Vụ dùng hóa chất tẩy rửa để sản xuất nước mắm: 'Công nghệ sản xuất nước mắm' chỉ... 50 giờ
Doanh nghiệp vi phạm dùng nước bột ngọt cho chạy qua bể ủ chượp, sau đó dùng soda để trung hòa axit và cô đặc thành nước hoa cà, bán lại làm nguyên liệu.
- 14-01-2020Dùng chất tẩy bồn vệ sinh làm nước mắm: Công ty Liên Thành nói gì?
- 13-01-2020"Điểm mặt" 4 doanh nghiệp vi phạm liên quan đến sản xuất nước mắm
- 13-01-2020Phát hiện doanh nghiệp dùng chất tẩy rửa nhà vệ sinh để làm nước mắm
Trao đổi với PV NNVN, một cán bộ trực tiếp thanh tra các cơ sở sử dụng soda (hóa chất công nghiệp) để sản xuất nước mắm cho biết: Theo quy trình sản xuất nước mắm thì thời gian tối thiểu từ khi ủ hỗn hợp cá và muối phải mất ít nhất 6 tháng mới ra thành phẩm. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất nước mắm này rất nhanh, chỉ trong 50 tiếng (giờ) kể từ khi chưng cất là ra thành phẩm. Do đó, đây là quy trình sản xuất nước mắm phi truyền thống.
“Đây là hành vi phạm pháp nhằm trục lợi của một số doanh nghiệp cá biệt, không tuân thủ quy trình sản xuất nước mắm", vị cán bộ nói.
Phân định rõ, đây không phải nước mắm truyền thống
Rõ ràng đó không phải là cách làm nước mắm truyền thống!
Và đây chỉ là một số vụ việc cá biệt mà Thanh tra Bộ NN-PTNT và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05, Bộ Công an) phát hiện trong quá trình thanh tra các doanh nghiệp sản xuất nước mắm. Bởi, ngoài các doanh nghiệp vi phạm thì đoàn thanh tra cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp tuân thủ đúng quy trình sản xuất nước mắm.
“Nếu doanh nghiệp sử dụng hết 48 tấn soda công nghiệp (các hóa chất công nghiệp đều tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm - PV) để sản xuất nước mắm bán thành phẩm (còn gọi là nước hoa cà) thì rất nguy hiểm. Một số cơ sở nói là làm thử, nhưng làm thử hay không cũng không được phép”.
Phiếu kiểm nghiệm nước mắm ở cơ sở vi phạm.
“Khi chúng tôi nắm bắt được thông tin này từ Bộ Công an, thì chúng tôi đưa vào kế hoạch thanh tra ngay, như thế mới quản lý nhanh được. Và, nếu như có quy chuẩn về nước mắm rồi thì chắc chắn sẽ truy tố được theo pháp luật về hình sự”, ông nói.Nguồn tin của Báo NNVN cho biết, đây là sự việc rất nghiêm trọng, vì từ trước đến nay có ai biết “nước hoa cà” là cái gì đâu?!
Vị cán bộ cũng cho biết, rõ ràng đây là câu chuyện cần lên tiếng và chấm dứt nhanh. Truyền thông về vụ việc này cần hết sức bình tĩnh, nêu cụ thể, không đánh đồng các doanh nghiệp vi phạm pháp luật với các doanh nghiệp sản xuất nước mắm chân chính khiến người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm nước mắm trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết, năm 2019, lần đầu tiên Bộ NN-PTNT thành lập các đoàn phối hợp với Bộ Công an để thanh tra các cơ sở sản xuất nước mắm.
“Chúng tôi tổ chức 7 đoàn thanh tra tại 3 tỉnh An Giang, Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh cùng một lúc. Trên cơ sở của hoạt động trinh sát, các đoàn thanh tra đã nắm bắt, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng loạt", ông Tiến nói.
Ông Tiến cho biết: Kết quả, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã ra 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục theo đúng quy định. Bên cạnh đó, hoàn thiện, chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Chia sẻ về hành vi vi phạm của một số doanh nghiệp, ông Tiến nói: "Họ dùng nước bột ngọt cho chạy qua bể ủ chượp, sau đó dùng soda để trung hòa axit và cô đặc thành nước hoa cà, bán lại làm nguyên liệu sản xuất nước mắm với khối lượng lớn".4 doanh nghiệp vi phạm
Như NNVN đã thông tin, 4 doanh nghiệp vi phạm trong sản xuất nước mắm được phát hiện là: Công ty TNHH MTV Điều Hương; Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp; Công ty TNHH Thực phẩm Tấn Phát và Công ty CP Chế biến thủy sản Liên Thành.
Cụ thể, theo Thanh tra Bộ NN-PTNT, tại Công ty TNHH MTV Điều Hương (địa chỉ: ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), đoàn thanh tra phát hiện doanh nghiệp này sử dụng nước bột ngọt Vedan (có vị rất chua), bột soda màu trắng để sản xuất nước hoa cà (nước mắm bán thành phẩm).
