên thị trường 1 đang không như mong muốn của NHNN. Vì sức khỏe của các NH không thực sự đồng đều tác động đến quyết định giảm lãi suất. CEO một NH thừa nhận NH ông cũng rất muốn giảm lãi suất nhưng nếu giảm lại “sợ” vốn chảy qua NH khác đang chào mời với lãi suất cao hơn.
Chỉ hạ với một vài lĩnh vực
“Còn tồn tại những NH yếu kém thì không tránh được cạnh tranh không lành mạnh nhất là về lãi suất”, TS Cấn Văn Lực khẳng định. Nhưng không hẳn việc tăng lãi suất của các NH là có “vấn đề”. Đảm bảo vốn phục vụ mùa tín dụng cuối năm, áp lực quy định tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của NH tăng dần khi sang năm 2017 tỷ lệ này sẽ là 50% xa hơn năm 2018 rút xuống còn 40%. Chưa kể, cách tính dư nợ trung, dài hạn của Thông tư 06 có thay đổi lớn cũng khiến các NH phải đẩy mạnh huy động vốn để cải thiện tỷ lệ này. Cụ thể, với các khoản cho vay, cho thuê tài chính, số dư mua, đầu tư giấy tờ có giá có kỳ hạn dưới 12 tháng nếu để quá hạn sẽ bị tính vào dư nợ trung, dài hạn. Đương nhiên tỷ lệ nợ quá hạn cao sẽ làm tăng dư nợ trung, dài hạn. Vì thế các NH phải bù đắp vốn để không vượt ngưỡng quy định của NHNN, và cũng để phòng thủ thanh khoản.
Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các TCTD được NHNN đánh giá giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ , NHNN tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tuy nhiên, tham vấn một chuyên gia NH, vị này cho rằng lãi suất giảm chỉ ở một bộ phận các NH quy mô lớn, năng lực tài chính tốt. Trước những áp lực từ cả khách quan áp lực lạm phát, thay đổi chính sách lãi suất của FED, và chủ quan là nợ xấu còn tồn đọng nhiều mà chưa có phương án xử lý triệt để nên NH vẫn phải tăng trích lập DPRR… mặt bằng lãi suất thị trường 1 vẫn có áp lực nhất định nhất là đối với NH yếu kém, đói vốn. CEO một NH khẳng định, lãi suất huy động giảm là điều kiện NH giảm lãi suất cho vay nhưng nếu hạ thì NH sẽ chỉ hạ cục bộ với một số lĩnh vực ưu tiên như 5 lĩnh vực ưu tiên, DN khởi nghiệp. Còn cho vay dài hạn đối với một số lĩnh vực như BĐS, BOT, BT giao thông thì chắc chắn là không.
Mặc dù chưa nhiều NH thực hiện giảm lãi suất cho vay, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong bối cảnh chịu nhiều sức ép thì việc duy trì được mặt bằng lãi suất như hiện nay là điểm cộng đối với NHNN. Tất nhiên thị trường đòi hỏi một mặt bằng lãi suất thấp hơn, nhưng như phân tích ở trên, và so với một số nền kinh tế đang phát triển với kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định với tư cách là trung gian tài chính, mặt bằng lãi suất hiện nay là chấp nhận được.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ sử dụng vốn trên huy động của toàn hệ thống ở mức 86% cho thấy thanh khoản của các NH ở mức vừa phải chứ không quá dư thừa như trên thị trường 2. Một lý do nữa khiến các NH chưa thể giảm được lãi suất trên thị trường 1 là do thanh khoản chỉ dồi dào ở trên thị trường 2 còn trên thị trường 1, nhiều NH gặp khó khăn về thanh khoản nhất là những NH yếu kém.
Tiền phong