MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vòng luẩn quẩn" thừa quặng sắt tại Trung Quốc

03-08-2017 - 22:00 PM | Thị trường

Việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu quặng sắt có thể khiến nước này quay lại "vòng luẩn quẩn" thừa nguyên liệu thô này.

Giá quặng sắt kỳ hạn Trung Quốc hôm thứ 4 quay đầu giảm sau 3 ngày tăng liên tục. Trước đó, giá quặng sắt đạt đỉnh 4 tháng do các nhà đầu tư nghi ngờ rằng việc Trung Quốc tích cực trữ quặng sắt sẽ đẩy giá mặt hàng này tăng ổn định.

Quốc gia nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới thời gian gần đây liên tục đẩy mạnh mua nguyên liệu thô này để tăng sản lượng thép.

Các nhà máy sản xuất thép dự đoán nhu cầu sẽ tăng mạnh do chính sách tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của chính phủ. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc sẽ lại quay về thời kỳ thừa quặng sắt vào cuối năm nay. Theo số liệu thống kê chính thức cho thấy lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2016 lên mức 539,3 triệu tấn.

Một số chuyên gia phân tích tại ngân hàng Barclays cho rằng sẽ rất khó để giữ giá quặng sắt cao ổn định. Thậm chí họ còn dự báo rằng giá có thể giảm xuống khoảng 50 USD/tấn vào quý 4. "Ngay cả khi nhu cầu về thép đang là nhân tố hỗ trợ chính, chúng tôi vẫn cho rằng triển vọng giá quặng sắt vẫn đang chịu áp lực".

Đóng cửa phiên giao dịch hôm thứ 4, tại Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn giao trong tháng 9 giảm 1,1% xuống còn 567,5 RMB/tấn (tương đương 84 USD/tấn). Trước đó, hôm thứ 3, hợp đồng này tăng lên ngưỡng kỷ lục kể từ 24/3 là 582 RMB/tấn (RMB: nhân dân tệ).

Giá quặng sắt giao ngay giảm 1,7% xuống còn 72,3 USD/tấn, theo dữ liệu từ chuyên trang mặt hàng kim loại Metal Bulletin. Hôm thứ 2, giá quặng sắt giao ngay chạm đỉnh kể từ 11/4 ở mức 73,7 USD/tấn.

Ngân hàng đầu tư ANZ nhận xét việc giá sắt tăng thời gian gần đây chỉ có tác dụng tăng giá đối với nguyên liệu thô trong ngắn hạn.

Giá thép cốt hôm thứ 3 tăng lên mức 3759 RMB/tấn, ngưỡng cao nhất kể từ tháng 9/2013.

"Vòng luẩn quẩn": nỗi lo thừa quặng quay trở lại với Trung Quốc

Đợt tăng giá quặng tại Trung Quốc vừa qua đã thổi một làn gió mới đối với các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô. Tuy nhiên, lần này Trung Quốc quay sang tăng cường nhập khẩu từ các thị trường mới như Ấn Độ (tăng 151,1%), Iran (tăng 56%) và Sierra Leone (tăng 115,2%). Trong khi đó, tại các thị trường truyền thống như Australia, Brazil, Nam Phi lại tăng không đáng kể lần lượt là 8,2%, 7,3% và 2%.

Một số chuyên gia dự báo nếu giá quặng sắt tăng hơn nữa các quốc gia này sẽ càng đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Một nhà quản lý tại công ty khai thác quặng sắt Ấn Độ cho biết nếu giá quặng còn lên trên mức 80 USD/tấn họ sẽ càng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi trước đó, công ty này đã ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc khi giá quặng giảm xuống mức 50 USD/tấn. Tuy nhiên, khi giá tăng lên trên 70 USD/tấn, công ty này xuất khẩu trở lại.

Các công ty khai thác quặng trong nước cũng lợi dụng đợt tăng giá đẩy mạnh năng suất. Sản lượng quặng trong tháng 6 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao nhất trong 20 tháng ở mức 124,7 triệu tấn.

Điều đáng chú ý ở đây là sản lượng tăng ngay cả khi giá quặng chưa tăng hồi giữa tháng 6. Điều này tiềm ẩn rủi ro nguồn cung sẽ còn tăng mạnh hơn trong vài tháng tới.

Một vấn đề khác là nguồn cung từ các mỏ "siêu lớn" cũng có thể "cập bến" thị trường này trong vài tháng tới".

Mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới Vale (Brazil) đang tiến hành nâng công suất khai thác lên 90 triệu tấn/năm trong khi quốc gia xuất khẩu quặng sắt hàng đầu thế giới Australia cũng đang đầu tư trong "cuộc đua" này.

Hàng loạt các yếu tố cộng hưởng như sản lượng trong nước và nhập khẩu quặng tăng mạnh khiến Trung Quốc có thể lại phải đối mặt với tình trạng thừa quặng ngay cả khi nhu cầu thép đang tăng cao.

Như vậy, quốc gia này có vẻ dường như đang vướng vào "vòng luẩn quẩn" khi trước đó chính phủ nỗ lực thắt chặt hoạt động sản xuất thép nhằm bảo vệ môi trường khiến nhu cầu quặng sắt giảm gây áp lực lên giá mặt hàng này. Đây cũng chính là lý do khiến giá quặng sắt "quay đầu" giảm vào hôm thứ 4.

Theo Trang Hồ

Người đồng hành

Trở lên trên