Vụ Cháy Cty Rạng Đông: Lộ nhiều yếu kém, lúng túng của Hà Nội
“Vụ cháy tại Cty Rạng Đông không phải nhỏ. Vậy mà Hà Nội lại lúng túng trong xử lý, khắc phục, thế thì khi xảy ra các vụ việc nghiêm trọng hơn sẽ ra sao? Người dân lo lắng cũng phải.
- 14-09-2019Quân đội thành lập Sở chỉ huy hiện trường xử lý vụ cháy Công ty Rạng Đông
- 14-09-2019"Người dân sống quanh công ty Rạng Đông không cần phải di tản nữa"
- 13-09-2019Bao giờ hoàn thành thu gom phế thải vụ cháy công ty Rạng Đông?
GS Nguyễn Minh Thuyết
Rõ ràng qua vụ cháy Cty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Cty Rạng Đông) mới vỡ ra nhiều yếu kém, hạn chế của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng”, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói như vậy khi trò chuyện với Tiền Phong.
Khủng hoảng truyền thông và niềm tin
PV: Một vụ cháy cơ sở sản xuất có sử dụng các nguyên vật liệu độc hại ở ngay giữa trung tâm Hà Nội, nhưng thay vì tập trung vào việc quan trắc, khắc phục hậu quả, các cơ quan chức năng lại sa đà vào những tranh cãi không đáng có, trong khi người dân lo lắng, hoang mang. Ông bình luận gì về vấn đề này?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Rõ ràng phản ứng của các cấp chính quyền trong vụ cháy Cty Rạng Đông là lúng túng, thiếu sự phối hợp. Điều này gây ra khủng hoảng truyền thông, gây hoang mang và làm mất niềm tin của người dân.
Một vụ cháy không phải là lớn vậy mà nửa tháng sau, người dân cũng không biết tin vào ai, mỗi cơ quan thông tin một kiểu, thậm chí trái nghịch hoàn toàn với nhau. Đây là điều không bình thường. Vụ việc có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, lẽ ra cơ quan có thẩm quyền, cụ thể ở đây là thành phố Hà Nội phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết nhanh nhất. Nếu thấy khả năng đánh giá, khắc phục sự cố của thành phố có hạn thì mời các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng tham gia khắc phục sự cố, giải quyết hậu quả môi trường. Nếu phối hợp và đưa ra kết quả thống nhất từ sớm, chắc chắn sẽ không có sự trái ngược nhau, không gây ra khủng hoảng về truyền thông và niềm tin.
Trong vụ việc này, nơi có thẩm quyền cao nhất trong việc cảnh báo mức độ ô nhiễm và khắc phục hậu quả là chính quyền thành phố và quận Thanh Xuân… Nhưng chúng ta thấy, cấp đưa ra cảnh báo có tính phù hợp nhất lại là cấp phường - nơi không có công cụ để đo đếm, trắc nghiệm mức độ ô nhiễm. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Ngay lúc mới xảy ra vụ cháy, phường Hạ Đình đã sốt sắng gửi cảnh báo đến người dân về nguy cơ ô nhiễm. Nhưng sau đó quận lại thu hồi văn bản của phường. Đến giờ lại thấy thông tin có chất độc thật, chứ phường không nói sai. Theo tôi, thông báo của phường Hạ Đình thể hiện sự nhạy cảm và tinh thần trách nhiệm. Tôi cũng không nghĩ rằng thông báo đó xuất phát từ nhận thức cảm tính mà chắc nó phải dựa trên việc bám sát địa bàn, qua tham khảo các chuyên gia, nhà khoa học.
Tuy nhiên, câu chuyện càng thêm rối ren khi Hà Nội và Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả quan trắc. Do không có sự phối hợp chặt chẽ dẫn đến thông tin khác nhau, càng khiến người dân thêm hoang mang. Vụ cháy xảy ra đến hơn 10 ngày mà không có kết luận thống nhất về mức độ ô nhiễm là rất đáng ngạc nhiên. Tôi hy vọng điều này không phải là do hạn chế về ý thức trách nhiệm và sự thiếu công khai, minh bạch trong thông tin, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Trong khi nhiều hộ dân phải di tản, nhiều học sinh phải nghỉ học, hàng ngàn người phải đi khám bệnh, lãnh đạo chính quyền lại nói “người dân không có bức xúc gì”. Vậy phải chăng thông tin giữa hiện trường và “hội trường” đang có khoảng cách quá lớn?
Trong vụ việc này rõ ràng chỉ đạo của thành phố quá chậm trễ. Thành phố có cơ quan chuyên trách về vấn đề này nhưng vụ cháy xảy ra nhiều ngày, người dân hoang mang, cơ quan chức năng mới vào cuộc, rồi đưa ra những kết quả khác nhau rõ ràng là không ổn. Không biết có phải các cơ quan không muốn gây hoang mang cho dân nên đã giảm bớt sự thật, làm mất niềm tin của người dân không?
