MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VRG - Tiếp tục phát triển các ngành kinh doanh cốt lõi sau cổ phần hóa

16-01-2018 - 10:00 AM | Doanh nghiệp

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), chuyển Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với hình thức cổ phần hóa kết hợp bán phần vốn Nhà nước hiện có và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Ngày 02/02/2018, Tập đoàn VRG sẽ tổ chức bán đấu giá lần đầu ra công chúng. Cụ thể có 475.123.761 cổ phần sẽ được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm dự kiến là 13.000 đồng/cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cp). Ở mức giá này, giá trị của 11,88% cổ phần dự kiến chào bán sẽ thu được hơn 6.100 tỷ đồng.

VRG là công ty trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Vốn Nhà nước sau khi định giá lại để cổ phần hóa là 38.820 tỷ đồng.

Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, VRG sở hữu 123 thành viên gồm 75 doanh nghiệp cấp II và 48 doanh nghiệp cấp III. Sau cổ phần Tập đoàn sẽ sắp xếp lại 26 công ty do mẹ và con cùng tham gia góp vốn và thoái vốn tại 25 công ty do đầu tư ngoài ngành.

Tổng tài sản hơn 70.000 tỷ đồng, quản lý hơn 519.000 ha đất

VRG quản lý 519.900 ha quỹ đất với 83,2% diện tích đất là trồng cao su phân bổ tại trong nước gần 291,8 ngàn ha; 91,3 ngàn ha tại Campuchia và 26,4 ngàn ha tại Lào. Như vậy, tính riêng trong nước thì diện tích cao su VRG quản lý chiếm 30% tổng diện tích cao su thiên nhiên tại Việt Nam.

Khoảng 83% tổng diện tích đất trên là thuộc đất trồng cao su cung cấp đầu vào cho 40 nhà máy thuộc Tập đoàn. Tông công suất thiết kế là 354.500 tấn/năm. Bên cạnh đó cây cao su già khi hết 20 năm khai thác sẽ được chặt bỏ, cưa xẻ làm nguyên liệu đầu vào cho mảng chế biến gỗ của Tập đoàn. Bên cạnh nguồn lợi từ mủ cao su thì gỗ cao su thanh lý đang đem lợi nguồn lợi nhuận rất đáng kể cho VRG. Trong các năm gần đây thì lợi nhuận từ gỗ thanh lý lên đến trên 2.000 tỷ, đóng góp cao hơn mảng lợi nhuận từ mủ cao su mang lại.

Đáng chú ý, hiện công ty mẹ đang có nhiều vị trí đất tại trung tâm như 236 Nam Kỳ Khởi Nghĩa 3.715 m2, số 177 Hai Bà Trưng 1.366 m2, và tại một số quận khác như Tân Bình, Bình Thạnh…

Ngoài mảng kinh doanh cao su chính thì VRG còn có mảng chế biến gỗ, công nghiệp cao su và khu công nghiệp. Dù chưa đóng góp nhiều cho lợi nhuận của Tập đoàn nhưng đây là các mảng hưởng lợi thế từ cao su. Gỗ cao su thanh lý là đầu vào cho chế biến gỗ, với việc chủ động được nguồn nguyên liệu ổn định và có lợi thế trong việc khống chế giá thành thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác. Mảng khu công nghiệp được xem là lợi thế trong dài hạn do đất chuyển đổi từ đất trồng cao su sang. Chi phí thuê đất rẻ hơn và việc chặt rừng cao su, triển khai giao đất nhanh hơn nhiều so với lấy đất và đền bù cho dân. VRG kế hoạch mở rộng diện tích khu công nghiệp cho thuê gấp 2 lần diện tích hiện hữu lên 6.000 ha.

VRG - Tiếp tục phát triển các ngành kinh doanh cốt lõi sau cổ phần hóa - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh phục hồi theo giá cao su

Sau hơn 5 năm khó khăn, ngành cao su đã bắt đầu khởi sắc từ năm 2016, lợi nhuận của VRG cũng đã có xu hướng hồi phục lại đáng kể. Từ năm 2016, lợi nhuận tăng đáng kể với sự đóng góp cả từ hoạt động kinh doanh chính lẫn kết quả quá trình tái cơ cấu. Năm 2016, doanh thu bắt đầu có tăng trưởng dương, cụ thể DT đạt 15.544 tỷ đồng, tăng 3,2%; lợi nhuận gộp tăng 8,1% so với năm 2015 đạt 3.372 tỷ đồng. Thêm nhờ Thuế suất giảm còn khoảng 14,5% giúp lợi nhuận sau thuế đạt 3.270,7 tỷ đồng, tăng trưởng 38,7% so với năm ngoái.

Theo thông tin từ VRG thì năm 2017 kết quả kinh doanh tiếp tục khả quan. Cụ thể, VRG ước tính DT hợp nhất khoảng 19.000 tỷ đồng (103% KH năm), LNST đạt khoảng 3.600 tỷ đồng (118% KH năm). Sản lượng cao su khai thác 273.000 tấn (+7,8% yoy, 109% KH), sản lượng cao su thu mua đạt 93.000 tấn (+31,4% yoy), sản lượng cao su tiêu thụ 344.000 tấn (+1,8% yoy, 111% KH), sản phẩm gỗ các loại đạt 1.150.000 m3. Các khu công nghiệp cho thuê được 290 ha (+1,4% yoy).

Năm 2018 được dự báo khả quan dựa vào mảng kinh doanh chính là cao su.

Triển vọng chính đến từ vườn cây: dự kiến năm 2018 diện tích khai thác tăng trưởng cao 15% và năng suất khai thác bình quân tăng lên 1,49 tấn/ha (bình quân cả nước khoảng 1,04 tấn/ha). Đặc biệt, diện tích khai thác tăng trưởng mạnh tại các vườn cây ở Campuchia và Lào.

Năm 2007-2013 là giai đoạn VRG tập trung đầu tư trồng mới tại Campuchia và Lào, đến nay các vườn cây tại đây sẽ gia tăng mạnh diện tích khai thác và năng suất nhờ vào đầu tư giống mới và thay đổi quy trình kỹ thuật, giảm chi phí giá thành sản xuất.

Lợi nhuận thanh lý cây cao su già: do trước đây vào những năm 1990s VRG phát triển mở rộng trồng cao su ồ ạt dẫn đến khi đến tuổi thanh lý thì diện tích thanh lý cũng cao tương ứng. Các năm gần đây do giá gỗ cao su tăng cao nên lợi nhuận từ hoạt động này đóng góp rất lớn cho kết quả kinh doanh của Tập đoàn. Dự kiến diện tích thanh lý cây già đều đều khoảng trên 10.000 ha 2018-2020.

Mảng nông nghiệp công nghệ cao: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là một chủ trương quan trọng của ngành Nông nghiệp Việt Nam. VRG đang có lợi thế rất lớn nhờ vào có quỹ đất tập trung, có diện tích lớn, phù hợp chuyển đổi giảm dần cây cao su sang trồng nông nghiệp. Tuy là lĩnh vực mới và mới thực hiện ban đầu với diện tích chưa cao nhưng với nguồn vốn và nguồn thặng dư vốn sau cổ phần hóa là lợi thế riêng biệt của Tập đoàn so với các tập đoàn hay doanh nghiệp khác trong mảng nông nghiệp.

Đánh giá về kế hoạch IPO của VRG, VCBS cho rằng giá khởi điểm khá hấp dẫn, IPO VRG sẽ thu hút khá nhiều nhà đầu tư với triển vọng tăng trưởng khả quan nhờ vào lợi thế cạnh tranh đặc biệt về quỹ đất cũng như rủi ro kinh doanh không quá lớn khi giá cao su được cho là đã thiết lập đáy vào năm 2016 và bắt đầu trên đà hồi phục.

Lộ trình chào bán cổ phần của VRG:

VRG - Tiếp tục phát triển các ngành kinh doanh cốt lõi sau cổ phần hóa - Ảnh 2.
 

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên