MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ áp thuế nhập khẩu 5% trứng Artemia: Thêm hàng loạt DN kiến nghị tập thể lên Thủ tướng

10-08-2016 - 20:28 PM | Thị trường

Tuần qua, thêm hàng loạt doanh nghiệp (DN) và cơ sở sản xuất tôm giống đã gửi kiến nghị tập thể lên Thủ tướng Chính phủ về việc trứng Artemia bị áp thuế nhập khẩu 5% gây khó khăn cho ngành tôm.

Hải quan đẩy khó cho doanh nghiệp

Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, tập thể các nhà sản xuất tôm giống cho biết họ bất bình về việc truy thu thuế nhập khẩu đối với Artemia. Theo các DN, Artemia có giá 2-3,5 triệu đồng/kg nên việc áp thuế sẽ làm tăng chi phí. Điều này dẫn đến tình trạng buộc DN phải cắt giảm Artemia có chất lượng tốt, thay vào đó là sử dụng thức ăn thông thường có giá 200.000-300.000 đồng/kg (rẻ hơn 90%).

Như vậy, chất lượng tôm giống sẽ suy giảm và hậu quả là tôm thương phẩm phải bị nhiều bệnh tật do con giống kém chất lượng. Khi giống kém chất lượng, người nuôi thương phẩm (khách hàng của trại giống) phải sử dụng nhiều kháng sinh để ngăn ngừa bệnh tật, dẫn tới nguy cơ suy thoái môi trường vùng nuôi.

Tập thể các DN kiến nghị mong Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với thực tế nhằm vực dậy ngành tôm giống nói riêng, nuôi thủy sản nói chung. Các vùng nuôi thương phẩm sẽ đạt hiệu quả cao khi có chất lượng con giống được bảo đảm.

Theo các DN nhập khẩu, thay vì được xếp vào nhóm “thức ăn nuôi tôm” với thuế suất nhập khẩu là 0%, các loại Artemia vừa được cơ quan hải quan đưa vào nhóm “sản phẩm từ động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác” và áp mức thuế nhập khẩu là 5%, đồng thời truy thu cho cả các lô hàng nhập khẩu từ năm 2016 trở về trước.

Ông Trương Hữu Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Anh Việt (Bình Thuận) - phải vào TP.HCM để giải trình và đóng thuế đối với các lô hàng trứng Artemia nhập về làm thức ăn cho tôm giống. Theo ông Thuận, sản phẩm này trước đây cũng chính cán bộ Hải quan TP.HCM hướng dẫn cho DN khai báo theo đúng mã hàng quốc tế tương ứng thuế nhập khẩu 0% nay cũng chính hải quan đòi truy thu thuế 5% của các lô hàng nhập từ trước.

Trong khi đó, ông Trương Hữu Thông - Giám đốc Cty TNHH Thông Thuận - cho rằng, DN không ngại đóng thuế vì người chịu thuế là nông dân nuôi tôm chứ không phải DN, nếu ngay từ đầu hải quan hướng dẫn họ khai báo mã hàng theo…ý của hải quan để áp thuế 5% của những năm về trước. Theo ông Thông, từ năm 2012 đến nay, đã gần 5 năm Cty nhập mặt hàng này về với mức thuế 0% được hải quan kiểm tra, giám sát và cho thông quan, DN đã tính toán giá thành bán cho nông dân, giờ hải quan đòi truy thu thuế, DN làm sao đòi tiền từ nông dân được.

Với trách nhiệm của mình, vì sao Chi cục Kiểm tra sau thông quan TP.HCM, một thời gian dài không kiểm tra tạo điều kiện để DN điều chỉnh nếu có sự áp sai mã hàng? Vì sao trong 5 năm đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan TP.HCM đã “lờ đi” để bây giờ đùng một cái lại “quyết liệt” kiểm tra rồi áp mã hàng khác với mức thuế 5%, đẩy DN vào đường cùng?

Trả lời câu hỏi này, ông Tuấn giải thích, theo quy định thì các DN khi định nhập mặt hàng nào thì phải căn cứ vào danh mục hàng hóa và biểu thuế của Việt Nam đang có hiệu lực (chứ không phải căn cứ theo mã nước khác) để kê khai cho đúng. Và DN phải chịu trách nhiệm với sự kê khai này của mình. Chi cục Kiểm tra sau thông quan luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp lấy được hàng sớm. Trong vòng 5 năm, Chi cục sẽ kiểm tra lại và nếu thấy có sai phạm thì sẽ xử lý.

Đại diện Chi cục Kiểm tra sau thông quan cho rằng: “Công việc của Chi cục rất bận, không thể nào kiểm soát hết được các vấn đề này. Hơn nữa, không phải mã hàng nào đơn vị cũng nắm được. Con người cũng có những hạn chế, chứ không phải giỏi toàn diện được.

Cứ đúng quy định trong 5 năm sẽ rà soát, nếu đúng thì thôi, sai thì điều chỉnh”. Tuy nhiên, các DN cho rằng trước đây họ nhập mặt hàng trứng Artemia về khai báo theo đúng mã hàng của nước xuất khẩu và khai theo hướng dẫn của cán bộ hải quan chứ họ không thể tự khai mà được hải quan đồng ý và cho thông quan được.

Giảm khả năng cạnh tranh của con tôm

Theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu Artemia của VN trong năm 2015 hơn 30 triệu USD chủ yếu từ Asean (17,9 triệu USD), Mỹ (12,3 triệu USD). Nếu áp mức thuế 5% với sản phẩm này, số thuế nhập khẩu thực tế không đáng kể trong khi ngành tôm có giá trị xuất khẩu lên đến trên 3 tỉ USD mỗi năm. Các DN nhập khẩu tính toán, việc tăng thuế từ 0% lên 5% sẽ làm giá bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng tăng từ 10-15%, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm VN.

Đại diện một DN nhập khẩu tại TP.HCM cho biết, trứng Artemia dùng làm thức ăn cho tôm hiện chưa có sản phẩm thay thế, nếu áp thuế 5% và truy thu thuế các lô hàng đã nhập từ trước sẽ đẩy DN đến đường cùng. Theo Bộ NN&PTNT, các DN sản xuất tôm giống là đối tượng được khuyến khích và hỗ trợ phát triển thông qua nhiều chính sách, trong đó có chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với con giống và thức ăn nuôi thủy sản.

Vì vậy, việc áp dụng thuế nhập khẩu 5% đối với mặt hàng Artemia không đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách, mà sẽ gây tác động xấu đến chất lượng tôm giống do các DN có thể chuyển sang sử dụng thức ăn nhân tạo để tiết kiệm chi phí, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành tôm.

Liên quan đến những bức xúc của DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VASEP, Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính đề nghị áp thuế nhập khẩu 0% đối với trứng Artemia. Mới đây, Hiệp hội Tôm Bình Thuận có thêm văn bản đề nghị Bộ Tài chính dừng Thông tư 98 (có hiệu lực từ ngày 13-8) hướng dẫn áp thuế nhập khẩu 3% cho trứng Artemia (thay vì 5% hoặc 0%) để cùng đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Theo VI AN - T.M

Lao động

Trở lên trên