img
VPBank làm gì để sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” không chỉ là khẩu hiệu suông? - Ảnh 1.

Không một chút do dự, ngập ngừng và hay vẻ lo lắng gì, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPBank Ngô Chí Dũng khẳng định chắc chắn tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 của ngân hàng hôm 29/4 vừa qua rằng, kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 30.000 tỷ đồng trong năm 2022 hoàn toàn nằm trong tầm tay. 

Mức lợi nhuận trước thuế gần 30.000 tỷ đồng được VPBank đặt ra là mục tiêu lợi nhuận lớn thứ 2 mà một ngân hàng đặt ra trong năm nay, sau Vietcombank, và cao hơn hai lần so với 14.364 tỷ đồng trước thuế VPBank thực hiện trong năm 2021. Nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là kế hoạch "đầy thách thức", nhưng Ban lãnh đạo của ngân hàng lại tỏ ra rất tự tin.

"Một lần nữa tôi muốn nói rằng kế hoạch lợi nhuận 2022 là hoàn toàn khả thi," ông Dũng nói khi trả lời câu hỏi của một cổ đông về khả năng đạt được mục tiêu lợi nhuận được cho là rất tham vọng.

VPBank làm gì để sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” không chỉ là khẩu hiệu suông? - Ảnh 2.

Rõ ràng, mục tiêu tham vọng về lợi nhuận nói trên đã được Ban Lãnh đạo ngân hàng cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên một nền tảng vững chắc trước khi trình ra đại hội đồng cổ đông phê duyệt.

"Chúng tôi cho rằng nhu cầu thị trường, của nền kinh tế sau một giai đoạn khó khăn sẽ tăng trưởng rất mạnh. Đặc biệt nhờ các chiến lược hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ, hàng trăm nghìn tỷ đang đưa vào thị trường. VPBank với nền tảng vững chắc, hệ thống sẵn sàng có khả năng đáp ứng được tăng trưởng cao," Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh chia sẻ trước đại hội.

Ông dẫn chứng thêm rằng, trong 2 năm 2020 và 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát, ngân hàng mẹ VPBank vẫn duy trì tăng trưởng tín dụng trên 20%. Đây chính là lý do VPBank vẫn đặt ra tiêu chí tăng trưởng tín dụng tới 35% trong năm nay. "Đây là kế hoạch Ban Điều hành đã trình, Hội đồng Quản trị đã hết sức cân nhắc và quyết tâm đưa ra mục tiêu trên," ông Vinh nhấn mạnh.

VPBank làm gì để sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” không chỉ là khẩu hiệu suông? - Ảnh 3.

Thực tế, kế hoạch kinh doanh trong năm nay mới chỉ là sự khởi đầu cho một tham vọng lớn hơn vừa được ngân hàng công bố. Đầu tháng Tư vừa qua, VPBank chính thức công bố tái định vị thương hiệu, đặt mục tiêu trở thành ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam cam kết hiện thực hóa sứ mệnh "Vì một Việt Nam thịnh vượng". 

Trong lịch sử phát triển gần 30 năm, đây là lần thứ hai VPBank thực hiện tái định vị thương hiệu. Lần đầu tiên là vào năm 2010 với việc đổi tên từ Ngân hàng TMCP các Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh Việt Nam thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng.

Với định vị mới, tuyên ngôn thương hiệu của VPBank sẽ được thay đổi từ "Hành động vì những ước mơ" thành "Vì một Việt Nam thịnh vượng". Sứ mệnh đó sẽ được VPBank từng bước hiện thực hóa thông qua nhiều chương trình, dự án trọng điểm tập trung vào 4 giá trị: Thịnh vượng Tài chính - Thịnh vượng Cộng đồng - Thịnh vượng Thể chất và Thịnh vượng Tinh thần.

"Đến nay, sau giai đoạn thành công khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành ngân hàng, VPBank đã sẵn sàng vươn tới mục tiêu lớn mạnh hơn, hiện thực hóa những tham vọng và hoài bão mà từ 10 năm trước chúng tôi đã gửi gắm vào tên gọi "Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng", Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết.

VPBank làm gì để sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” không chỉ là khẩu hiệu suông? - Ảnh 4.

VPBank làm gì để sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” không chỉ là khẩu hiệu suông? - Ảnh 5.