Bài học đắt giá
Thực tế có nhiều bài học về việc khắc phục sự cố môi trường qua vụ Formosa. Tuy nhiên, đến vụ cháy Rạng Đông mới thấy, các cơ quan chức năng chưa rút ra được những bài học, kinh nghiệm. Điều mà người dân quan tâm sau vụ cháy Rạng Đông là kết quả đo đạc, xét nghiệm mức độ ô nhiễm, chứ không phải những hành động “chỉ trích”người này, người kia, thưa ông?
Đúng thế. Khi xảy ra sự cố môi trường Formosa, thay vì cung cấp thông tin một cách khách quan, khoa học cho người dân, có một số vị lãnh đạo lại cố tạo dựng niềm tin bằng cách đi tắm biển, ăn hải sản để thể hiện là biển và hải sản trong lành. Tôi không nghĩ đó là hành động nêu gương. Điều người dân cần ở các vị là nêu gương thực chất, thực tâm chứ không phải nêu gương liều lĩnh. Chưa kể, trong khi họp bàn giải quyết khắc phục hậu quả vụ cháy, thay vì thống nhất cách thức phối hợp cho hiệu quả thì nhiều người lại chỉ trích lẫn nhau. Việc chỉ trích như thế chỉ làm cho tình hình thêm rối ren. Người dân cần không phải là sự chỉ trích lẫn nhau giữa các cơ quan chức năng mà là kết quả về mức độ ô nhiễm, phạm vi và ảnh hưởng của nó ra sao.
Vụ cháy Cty Rạng Đông “vỡ” ra nhiều điều về tính hiệu quả, hiệu lực của bộ máy trong giải quyết, khắc phục hậu quả sự cố. Vậy theo ông, đâu là bài học đắt giá mà các cấp chính quyền Hà Nội cần phải nhìn lại?
Vụ cháy Cty Rạng Đông không phải là nhỏ. Vậy mà Hà Nội lại lúng túng trong xử lý, khắc phục, thế thì khi xảy ra các vụ việc nghiêm trọng hơn sẽ ra sao? Người dân lo lắng cũng phải. Rõ ràng qua vụ cháy Cty Rạng Đông này mới vỡ ra nhiều yếu kém, hạn chế của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng. Chúng ta đều nhớ, năm 2008, Hà Nội xảy ra ngập lụt, một em học sinh đi học bị cuốn trôi vào cống. Khi xảy ra ngập lụt như thế, trách nhiệm của thành phố phải cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm để bảo đảm tính mạng và sự an toàn cho người dân. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng có liên quan lại thụ động, không kịp thời đưa ra những cảnh báo, gây tác hại khôn lường. Cũng không thấy ai bị xử lý kỷ luật cả.
Vụ cháy Cty Rạng Đông làm“vỡ” ra nhiều hạn chế, yếu kém trong việc khắc phục sự cố của thành phố Hà Nội
Tôi nghĩ sau vụ cháy này, các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội phải rút ra bài học nghiêm túc trong giải quyết những sự cố liên quan an toàn, sức khỏe của người dân. Khi xảy ra những vụ việc tương tự, thì việc đầu tiên là phải chủ động vào cuộc, khảo sát, làm rõ mức độ ảnh hưởng, cũng như nguy cơ gây ô nhiễm. Nếu điều đó vượt quá năng lực, phải phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để xử lý, khắc phục trong thời gian sớm nhất và công khai để mọi người dân biết. Có như thế mới tạo dựng được niềm tin và sự chung tay của người dân trong việc khắc phục hậu quả các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp để xảy ra cháy nổ cũng phải thành thật, không giấu giếm thông tin. Vì những việc này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân, nếu giấu giếm sẽ gây ra hậu quả khôn lường, khiến cho việc khắc phục sự cố thêm chậm trễ.
Cảm ơn ông!
Tôi nghĩ sau vụ cháy này, các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội phải rút ra bài học nghiêm túc trong giải quyết những sự cố liên quan an toàn, sức khỏe của người dân. Khi xảy ra những vụ việc tương tự, thì việc đầu tiên là phải chủ động vào cuộc, khảo sát, làm rõ mức độ ảnh hưởng, cũng như nguy cơ gây ô nhiễm. Nếu điều đó vượt quá năng lực, phải phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để xử lý, khắc phục trong thời gian sớm nhất và công khai để mọi người dân biết. Có như thế mới tạo dựng được niềm tin và sự chung tay của người dân trong việc khắc phục hậu quả các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Tiền Phong