MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ cà phê 'lõi pin': Nguy hiểm không kém thiên tai

21-04-2018 - 07:26 AM | Thị trường

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) từng khẳng định những biến cố về thị trường được xác định là yếu tố đặc biệt nguy hiểm với phát triển nông nghiệp. Thậm chí, những tác động này còn mạnh mẽ hơn việc thiên tai gây hại cho sản xuất nông nghiệp.

Và nay, câu chuyện trộn lõi pin vào cà phê là một ví dụ cho những lo lắng của vị tư lệnh ngành.

Vụ cà phê lõi pin: Nguy hiểm không kém thiên tai - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)


Nỗ lực cho ngành hàng tiềm năng

Theo Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2018, lượng cà phê xuất khẩu đạt 529.000 tấn, trị giá 1,02 tỷ USD, tăng 17% về lượng. Tính chung 3 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.943 USD/tấn, giảm 14,4% so với 3 tháng đầu năm 2017.

Tuy là nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng thực tế đến nay chỉ 10% sản lượng cà phê của Việt Nam được dùng để chế biến sâu như: Rang xay, bột, hòa tan… chủ yếu bán tại thị trường trong nước, 90% còn lại xuất khẩu thô ra thị trường thế giới nên không xây dựng được thương hiệu và giá trị thương mại rất thấp.

Nhìn nhận được điều này, liên bộ Công thương – NN&PTNT đã có nhiều biện pháp để xây dựng vùng sản xuất tập trung nguyên liệu cà phê cũng như cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng cà phê Việt.

Bộ NN&PTNT đã có nhiều đề án chuyên biệt dành cho cây cà phê như tái canh cà phê, phát triển sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao. Bộ cũng đã xác định việc tập trung sản xuất, liên kết sản xuất, xây thương hiệu… để bảo đảm 50 doanh nghiệp đầu ngành sẽ được gắn thương hiệu cà phê Việt với chất lượng cao để vươn ra khu vực và thế giới.

Ngay những ngày đầu tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã trả lời hãng tin Bloomberg về triển vọng xuất khẩu của cà phê Việt. Theo đó, dự tính xuất khẩu cà phê có thể đạt tới 1,55 triệu tấn vào năm 2018, giúp kim ngạch xuất khẩu có khả năng tăng tới 9% trong năm nay.

Nhớ lại vào năm 2011, việc người dân ở một số tỉnh như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái… cho tạp chất (phân lân, bùn, bột quặng, bột sắn…) vào để chế biến chè đã gây ra sự lo ngại trong dư luận. Từ lo ngại đó, ngành chè đã điêu đứng một thời gian dài do các đối tác nhập khẩu e ngại về chất lượng chè Việt.

Tuy chưa có con số đánh giá tác động ngay của thông tin trộn lõi pin vào cà phê sẽ tác động như thế nào vào các thương hiệu cà phê rang xay nhưng chắc chắn, đường ra với các thị trường lớn sẽ thêm gập ghềnh với các thương hiệu còn non trẻ này.

Công khai thông tin, xử phạt nghiêm minh

Theo Khoản 3, Điều 5 của Luật An toàn thực phẩm, việc sử dụng hoá chất, phụ gia không nằm trong danh mục có thể xử phạt và tiêu hủy, hành động này cũng có thể bị xử phạt từ 1 đến 5 năm tù giam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện nay, chưa có một quy chuẩn nào đối với cà phê rang xay để bắt buộc mọi người phải thực hiện. Điều này dẫn đến việc nhiều trường hợp đang trộn những thứ khác vào cà phê.

"Đáng lẽ doanh nghiệp phải công bố, có nhãn mác. Sau khi Nhà nước hậu kiểm mà không đúng theo chuẩn thì sẽ phạt. Phải làm mạnh nhưng để làm được thì phải có một cái thước. Cái thước đó hiện chưa có. Bây giờ cứ công bố cà phê bẩn nhưng thế nào là cà phê bẩn?”, ông Vinh đặt vấn đề tại một hội thảo ngày 18/4.

Theo ông Vinh, đã có rất nhiều ý kiến về quy chuẩn đối với cà phê rang xay. Nhưng sau nhiều năm Bộ Y tế xây dựng dự thảo thì vấn đề này lại mới được chuyển sang Bộ NN&PTNT. Khi quy chuẩn được ban hành, công tác kiểm tra mới có cơ sở pháp lý kỹ thuật chặt chẽ để kiểm tra, kiểm soát chất lượng mặt hàng này.

Trong lúc công tác thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm đang chuyển hướng tập trung vào hậu kiểm để giảm bớt những phiền hà cho doanh nghiệp, thì việc hoàn thiện các khung pháp lý, kỹ thuật là hết sức cần thiết để việc kiểm tra, xử phạt được minh bạch và nghiêm minh.

Hôm qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng đã bức xức lên tiếng vụ về việc này và đề nghị cần phải xử phạt mạnh và nghiêm minh. “Trong khi toàn ngành hàng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, vẫn có những đơn vị vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm. Cà phê trộn lõi pin dù chỉ là hạt cát, cá biệt trên thị trường, nhưng vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng, thương hiệu cà phê Việt Nam”, ông Nam nói.

Mỗi năm thế giới chi khoảng 500 tỷ USD cho cà phê tiêu dùng. Doanh thu từ xuất khẩu cà phê của Việt Nam mới đạt 3,4 tỷ USD là quá khiêm tốn, nhưng cũng có thể thấy dư địa để thu ngoại tệ từ ngành hàng này còn rất lớn. Cùng với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thì việc sớm ban hành quy chuẩn với cà phê rang xay cũng là hết sức cần thiết.

Theo Đỗ Hương

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên