VPB tiếp tục lọt top 20 cổ phiếu có tính phát triển bền vững
Với điểm số ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) tăng từ 79% trong kỳ đánh giá năm 2021 lên 83% trong năm 2022, VPBank lần thứ 4 liên tiếp lọt top 20 doanh nghiệp có cổ phiếu nằm trong danh mục VNSI, với các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị được xếp hạng cao hơn nhiều so với trung bình ngành và trung bình VN100.
Đánh giá xếp hạng Phát triển Bền vững của Sở GDCK Tp. Hồ Chí Minh (HSX) một lần nữa ghi nhận những nỗ lực của VPBank trong hoạt động xây dựng và củng cố hệ sinh thái phát triển bền vững và toàn diện, trải dài từ chính sách về môi trường và xã hội, tới thực hành quản lý, chỉ số hiệu suất, và quản trị doanh nghiệp.
Theo đó, điểm số đánh giá ESG tổng hợp của VPBank trong kỳ đánh giá năm 2022 đạt 83%, cải thiện 4 điểm phần trăm so với năm 2021, với các hạng mục Môi trường đạt 85%, Xã hội 92% và Quản trị 78%. Tổng điểm các hạng mục gia tăng qua từng năm cho thấy sự cải thiện rõ nét của ngân hàng khi chủ động nhìn nhận và khắc phục các tồn tại từ những kỳ đánh giá trước trên các tiêu chí về chính sách, hệ thống quản lý, chỉ số hiệu suất, quyền cổ đông, công bố và minh bạch thông tin…. Điểm số ESG trong các hạng mục của VPB như vậy đã vượt xa điểm số trung bình ngành (Môi trường 48%, Xã hội 71% và Quản trị 70%) và điểm trung bình của các công ty niêm yết thuộc VN100 (Môi trường 57%, Xã hội 69% và Quản trị 68%).
Bộ chỉ số VNSI được HSX triển khai vận hành từ tháng 7/2017 nhằm đánh giá hoạt động phát triển bền vững tại các công ty niêm yết và đo lường hiệu suất đầu tư bền vững trên thị trường chứng khoán. Việc đánh giá hoạt động này được thực hiện dựa trên các nguồn thông tin công bố rộng rãi và do công ty cung cấp qua Bảng câu hỏi khảo sát Phát triển bền vững được xây dựng dựa trên nền tảng GRI Standards của Tổ chức Sáng kiến Báo cáo toàn cầu, Các Nguyên tắc Quản trị công ty của G20/OECD năm 2015, Bộ Nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất 2019 và một số quy định pháp luật về chứng khoán tại Việt Nam.
Chỉ số giá VNSI tại ngày 18/11/2022, theo công bố của HSX, đạt 1.523,89 điểm, tăng 51,58% so với giá trị khởi điểm. Giá trị vốn hóa thị trường của 20 công ty có cổ phiếu trong danh mục VNSI đạt trên 1 triệu tỷ đồng (~40 tỷ USD), chiếm gần 27% tổng giá trị vốn hóa thị trường. VPB, theo đó, là 1 trong 5 cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất nằm trong bộ chỉ số nói trên, bên cạnh các tên tuổi lớn Vingroup, Vinamilk, VietinBank và FPT.
Giá trị vốn hóa của VPBank tại ngày 9/12/2022 đạt 112.781,8 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ của ngân hàng mới đây đã tăng lên 67.434 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.
Không chỉ được vinh danh tại thị trường nội địa, VPBank đồng thời được nhiều tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới ghi nhận các nỗ lực về phát triển bền vững. Có thể kể tới tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, trong kỳ đánh giá tháng 6 vừa qua, đã lần đầu tiên công bố số điểm ESG của ngân hàng. Theo đó, VPBank được đánh giá ở mức 2 trên thang điểm 5, với 1 là mức cao nhất, nhờ nền tảng vững mạnh, chiến lược rõ ràng cùng hệ thống quản trị hiệu quả. Mức xếp hạng của VPBank như vậy đang xếp ngang hàng với nhiều tổ chức tín dụng trong khu vực, cho thấy các yếu tố phát triển bền vững luôn được ngân hàng coi trọng trong định hướng phát triển lâu dài.
Với uy tín tăng cao trên trường quốc tế, VPBank đã thành công huy động được nhiều khoản vay có giá trị cao từ các định chế tài chính lớn trong thời gian gần đây. Lấy ví dụ như khoản vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD, từ năm định chế tài chính lớn ADB, SMBC, JICA, ANZ và Maybank Securities Pte. Ltd, hay khoản giải ngân trị giá 150 triệu USD từ IFC.
Đây là những nguồn lực lớn bổ trợ cho ngân hàng trong hoạt động cho vay các dự án xanh, doanh nghiệp SME và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, góp phần xây dựng và củng cố vị thế của một ngân hàng xanh và bền vững hàng đầu Việt Nam.
Tổ Quốc