Đoàn thanh tra đã yêu cầu công ty tạm dừng sản xuất, giữ nguyên hiện trạng số nước hoa cà còn lưu kho và cho niêm phong số hóa chất soda công nghiệp để chờ quyết định giải quyết.
Quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Điều Hương và Công ty TNHH Thực phẩm Tấn Phát. |
Đối với Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (địa chỉ tại số 47 Trần Phú, phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), theo báo cáo của đại diện công ty thì công ty đã sử dụng hóa chất soda ash light 99,2%, xuất xứ Trung Quốc để trung hòa axit (khử chua) trong nước bổi cá.
Tại Công ty TNHH Thực phẩm Tấn Phát (địa chỉ tại tổ 1, ấp Tân Đông, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), đoàn thanh tra phát hiện tại khu vực các bể dịch đạm có 1 gian nhà kho chứa 345 bao (loại 50kg/bao) soda ash light – Na2CO3.
Theo các chuyên gia, natri cacbonat còn gọi soda (Na2CO3) được dùng trong thực phẩm, nhưng phải là loại tinh khiết (soda thực phẩm) và phải ở liều lượng an toàn theo quy định của Bộ Y tế. Soda công nghiệp hay bất cứ hóa chất công nghiệp nào cũng đều tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm vì lẫn nhiều loại tạp chất tồn dư độc hại không lường trước được, nguy hiểm đến sức khỏe con người. Soda công nghiệp thường được dùng trong điều chế xà phòng, làm chất tẩy rửa, làm giấy, phẩm nhuộm… |
Còn tại Công ty CP Chế biến thủy sản Liên Thành (địa chỉ tại ấp 4, Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), đoàn thanh tra đã phát hiện doanh nghiệp này thu mua nước hoa cà từ một số công ty ở các tỉnh Đồng Nai, Vĩnh Long và nước bột ngọt mua của Công ty CP hữu hạn Vedan (Đồng Nai) để chạy qua hệ thống xác cá, nước thu được sau khi cho chạy qua các lô chượp khác nhau được nước thành phẩm (độ đạm thấp).
"Nước mắm 50 giờ" được sản xuất thế nào?
Theo Phòng Thanh tra chuyên ngành 1 - Thanh tra Bộ NN-PTNT, Đoàn thanh tra đã phát hiện tới 48 tấn soda công nghiệp (chuyên dùng cho sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa) được sử dụng để khử axit trong dịch bột ngọt. Theo hồ sơ công bố, dịch bột ngọt có tính axit (pH từ 3 – 4), giá rất thấp, tính cả chi phí vận chuyển chỉ có 500 đồng/lít.
Theo quy trình khử chua, doanh nghiệp đưa khoảng 17.000 lít hỗn hợp gồm 95% dịch bột ngọt, 5% dịch nước tôm và 120kg Na2CO3 (soda công nghiệp) để trung hòa axit trong dịch bột ngọt, đun bằng hơi nước trong thời gian 40 – 50 giờ, dung dịch thu được 800 lít nồng độ đạm đạt 25 – 35oN và 700 lít muối.
Sau đó, doanh nghiệp sử dụng 800 lít này cho chạy qua xác cá ủ chượp (đã loại thải sau khi thu hoạch nước mắm truyền thống) hoặc bán luôn cho cơ sở sản xuất nước mắm. Dịch nước mắm này gọi là “nước hoa cà”.
Còn nguyên liệu nước bột ngọt Vedan (dịch bột ngọt) là phụ phẩm của quá trình sản xuất bột ngọt của Công ty; được sản xuất ra ở công đoạn sau kết tinh Acid Glutamic, hóa chất HCl được cho thêm vào để hỗ trợ chế biến.
Qua 3 lần tách Acid Glutamic sẽ thu được sản phẩm nước bột ngọt gồm thành phần chính là MSG – Monosodium Glutamate (khoảng 2%), muối NaCl (khoảng 8%), còn lại là nước.
Theo đánh giá của phòng Thanh tra chuyên ngành 1 – Thanh tra Bộ NN-PTNT, việc phát hiện một số công ty sử dụng dịch bột ngọt, nước dịch tôm, cá và natri cacbonat (Na2CO3) là hóa chất công nghiệp để sản xuất và chế biến nước mắm là hết sức nghiêm trọng, vi phạm về an toàn thực phẩm.
Nước mắm truyền thống thường được làm rất công phu và đảm bảo an toàn. Có hai phương pháp chế biến thường được dùng. Nếu làm theo đúng quy trình sản xuất nước mắm thì thời gian tối thiểu từ khi ủ hỗn hợp cá và muối phải mất ít nhất 6 tháng mới ra thành phẩm. |
Nông nghiệp Việt Nam