Vụ ‘Bún bò Huế’: Huế chỉ độc quyền cái... logo
Bán bún bò Huế được ghi “bún bò Huế” nhưng không được treo logo chữ xanh, tím y như logo của Huế nếu chưa xin phép.
Không có chuyện muốn bán bún bò Huế phải ra Huế xin phép Sài Gòn và ẩm thực ‘nhập gia tùy tục’ Quán bún bò 'bá đạo' nhất Sài Gòn bị tịch thu ‘nội quy’ Đại sứ Mỹ tập nấu bún bò Huế.
Những ngày qua, rất nhiều phản ứng của dư luận xung quanh việc UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”. Cách trả lời bất nhất, chưa phù hợp với quy định của một số cá nhân tỉnh này trên báo chí đã khiến sự việc càng thêm rối.
Không độc quyền tên “bún bò Huế”
Có thể thấy sự phản ứng và rối loạn trên là do chưa hiểu đúng về nhãn hiệu chứng nhận.
Nhãn hiệu mà Huế xây dựng quy chế quản lý và sử dụng là nhãn hiệu chứng nhận. Huế đăng ký nhãn hiệu chứng nhận (có hình dạng một logo vuông trong đó thể hiện chữ “Bún bò Huế”), còn việc có chấp nhận logo này hay không thì sẽ do Cục Sở hữu trí tuệ xem xét.
Với cách đăng ký này, Huế không hướng đến độc quyền tên gọi ba chữ “Bún bò Huế” mà chỉ hướng đến độc quyền logo. Bất cứ ai cũng có quyền bán bún bò Huế, ghi bảng Bún bò Huế; miễn đừng ghi bảng giống như logo của Huế mà thôi. Người bán hàng nào muốn dùng logo nói trên thì phải xin phép Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế.
Luật sư Nguyễn Thanh Long (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng cái tên “Bún bò Huế” không có khả năng cấp bảo hộ độc quyền. Theo Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu là “... tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến”. Nhãn hiệu không có khả năng phân biệt thì sẽ không được cấp bảo hộ độc quyền.
Ở đây, bún bò Huế đã trở thành tên gọi chung của một món ăn. Cứ nói bún bò thì đa số sẽ hiểu luôn là bún bò Huế. Từ Huế ở đây đã được sử dụng rộng rãi để chỉ món ăn, nó không còn là tên riêng của Huế nữa... Các địa danh này đã trở nên quen thuộc, sử dụng rộng rãi dùng để chỉ phong cách của món ăn. Do đó không thể xem đó là yếu tố phân biệt, tên riêng để đòi độc quyền các tên gọi món ăn này được, luật sư Long nhận định.
Như vậy, người bán bún bò Huế trên khắp thế giới có thể yên tâm treo bảng Bún bò Huế. Chỉ là đừng treo bảng với cách thiết kế hình ảnh như logo của Huế.
Độc quyền chỉ dẫn địa lý: Không có cửa
Trả lời chúng tôi, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết để khẳng định thương hiệu bún bò Huế và tránh nơi khác đăng ký mất thương hiệu này, tỉnh đã chủ động đề xuất sở hữu trí tuệ thương hiệu trên với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Vậy liệu Huế có thể đăng ký chỉ dẫn địa lý Huế cho bún bò với tham vọng quán bún bò trên toàn thế giới phải đến Huế xin phép xài tên “bún bò Huế” hay không? Chỉ dẫn địa lý là nhằm xác định nguồn gốc địa lý của sản phẩm, ví dụ nước nắm ở Phú Quốc, cà phê ở Buôn Ma Thuột hay vải thiều ở Thanh Hà... Khi một địa danh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì có thể cấm nơi khác xài chung tên, ví dụ nước mắm đóng chai ở TP.HCM không được gọi là “nước mắm Phú Quốc”, dù có lấy nguồn nước mắm nguyên chất từ nhà thùng Phú Quốc.
Tuy nhiên, khả năng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho món ăn là rất mong manh. Muốn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì món ăn đó phải chứng minh được sự khác biệt đặc trưng liên quan đến khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất đó, cân đo đong đếm bằng các phương pháp cảm quan lẫn khoa học. Đặc biệt là ở vùng khác thì không thể làm được món ăn đó. Đây là điều cực khó.
