MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ cổ phần hoá cảng Quy Nhơn: Nhà nước lấy lại cổ phần thế nào?

Tài sản nhà nước bán rồi muốn lấy lại như câu chuyện cổ phần hoá cảng Quy Nhơn được nhận định là chưa có tiền lệ. Sẽ phải tính đến khá nhiều câu hỏi không dễ trả lời, đặc biệt là nếu quá trình cổ phần hóa không có sai phạm và khi muốn mua lại, Nhà nước sẽ buộc phải đóng vai trò bên mua trong một thương vụ thuần kinh tế triển khai theo cơ chế thị trường.

Có cần thiết phải lấy lại?

Ngày 4.9, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ: Giao thông Vận tải (GTVT), Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Nội vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề nghị của tỉnh Bình Định về cơ chế thẩm quyền quản lý của địa phương đối với Cảng Quy Nhơn, xác định lại tỉ lệ cổ phần theo hướng nhà nước nắm cổ phần chi phối và xem xét quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô cụm Cảng Quy Nhơn.

Chỉ đạo này được đưa ra sau khi Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Ban Bí thư xem xét, chỉ đạo “làm sao để Cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của Nhà nước”. Đánh giá về sự cần thiết phải lấy lại cổ phần chi phối của cảng này, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, đây là một cảng biển có vị trí chiến lược rất quan trọng với tỉnh Bình Đình và cả khu vực Nam Trung Bộ. Theo ông Long, không nên bán đứt cảng này cho tư nhân mà nhà nước nên xem xét để lấy lại cổ phần chi phối.

Cùng quan điểm, một chuyên gia kinh tế cho rằng dù việc bán cổ phần nhà nước đi rồi muốn lấy lại là chưa có tiền lệ nhưng hoàn toàn có thể xem xét nếu tài sản đó “đáng giá”.

Liên quan tới tỉ lệ cần thiết để nhà nước giữ quyền chi phối tại cảng Quy Nhơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà cho rằng “Nhà nước chỉ cần 51% là đủ, cộng 5% của người lao động tại chỗ, còn lại nên phát hành rộng rãi ra bên ngoài”.

Phải thương thảo nếu CPH không có sai sót

Trao đổi với báo Lao Động chiều 6.9, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà cho rằng, cần đặt lại thương vụ bán Cảng Quy Nhơn trong các quan hệ pháp lý hiện hành: “Nếu cổ phần hóa (CPH) không đúng quy định pháp luật, việc mua bán Cảng là vô hiệu, hợp đồng phải bị hủy. Tiền nhà đầu tư bỏ ra thì thoái trả cho họ cộng với lãi suất ngân hàng. Trường hợp tiến trình CPH không có sai sót gì, việc “nắm” lại Cảng sẽ phải tiến hành thông qua con đường thương thảo, dàn xếp dân sự.”

Tuy nhiên, ông Hà nhận định, cách nào thì cách, dứt khoát không bỏ thêm tiền ngân sách và lấy tiền thuế của dân để mua lại Cảng là không xong. “Phải xem số tiền hơn 400 tỉ đồng có được do bán vốn Nhà nước đang nằm ở đâu để sử dụng phù hợp khi cân nhắc phương án “thu hồi” lại Cảng.

Còn theo chuyên gia Ngô Trí Long, không chỉ với Cảng Quy Nhơn mà với những tài sản Nhà nước khác bán rồi mà muốn lấy lại sẽ phải tính toán nếu quá trình CPH không có sai sót vì không thể dùng mệnh lệnh hành chính để đè DN bởi việc mua bán thoả thuận đã được thực hiện xong rồi, “thuận mua vừa bán” bởi nếu không sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư và cũng khiến các DN khác dè chừng trước các thương vụ mua cổ phần của DNNN. Do đó, ông Long cho rằng, nếu muốn lấy lại thì phải thương thảo và vấn đề quan trọng nhất cần tính để là định giá và sẽ cần có sự vào cuộc của cơ quan thẩm định giá độc lập.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá VN cho rằng nếu muốn mua lại cảng Quy Nhơn sau khi CPH thì phải thẩm định lại giá trị cảng ở thời điểm hiện tại.

* Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Tô Tử Thanh cho rằng, 75%, 51% hay bao nhiêu thì tính toán sau, nếu các bước CPH không có gì sơ sẩy. Điều quan trọng là phải xác định đúng giá trị hiện nay của doanh nghiệp. Ngoài nguồn tiền bỏ ra để kiểm soát 86,23% vốn điều lệ, Cty CP đầu tư và khoáng sản Hợp Thành còn đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hay không. Rồi lãi suất ngân hàng phát sinh. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và tư nhân là yêu cầu không thể chối bỏ. Anh có chủ trương bán thì người ta mới mua, không thể dùng quyền lực hành chính mà chèn ép họ. Việc mua lại cảng nhất thiết phải được tiến hành trên cơ sở đàm phán, thỏa thuận giữa hai bên đồng thời kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm có kết luận chính thức việc CPH Cảng này. XN

* Cty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn trực thuộc Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Tháng 8.2013, Cty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn đã công bố thông tin bán đấu giá CP cảng Quy Nhơn lần đầu với giá trị thực tế đến ngày 31.3.2013 hơn 513,8 tỉ đồng, trong đó phần vốn nhà nước nắm giữ là 404 tỉ đồng. Tháng 6.2015, Vinalines tiếp tục bán đợt 2 với 10,5 triệu CP, tương đương 26,01% tỉ lệ sở hữu QNP cho Cty CP Đầu tư khoáng sản Hợp Thành. Đến tháng 9.2015, Vinalines lại bán toàn bộ phần vốn còn lại (19,8 triệu CP với tỉ lệ 49%) cho Cty Hợp Thành. KH

Theo K.Hòa - X.Nhàn

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên