MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Vụ chết vẫn xác nhận nhà đất', Thanh tra Hà Nội cần vào cuộc ngay

07-10-2019 - 15:39 PM | Bất động sản

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho biết, sau khi nhận được đơn thư phản ánh của các hộ dân, ông đã gửi kiến nghị cho Chủ tịch TP Hà Nội để chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc này. Bởi việc tùy tiện cấp “sổ đỏ” ở 27A Đê La Thành đã trở thành điểm nóng, gây bức xúc rất nhiều trong nhân dân ở khu vực trong thời gian qua nên Thanh tra thành phố cần sớm vào cuộc làm rõ.

Thanh tra Hà Nội cần vào cuộc việc tùy tiện cấp “sổ đỏ” 

“Cá nhân tôi đã chuyển đơn đến chính quyền Hà Nội, đề nghị xử lý dứt điểm vụ việc ở 27A Đê La Thành (quận Đống Đa), để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đề nghị UBND, HĐND TP Hà Nội phải xem xét cho thật thấu đáo, để làm sao có nghị quyết chính thức, xử lý dứt điểm vụ việc để người dân thông hiểu, ủng hộ”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc “người chết 2 năm vẫn ký xác nhận nhà đất để được cấp sổ đỏ” tại 27A Đê La Thành, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, người dân cho rằng, cứ mỗi lần có những vụ việc như vậy, lại có rất nhiều chuyện nhập nhèm để trục lợi. Nhiều nơi chây ì không cấp “sổ đỏ” để rồi thu hồi với giá rẻ, nhưng lại cũng có trường hợp tạo ra giấy tờ, hồ sơ không hợp lệ để lập khống, xà xẻo, trục lợi.

Vụ chết vẫn xác nhận nhà đất, Thanh tra Hà Nội cần vào cuộc ngay - Ảnh 1.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, cơ quan Thanh tra, Công an TP Hà Nội cần vào cuộc ngay vụ cấp "sổ đỏ" tùy tiện, trái quy định ở 27A Đê La Thành gây bức xúc dư luận thời gian qua.

“Ở đây 12 hộ dân họ không đồng tình cách xử lý của quận Đống Đa vì họ cho rằng, các chứng cớ quan trọng trong việc cấp “sổ đỏ” tùy tiện, không đúng quy định được bỏ qua. Khi đang có tranh chấp về hệ thống thoát nước chung, thay vì xem xét kỹ lưỡng, đằng này quận Đống Đa lại cấp Giấy phép xây dựng cho công trình sai phạm như đổ thêm dầu vào lửa khiến người dân bức xúc là hoàn toàn dễ hiểu”, ông Nhưỡng phân tích.

Ông Nhưỡng cho rằng, chưa biết nội tình mức độ nào, nhưng người dân nói rằng, không có lửa thì làm sao có khói? Do vậy, câu chuyện ở đây phải là công khai minh bạch, để người dân tham gia thực sự vào quá trình thảo luận, quyết định vào các dự án dù lớn hay nhỏ. Đặc biệt đối với những công trình, dự án ảnh hưởng đến nhiều người dân thì càng phải công khai, minh bạch, rõ ràng. Vụ việc này có thể xảy ra việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, nếu có dấu hiệu vi phạm thì nên có thanh tra ngay, tránh tình trạng công trình sai phạm đã hoàn tất mới vào cuộc xử lý. Lúc đó việc xử lý sai phạm rất khó và thiệt hại cũng rất lớn, vì phải đập bỏ công trình sai phạm.

“Ở đây, người dân phản ánh dù có các văn bản yêu cầu dừng thi công nhưng càng ban hành thì công trình sai phạm 27A càng xây cao, đến nay đã xong 5 tầng thì đây là câu chuyện yếu kém trong quản lý của chính quyền sở tại. Khi người dân không đồng tình cách xử lý của quận, nói quận bao che vi phạm thì Thanh tra thành phố cần phải vào cuộc ngay để làm rõ, để công khai minh bạch và cũng là để phòng chống tham nhũng. Tại sao chúng ta lại không làm? Sợ gì mà không làm? Phải chăng có sự khuất tất nào đó mới không làm?”, ông Nhưỡng đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Lo ngại giống vụ 146 Quán Thánh

 Phó trưởng Ban Dân nguyện cho biết, sau khi nhận được đơn thư phản ánh, kiến nghị của các hộ dân về việc UBND quận Đống Đa đã cấp "sổ đỏ" và cấp Giấy phép xây dựng sai cho gia đình ông Hùng, bao gồm cả phần diện tích 26,6m2 đất công (đường cống và hố ga để tiêu thoát nước thải nằm trên phần diện tích đất này), cá nhân ông đã nghiên cứu hồ sơ bước đầu nhận định vụ việc cần phải được cơ quan TP Hà Nội như Thanh tra Thành phố, Công an Thành phố vào cuộc ngay. 