Có ý kiến cho rằng, sứ mệnh "Vì một Việt Nam thịnh vượng" VPBank đặt ra là một tham vọng lớn có thể vượt tầm. Cũng có những hoài nghi về một sự quá sức. Thế nhưng, những người đứng đầu ngân hàng vẫn quyết tâm thực hiện sứ mệnh đó. Bởi hơn ai hết, họ chính là người hiểu rõ VPBank và tin rằng ngân hàng sẽ làm được.

VPBank làm gì để sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” không chỉ là khẩu hiệu suông? - Ảnh 6.

Nhìn lại quá khứ, chẳng phải VPBank đã tạo ra một cuộc cách mạng về tín dụng tiêu dùng, đã tạo ra một hiện tượng độc nhất vô nhị trong ngành ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2010-2012 đến nay? 

Thời điểm đó, khi bắt đầu bước vào một giai đoạn mới, với đội ngũ lãnh đạo mới và một mô hình mới, VPBank là một ngân hàng nhỏ được xếp vào hạng "đàn em" trong hệ thống ngân hàng. Cuối năm 2009, tổng tài sản của VPBank mới đạt 27.543 tỷ đồng, huy động vốn từ khách hàng đạt 16.490 tỷ đồng, vốn điều lệ là 2.117 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế chỉ ở mức ít ỏi là 383 tỷ đồng. Sang năm 2010, mục tiêu của ngân hàng cũng chỉ là đưa tổng tài sản lên mức 47.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất ở mức 650 tỷ đồng. Nếu so với các ngân hàng thương mại cổ phần khác như ACB, Sacombank, Eximbank và Techcombank thì VPBank vẫn còn ở rất xa phía sau. 

Năm 2012, hệ thống ngân hàng rơi vào giai đoạn khủng hoảng, gần như tất cả các ngân hàng tại Việt Nam đều quay về trạng thái phòng thủ chặt, tránh xa những hoạt động kinh doanh rủi ro, tập trung xử lý nợ xấu. Cả thị trường ngân hàng lúc đó chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn với những khoản vay trăm tỷ đồng, nghìn tỷ đồng. VPBank lại chọn ngược dòng, xác định trở thành một ngân hàng bán lẻ, tập trung tìm đến khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

VPBank làm gì để sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” không chỉ là khẩu hiệu suông? - Ảnh 7.

Thành công lớn nhất trong chiến lược bán lẻ của VPBank là tiến vào phân khúc kinh doanh hoàn toàn mới, đầy rủi ro nhưng cũng đầy sự hứa hẹn. Đó là tín dụng tiêu dùng. Không một ngân hàng nào thời điểm đó ưu tiên đi vào phân khúc tín dụng tiêu dùng vốn chỉ cho vay các khoản vay tín chấp, đặc biệt khi mà bóng ma nợ xấu vẫn treo lơ lửng trên đầu toàn hệ thống ngân hàng. Khi đó, ở Việt Nam, tín dụng tiêu dùng chỉ là sân chơi của các công ty tài chính, với sự dẫn dắt của các công ty tài chính nước ngoài như Home Credit, Prudential Finance và Việt Société Générale. 

Tuy nhiên, với sự từng trải tại thị trường Đông Âu, nơi tín dụng tiêu dùng đã phát triển rất mạnh trước đó, cùng với dự báo về tốc độ tăng trưởng nhu cầu tài chính tiêu dùng tại thị trường Việt Nam khi kinh tế có sự phục hồi, Ban lãnh đạo VPBank vẫn kiên định với quyết định dấn thân vào lĩnh vực rủi ro nhất nhưng cũng hứa hẹn tiềm năng đột phá nhất. Dĩ nhiên, sự táo bạo đó luôn đi kèm với sự cẩn trọng lường trước được rủi ro và tìm cách quản trị rủi ro đó. Kết quả là VPBank đã tạo ra một cuộc cách mạng tài chính tiêu dùng, một FE Credit vô tiền khoáng hậu. Dù thuộc hàng sinh sau đẻ muộn, nhưng chỉ sau ít năm ra mắt, từ 2014-2017, FE Credit đã trở thành tay chơi lớn nhất trên thị trường tài chính tiêu dùng, chiếm tới 50% thị phần. Tính đến cuối năm 2021, FE Credit phục vụ tới hơn 12 triệu khách hàng trên khắp cả nước, sở hữu hơn 21.000 điểm bán hàng. 

Sau này nhìn lại, Tổng Giám đốc VPBank đánh giá đó là một quyết định táo bạo nhưng rất đúng. Tín dụng tiêu dùng đã trở thành động lực tăng trưởng chính cho VPBank trong những năm qua. Nếu không đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, VPBank sẽ khó chạy nhanh được. Sự thành công của FE Credit đã tạo ra một "quả bom tấn" trên thị trường tài chính ngân hàng cuối năm ngoái. Tập đoàn tài chính SMBC đã quyết định rút hầu bao ra 1,4 tỷ USD để được sở hữu 49% vốn điều lệ của FE Credit. Có nghĩa rằng công ty tài chính tiêu dùng này được định giá tới 2,8 tỷ USD, mức định giá lớn nhất mà một nhà đầu tư nước ngoài dành cho một tổ chức tín dụng Việt Nam trong lịch sử ngành tài chính ngân hàng.

VPBank làm gì để sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” không chỉ là khẩu hiệu suông? - Ảnh 8.

Tuy nhiên, VPBank không chỉ mạnh ở phân khúc tín dụng tiêu dùng. Các mảng kinh doanh khác như khách hàng cá nhân, thẻ, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đều cho thấy sự khởi sắc mạnh mẽ đưa VPBank trở thành đối thủ đáng gờm với bất cứ ngân hàng nào tại Việt Nam trong 12 năm qua. Sự lột xác của VPBank đã đưa ngân hàng gia nhập nhóm các "ông lớn" trên thị trường. 

Dù vậy, trở thành ngân hàng lớn không phải là điều đáng tự hào nhất của VPBank. Đóng góp cho xã hội, trở thành điểm tựa giúp hàng triệu khách hàng thực hiện ước mơ mới là điều mà những người đứng đầu VPBank tự hào nhất. Cụ thể hơn, sự bùng nổ của FE Credit đã tạo cơ hội cho rất nhiều người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận được với các khoản tín dụng chính thống để cải thiện cuộc sống, hoặc hỗ trợ trong những lúc cần kíp nhất mà thường thì sẽ phải tìm đến nguồn tín dụng đen. Có thể khẳng định, VPBank đã hoàn tất rất tốt sứ mệnh "Hành động vì những giấc mơ" được đặt ra hơn 10 năm trước.

VPBank làm gì để sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” không chỉ là khẩu hiệu suông? - Ảnh 9.

Năm 2010, trong lần đầu tiên tái định vị thương hiệu, VPBank đã thay đổi gần như toàn diện, từ logo, tuyên ngôn thương hiệu đến tên ngân hàng để thể hiện một tham vọng lớn. Đi theo đó là cả sự thay đổi về mô hình và chiến lược kinh doanh. 

Nhưng với lần tái định vi thương hiệu lần thứ 2 này, cùng một sứ mệnh cao cả hơn - "Vì một Việt Nam thịnh vượng – có những câu hỏi rằng VPBank sẽ làm gì để thực hiện sứ mệnh đó?

Những người đứng đầu VPBank hiểu rằng, để thực hiện được sứ mệnh mang tầm quốc gia như vậy, trước tiên VPBank phải lớn mạnh, phải có nội lực lớn, phải mở rộng thì mới đủ sức để giúp khách hàng, cộng đồng trở lên thịnh vượng. Dân có giàu, nước mới mạnh. Khi ngày càng nhiều khách hàng của VPBank đạt được sự thịnh vượng, đó chính là sự đóng góp thiết thực nhất vào sự thịnh vượng chung của cả quốc gia. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải xây dựng một VPBank lớn nhất để có thể tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính tốt nhất. Những sản phẩm, dịch vụ đó sẽ trở thành đòn bẩy nâng khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp đến sự thịnh vượng.

VPBank làm gì để sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” không chỉ là khẩu hiệu suông? - Ảnh 10.

"Nếu chỉ dựa vào những gì chúng ta đã làm trong 10 năm vừa qua, thì khả năng rất khó để thúc đẩy tăng trưởng cao như các năm trước đây. Do vậy ngay từ cuối năm 2021, Ban lãnh đạo đã có định hướng rất rõ việc tạo ra những động lực tăng trưởng mới là quan trọng," Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh nói trước Đại hội đồng cổ đông , đồng thời nhấn mạnh rằng mở thêm mảng kinh doanh mới và tăng trưởng về quy mô khách hàng là những ưu tiên hàng đầu. 