Ví dụ, “thịt chó Nhật Tân” hay “dê núi Ninh Bình”, “vịt cỏ Vân Đình”... rất nổi tiếng nhưng không có gì rõ ràng chứng minh được thịt chó vùng khác không thể giống thịt chó Nhật Tân. Đặc biệt, thịt chó Nhật Tân nổi tiếng nhờ công nghệ thịt. Người ta có thể đưa công nghệ này đi tứ xứ và thịt chó vẫn có mùi vị y như ở Nhật Tân. Thế là không bảo hộ chỉ dẫn địa lý được!
Tương tự, nếu cùng loại nguyên vật liệu, cùng cách nấu mà mọi nơi trên thế giới đều có thể tự nấu ra bún bò Huế với cùng hương vị, đặc tính lý hóa như ở Huế thì không thể bảo hộ chỉ dẫn địa lý được. Đấy là chưa kể thịt heo, thịt bò, bột gạo, bột lọc, rau... hình thành nên món ăn có nguồn gốc thuần Huế đâu! Vì vậy, độc quyền theo kiểu chỉ dẫn địa lý với “bún bò Huế” là không thể.
Câu chuyện bún bò Huế đã rõ ràng: Thừa Thiên-Huế chỉ hướng đến độc quyền cái logo “Bún bò Huế” (như trong ảnh) chứ không có chuyện độc quyền tên gọi ba chữ “Bún bò Huế”. Xin bà con bán bún bò cứ bình tĩnh!
Đây là việc nên nhân rộng
Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng văn phòng luật sư Phạm và Liên danh, khẳng định việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “bún bò Huế” chỉ có giá trị ở logo mà thôi chứ không hề độc quyền ba chữ “bún bò Huế”.
Ông cũng cho rằng việc tạo lập và phát triển nhãn hiệu chứng nhận là việc nên nhân rộng, phát triển. Ý nghĩa của nó rất tốt, hoàn toàn không phải giữ thế độc quyền tên gọi gì cả. “Ví dụ như phở Hà Nội khác phở Nam Định và cũng khác phở Sài Gòn. Nếu có một tổ chức nào đứng ra làm logo “Phở Hà Nội”, mời các quán phở đúng kiểu Hà Nội sử dụng, tôi tin là người ăn phở sẽ được lợi hơn khi có niềm tin vào những nơi treo logo “Phở Hà Nội” sẽ đúng chất Hà Nội.
Đương nhiên, các quán phở khác vẫn có quyền ghi phở Hà Nội nhưng không được treo logo y như logo đã được bảo hộ”.
Tương tự, rau trồng ở Đà Lạt có quyền nói là rau Đà Lạt, ghi là rau Đà Lạt. Nhưng nếu anh dán thêm logo nhãn hiệu chứng nhận “rau Đà Lạt” mà tỉnh Lâm Đồng đã đăng ký bảo hộ thì chắc chắn là người tiêu dùng nhìn vào tem, logo này họ sẽ tin cậy hơn.
_____________________________________
Trong quy chế về nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế, các tiêu chuẩn đưa ra được đánh giá chủ yếu là cảm quan, ví dụ nước dùng “trong”, sợi bún “hơi dai, không đứt”.
Huế chỉ đăng ký bảo hộ độc quyền cái logo này, không độc quyền về tên gọi món ăn. Ảnh: QN
Nhiều ý kiến cho rằng cách đánh giá cảm quan này có thể gây ra mâu thuẫn trong việc đánh giá chất lượng sản phẩm. Ví dụ người cho rằng “trong”, người cho rằng “không trong” thì làm sao cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Thế nhưng trên thực tế thì tiêu chí cảm quan vẫn được áp dụng trong việc đánh giá chất lượng, song song với đánh giá cơ, lý, hóa, sinh... Nếu trong đoàn khảo sát đánh giá có nhiều ý kiến khác nhau, thông thường sẽ được biểu quyết theo đa số.
Pháp luật TPHCM