“Quận Đống Đa đã chỉ ra việc tùy tiện trong cấp “sổ đỏ” không đúng quy định của cán bộ, phòng ban và việc người dân không đồng tình UBND quận tự ra văn bản để báo cáo sai phạm cho chính mình thì nên có thanh tra, cơ quan công an Thành phố vào cuộc ngay. Phải rút kinh nghiệm là hầu hết các dự án, công trình này đều có mẫu số chung là vi phạm, nên phải có thanh tra kiểm tra ngay từ ban đầu”, ông Nhưỡng lưu ý.

Vụ chết vẫn xác nhận nhà đất, Thanh tra Hà Nội cần vào cuộc ngay - Ảnh 2.
"Ở đây, người dân phản ánh dù có các văn bản yêu cầu dừng thi công nhưng càng ban hành thì công trình sai phạm 27A càng xây cao, đến nay đã xong 5 tầng thì đây là câu chuyện yếu kém trong quản lý của chính quyền sở tại. Khi người dân không đồng tình cách xử lý của quận, nói quận bao che vi phạm thì Thanh tra thành phố cần phải vào cuộc ngay để làm rõ, để công khai minh bạch và cũng là để phòng chống tham nhũng”, ông Nhưỡng đặt ra hàng loạt câu hỏi. (Ảnh chụp Ninh Phan)

Ông Nhưỡng đánh giá “sự việc này cũng lập lại tình trạng giống như trường hợp ở 146 Quán Thánh (quận Ba Đình), xây dựng trên công trình công cộng của người dân mà dư luận đã từng phản ánh. Đồng thời, cũng là vi phạm về việc cấp “sổ đỏ” và cấp Giấy phép xây dựng. "Qua xem xét bước đầu hồ sơ mà người dân cung cấp, tố cáo thì 2 trường hợp này đều nằm trong vi phạm về quản lý hoạt động xây dựng cũng như quản lý đất đai. Đặc biệt, vụ việc đều liên quan đến nhiều hộ dân, rất bức xúc”, ông Nhưỡng nhận định.

“Việc người chết 2 năm đã có giấy chứng tử nhưng vẫn ký tên trong Biên bản xác định mốc giới nhà đất hộ liền kề để làm cơ sở cho quận Đống Đa cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành, gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài, qua các tài liệu, hồ sơ lưu lại cho thấy nhiều điểm mập mờ, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ thì cơ quan thanh tra, công an Thành phố phải vào cuộc. Trường hợp đúng như hồ sơ người dân phản ánh không phải vi phạm thông thường mà là làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức, đi trái các quy định của pháp luật; cố tình làm giả, làm sai lệch hồ sơ chứ không phải tùy tiện, làm sai quy định như đánh giá của quận nữa”, ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.

Ông Nhưỡng đề nghị chính quyền TP Hà Nội cần phải rà soát toàn bộ, xem xét lại những vấn đề này. Trong trường hợp phát hiện ra vi phạm, phải xử lý theo đúng quy định pháp luật: Nếu vi phạm trong lĩnh vực xây dựng thì phải xử lý theo Luật Xây dựng; vi phạm trong đất đai thì phải xử lý theo Luật Đất đai; còn nếu vi phạm trong việc làm sai lệch hồ sơ tài liệu thì phải xử lý nghiêm tội lợi dụng chức vụ, cố tình làm làm sai lệch hồ sơ. “Từ hai trường hợp ở Đê La Thành và Quán Thánh, theo tôi Hà Nội phải có phương án xử lý kịp thời, không để dây dưa kéo dài”, ông Nhưỡng nói.


Theo Nhóm PV

Tiền phong

Trở lên trên