Để chuẩn bị cho sự tăng trưởng đó, một kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng sẽ được tiến hành ngay trong năm nay, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống, hơn 79.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng trong năm nay cũng có thể ở mức 120.000 tỷ đồng. 

Theo ông Vinh, các mảng kinh doanh chiến lược khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong những năm tiếp theo. Thậm chí, VPBank còn có kế hoạch duy trì tăng trưởng của hai mảng này lên tới 40% trong năm 2022 và các năm tới. Mục tiêu này cho thấy VPBank đã có chiến lược hết sức cụ thể.

Không dừng lại ở mảng kinh doanh cốt lõi, VPBank sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội và động lực tăng trưởng mới, trong đó có mảng chứng khoán, ngân hàng đầu tư và bảo hiểm, nhằm củng cố doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng này.

VPBank làm gì để sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” không chỉ là khẩu hiệu suông? - Ảnh 11.

Theo vị lãnh đạo của VPBank, nếu 5 năm trước là thời cơ của lĩnh vực ngân hàng và tài chính tiêu dùng, 5 năm sau sẽ là cơ hội cho chứng khoán và ngân hàng đầu tư ,và VPBank sẽ không bỏ lỡ cơ hội thị trường này. 

"Ngay trong năm 2021 Hội đồng Quản trị đã có những bước đi đầu tiên để triển khai mắt xích ban đầu của chiến lược ngân hàng đầu tư. 2022 và thời gian tiếp theo sẽ là những thời gian mà chúng tôi triển khai từng bước một," ông Vinh nói. 

Mắt xích ban đầu mà Tổng giám đốc VPBank đề cập đến, chính là công ty chứng khoán ASC được VPBank mua lại đầu năm 2022 và tiến hành đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank Securities. Ngay sau khi thương vụ thâu tóm hoàn tất, tại đại hội đồng cổ đông, Ban lãnh đạo ngân hàng cũng đã trình các cổ đông phê duyệt một kế hoạch tăng rót vốn "khủng", đưa vốn điều lệ của VPBank Securities lên 20.000 tỷ đồng. Như vậy, ngay lập tức, VPBank Securities sẽ trở thành một tay chơi sừng sỏ trên thị trường dịch vụ chứng khoán và quản lý đầu tư.

VPBank làm gì để sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng” không chỉ là khẩu hiệu suông? - Ảnh 12.

Mắt xích tiếp theo được thiết lập trong nay và cũng đã được công bố, cũng là một hoạt động M&A khác cho phép VPBank đa dạng hóa hoạt động kinh doanh bảo hiểm của mình, sau khi gia hạn hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm từ 15 năm lên 19 năm. Đó là thương vụ mua lại 100% hoặc hơn 90% cổ phần của công ty bảo hiểm OPES, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ mới thành lập nhưng đầy hứa hẹn về tiềm năng phát triển. 

"Việc mua công ty bảo hiểm OPES và công ty chứng khoán ASC nằm trong chiến lược của ngân hàng. VPBank đang có xu hướng trở thành mô hình tập đoàn tài chính. Các hoạt động bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ hay chứng khoán là những mảnh ghép cần thiết cho mô hình tập đoàn trong hệ sinh thái," ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPBank, giải thích. 

Rõ ràng, VPBank đã cho thấy hoạt động tái định vị thương hiệu vừa được đưa ra không chỉ là lời nói suông. Trước đó, Ban lãnh đạo ngân hàng đã âm thầm vạch ra một chiến lược tỉ mỉ, cẩn trọng trong 5 năm tới để biến lời nói thành hành động. Chi tiết về chiến lược mới, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết sẽ chia sẻ với các nhà đầu tư và công chúng khi hoàn tất trong năm nay. Thế nhưng, với những hành động cụ thể, những kế hoạch tăng vốn và M&A đã được công bố nhằm xây dựng một tập đoàn tài chính, có thể thấy VPBank đã bắt tay ngay vào việc hiện thực hóa sứ mệnh cao cả "Vì một Việt Nam thịnh vượng."

An An
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên