VPBank sẵn sàng bứt phá trong tương lai
Ngày 10/02/2022, VPBank đã tổ chức buổi gặp gỡ online nhằm trao đổi về các thông tin cập nhật về tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh trong quý 4 cũng như cả năm 2021.
Tại hội thảo, VPBank đã chia sẻ về nỗ lực vượt qua khó khăn trong năm vừa qua. Dù năm 2021 được xem là năm khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây, song với những nỗ lực ứng biến linh hoạt, ngân hàng đã thành công duy trì tăng trưởng lợi nhuận cùng kiểm soát chặt chẽ rủi ro để tạo nền tảng bứt phá trong năm 2022, cũng như vững vàng trong tương lai xa hơn.
Vững vàng vượt qua thách thức
Duy trì tăng trưởng tổng tài sản song song với kiểm soát chặt chẽ trong công tác quản trị rủi ro: Tổng tài sản của VPBank đạt gần 548 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt hơn 384 nghìn tỷ đồng, tăng 18,9%. Ngân hàng đã giảm tỷ trọng cho vay tín chấp và thúc đẩy tích cực xử lý nợ. Với việc cải thiện này, ngân hàng đã tiết kiệm được thêm đến 5 đồng (24,2 so với 29,2 đồng) cho cùng mức thu nhập 100 đồng so với năm trước.
Kết quả hợp nhất đáng khích lệ nhờ tối ưu hóa dòng vốn, tiết giảm chi phí, kiểm soát chặt rủi ro và mở rộng thị phần: Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 44 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Đồng thời, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank trong năm 2021 đạt gần 14,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ tương đương 88% kế hoạch đề ra do trong năm 2021 ngân hàng đã tích cực đồng hành cùng chính sách của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó do đại dịch.
VPBank đã tích cực hỗ trợ hơn 275 nghìn khách hàng gặp khó khăn trong đại dịch với gần 1 nghìn tỷ đồng và trích ra hơn 500 tỷ đồng ủng hộ cho các hoạt động phòng chống dịch của Chính Phủ.
Với nền tảng vững chắc từ ngân hàng mẹ
Tăng trưởng mạnh mẽ của ngân hàng mẹ làm bệ đỡ vững vàng, đa dạng hóa nguồn thu. Lợi nhận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng mẹ ghi nhận hơn 14 nghìn tỷ đồng tăng hơn 50% so với cùng kỳ và chiếm hơn 90% lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
Mặt khác, với nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu nhằm gia tăng thu nhập ngoài lãi, ngân hàng mẹ đã ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 3.650 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 19% so với cùng kỳ.
Ngân hàng mẹ thuộc nhóm dẫn đầu về tăng trưởng với chiến lược số hóa toàn diện, liên tục đưa ra thị trường các giải pháp công nghệ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng: VPBank đã không ngừng nghiên cứu đầu tư phát triển để có thể liên tục đưa ra hàng loạt các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng và ứng dụng công nghệ được triển khai trong các hoạt động dịch vụ chăm sóc khách hàng, mở tài khoản và thanh toán từ xa.
Thành công trong cuộc chạy đua số hóa và càng phát huy hơn nữa trong thời gian giãn cách xã hội bằng năng lực tiếp cận và cung cấp dịch vụ không tiếp xúc cho khách hàng đã giúp ngân hàng mẹ nâng cao tốt năng lực cạnh tranh, cải thiện tốt chi phí hoạt động trong năm 2021. Nhờ vậy, ngân hàng mẹ tăng trưởng tín dụng đạt tới 20,2% trong năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 13% trung bình toàn ngành. Trong đó, phân khúc chiến lược là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ 33% so với cùng kỳ.
Bứt phá trong cuộc đua CASA đến từ thành công trong chuyển đổi số giúp cải thiện tốt chi phí vốn của ngân hàng: CASA của ngân hàng liên tục cải thiện qua các năm từ mức 13,5% trong năm 2019 đến 15,8% trong năm 2020; trong năm 2021 với nhiều thành công đến từ chiến lược kinh doanh linh hoạt cũng như hoạt động đầu tư chuyển đổi số vượt trội đã giúp ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của tỷ lệ CASA lên đến 22,6% tổng huy động của toàn ngân hàng. Sự bứt phá này kỳ vọng sẽ tạo nền tảng tăng trưởng vững chắc về lợi nhuận từ lãi do chi phí vốn được cải thiện vượt trội trong thời gian tới.
Và sẵn sàng bứt phá trong tương lai
Hoàn tất kế hoạch tăng vốn theo đúng lộ trình và kế hoạch đề ra, từ đó nâng cao mạnh mẽ năng lực tài chính: Việc hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 50% vốn cổ phần từ FE Credit đã mang về cho VPBank một lượng vốn đáng kể.
Thương vụ này đã nâng vốn chủ sở hữu của ngân hàng lên gần 86,5 nghìn tỷ đồng thuộc nhóm dẫn đầu quy mô vốn chủ sở hữu, từ đó hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II của VPBank đạt gần 14,3%, cao hơn nhiều so với mức 11,7% trong năm 2020. Trong cuộc họp, Ban lãnh đạo cũng chia sẻ việc phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược vẫn đang theo đúng kế hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2022 nhằm hoàn thành kế hoạch đưa vốn chủ sở hữu của VPBank vào nhóm dẫn đầu, tạo đà mở rộng các lĩnh vực và cơ hội kinh doanh mới.
Định hình chiến lược và củng cố nền tảng công nghệ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bùng nổ trong năm 2022 và dài hạn: Với hệ sinh thái đã được phát triển rộng rãi trên nền tảng số cùng việc triển khai thành công nhiều hoạt động và dịch vụ chăm sóc kết nối khách hàng, cho vay qua các kênh số hóa được kỳ vọng là một lợi thế lớn giúp VPBank tạo sức bật trong năm 2022.