Vsmart – Nhìn từ góc độ thị phần
Như nhiều thương hiệu đã thành danh trong ngành hàng smartphone (điện thoại thông minh), Vsmart cũng chọn lối đi “tập trung vào thị phần” với hai mục tiêu: xây dựng cộng đồng khách hàng và nâng cao giá trị thương hiệu.
Nhìn vào biểu đồ thị phần của Vsmart từ khi chính thức xuất hiện (12/2018) cho đến nay (4/2020) dễ nhận ra mức độ quyết tâm và là lời cam kết của thương hiệu này trong ngành hàng vốn đã hủy diệt nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ trong và ngoài nước từ nhiều năm nay.
Tháng 8/2019, Vsmart chỉ chiếm 1,5% thị phần lượng máy bán ra của ngành hàng smartphone tại thị trường Việt Nam, theo số liệu thống kê của hãng nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam. Như lời chia sẻ của một quản lý cấp cao ngành hàng này, "từ tháng 12/2018 cho đến tháng 12/2019 là thời kỳ tìm hiểu nhu cầu của khách hàng cũng như đo đếm thái độ của khách hàng với thương hiệu".
Nhưng tháng 9/2019, thị phần của Vsmart tăng "phi mã", lên tới 2,9%. Sau đó, thị phần của thương hiệu này "tăng dần đều": tháng 11 – 6%, tháng 12 – 6,6%, tháng 1 – 7,7%, tháng 2 – 11,2%... Trong mùa dịch bệnh Covid-19, theo số liệu riêng, thị phần của Vsmart đã có bước tăng trưởng mạnh: tuần cuối tháng 3 là 16,7%. Cần nhắc lại, với tỷ lệ thị phần trên, Vsmart có mặt trong top 3 thương hiệu có thị phần trên 15% tại thị trường Việt Nam.
Để tạo nên thị phần trên, thế mạnh của Vsmart là những dòng smartphone phổ thông thuộc phân khúc 2 – 3 triệu đồng. Trong đó, dòng Vsmart Joy 3 với kỷ lục bán ra đạt 12.000 máy trong vòng 14h đầu ra mắt. Còn tính đến hết tháng 3/2020, phiên bản Vsmart Joy 3 2GB RAM và 32GB ROM đã đem về 13,3% thị phần cho Vsmart trong tháng 3/2020. Ngoài ra, góp phần vào tăng trưởng thị phần của Vsmart từ đầu năm đến nay là các phiên bản smartphone giá dưới 2 triệu đồng như: Vsmart Bee/Bee 3, Vsmart Star/Star 3 với mức giá từ 990.000 đồng – 1.59 triệu đồng.
Tháng 2/2020, theo hãng nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, thị trường điện thoại di động Việt bán được 1.17 triệu máy. Với 11,2% thị phần vào tháng 2, nghĩa là Vsmart bán được 131.000 máy. Riêng trong tháng 3, dù chưa có số liệu của GfK nhưng theo dự báo từ các nhà bán lẻ, số lượng giảm chừng 20%, nghĩa là thị trường tiêu thụ chừng 950.000 máy. Như vậy, với số liệu mới nhất từ Vsmart, tuần cuối tháng 3, hãng này bán được 16,7% (khoảng 137.000 máy). Đây là tín hiệu vui cho một thương hiệu non trẻ, mới 15 tháng chính thức xuất hiện trên thị trường.
Hiện nay, phân khúc smartphone phổ thông có chừng 25 sản phẩm của nhiều thương hiệu lớn nhỏ khác nhau nhưng với việc chiếm được thị phần trên với lượng máy bán ra như đã phân tích, Vsmart đã được cộng đồng khách hàng chấp nhận.
Ông Phùng Ngọc Tuyên, giám đốc ngành hàng điện tử - viễn thông của Thế giới Di động nhận xét: "Vào mùa dịch Covid-19, các dòng sản phẩm của Vsmart bán chạy vì có giá tốt, cấu hình đáp ứng nhu cầu của người dùng nên bán được hàng, nhất là ở những tỉnh có dân thu nhập thấp. Họ mua những chiếc smartphone của Vsmart vừa để cho con học trực tuyến, vừa theo dõi thông tin dịch bệnh trên mạng xã hội…".
Với thị trường gần 100 triệu dân ở đó khách hàng được đánh giá là khó tính và mức độ cạnh tranh gay gắt vào hàng bậc nhất thế giới, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã "bỏ xác" tại thị trường Việt Nam sau một vài năm nghiến răng chịu lỗ, còn Vsmart liệu có bước qua "dớp" này?
Như phần lớn thương hiệu khác trên thế giới, khi "chập chững vào đời" với cuộc chơi smartphone, Vsmart đã chọn hướng đi sản xuất những chiếc smartphone giá từ 5 triệu đồng, trong đó tập trung vào phân khúc giá từ 2 - 4 triệu đồng.
Nếu nói về lợi nhuận, phân khúc giá dưới 5 triệu đồng luôn có chỉ số lợi nhuận thấp; giá bán của sản phẩm càng thấp, nghĩa là sản phẩm đó càng không có lãi nếu không muốn nói là lỗ! Điều đó muốn nói rằng, nếu nhà sản xuất chấp nhận cuộc chơi smartphone, cần phải có chiến lược sản xuất và kinh doanh khôn ngoan, nhưng quan trọng hơn cả là "đủ sức và đủ lì"! Những người trực tiếp điều hành Vsmart lại có quá nhiều kinh nghiệm với ngành hàng này, từ sản xuất cho đến kinh doanh, tiếp thị…, họ tham gia cuộc chơi, bỏ ngoài tai những lời thị phi. Họ lắng nghe những góp ý chân thành của người tiêu dùng và giới truyền thông tử tế để có những sản phẩm tốt nhất nằm trong phân khúc giá phổ thông đã lựa chọn.
Giờ đây họ đã có cộng đồng khách hàng lớn với hàng triệu khách hàng đã từng cầm nắm thiết bị này. Đây là bước đệm quan trọng để Vsmart tự tin hơn khi nghĩ tới một ngày không xa sẽ có những sản phẩm phân khúc giá tầm trung, tầm cao… bỏ lại phía sau những lời thị phi hôm nay!