MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ IPO hụt của Ant là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang "trừng trị" các ông lớn internet?

14-11-2020 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều người tự hỏi liệu có phải sự tự do bất thường mà các doanh nhân công nghệ như Jack Ma vẫn đang được hưởng sẽ sớm chấm dứt.

Từ trước đến nay, các công ty Internet lớn nhất của Trung Quốc vẫn ngầm nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ nước này. Thế nhưng gần đây có 2 sự kiện đã làm dấy lên những hoài nghi về vị thế của các ông lớn công nghệ Trung Quốc. Đó là vụ IPO của Ant Group bị đình chỉ vào phút chót và sự ra đời của dự luật chống độc quyền được thiết kế để kiềm chế sức mạnh của những tập đoàn công nghệ lớn như như Alibaba và Tencent. Nhiều người tự hỏi liệu có phải sự tự do bất thường mà các doanh nhân công nghệ như Jack Ma vẫn đang được hưởng sẽ sớm chấm dứt.

1. Điều gì đã diễn ra?

Có thể nói nhiều năm luật lệ kiểm soát lỏng lẻo là nguyên nhân quan trọng giúp tập đoàn Ant của Jack Ma có thể lớn mạnh thành gã khổng lồ fintech với hoạt động trải rộng khắp mọi lĩnh vực từ thanh toán, ngân hàng, quản lý tài sản đến bảo hiểm. Tuy nhiên, ngay trước khi Ant thực hiện vụ IPO kép trên sàn Thượng Hải và Hồng Kông với quy mô dự tính lên đến 35 tỷ USD, chính phủ Trung Quốc đã tung ra một loạt quy định mới quản lý mảng cho vay tiêu dùng – thị trường mà Ant đang thống lĩnh.

Điều đó dẫn đến việc vụ IPO dự kiến diễn ra vào ngày 5/11 của Ant bị hoãn vô thời hạn. Không dừng lại ở đó, các nhà quản lý còn đưa ra dự luật có mục đích hạn chế độc quyền trong lĩnh vực Internet, khiến các nhà đầu tư lo sợ tháo chạy khỏi các công phiếu công nghệ và thổi bay 290 tỷ USD giá trị vốn hóa của những ông lớn như Tencent và Alibaba chỉ trong 2 ngày.

2. Vì sao lại là thời điểm này?

Chúng ta không thể biết câu trả lời chính xác là gì. Giống như nhiều trường hợp khác, các lãnh đạo Trung Quốc không chia sẻ nhiều về dự định của họ. Một số chuyên gia phân tích và nhà đầu tư cho rằng các cơ quan quản lý chỉ đơn thuần muốn gia tăng quyền lực của họ chứ không phải muốn quyết liệt thay đổi. Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng cơ quan quản lý không hài lòng với thái độ huênh hoang của các tỷ phú công nghệ và muốn "dạy cho họ 1 bài học" dù điều đó sẽ tạo ra những tác động tiêu cực trong ngắn hạn cho nền kinh tế và thị trường.

Trong 1 hội thảo diễn ra cuối tháng trước, Jack Ma đưa ra nhận định hệ thống tài chính Trung Quốc đã lỗi thời và phàn nàn rằng các nhà quản lý có tầm nhìn quá ngắn. Sau đó Ma đã bị triệu tập tới Bắc Kinh trong 1 cuộc gặp hiếm hoi với các quan chức hàng đầu của ngành tài chính. Thậm chí ngày 12/11 tờ Wall Street Journal viết rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất tức giận với bài phát biểu của Ma và chính ông đã ra quyết định đình chỉ vụ IPO của Ant.

3. Liệu sẽ có 1 sự thay đổi lớn?

Lâu nay chính phủ Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghệ nước này. Rất nhiều lần chính phủ đã trực tiếp can thiệp để nâng cao vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. "Thủ phủ iPhone" Trịnh Châu sẽ không thể trở thành cứ điểm sản xuất lớn nhất của Apple nếu không có những ưu đãi đặc biệt của chính phủ.

Các công ty internet nội địa cũng được hưởng lợi thế lớn khi hàng loạt ông lớn công nghệ của thế giới bị chặn ở Trung Quốc. Thiếu vắng sự cạnh tranh từ Facebook và Twitter, các mạng xã hội như WeChat của Tencent và Weibo của Sina đã phát triển mạnh mẽ. Và khi Google không tồn tại ở Trung Quốc, Baidu thỏa sức bành trướng thành công cụ tìm kiếm số 1 ở thị trường đông dân này.

Trong bối cảnh đó, những tập đoàn biết sớm nắm bắt thời cơ như Alibaba và Tencent đã tăng trưởng mạnh mẽ và thống trị toàn bộ hệ sinh thái. Cùng với Ant, tổng giá trị vốn hóa của 3 công ty đạt gần 2.000 tỷ USD tính đến đầu tháng 11 – vượt xa những ông lớn quốc doanh như Bank of China.

Mạng lưới đầu tư của họ cũng bao trùm hết các startup ở Trung Quốc trong mọi lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo đến giao đồ ăn và ngân hàng số. Sự bảo trợ của những ông lớn này cũng tạo ra 1 thế hệ doanh nghiệp mới đầy tiềm năng như Meituan và Didi Chuxing. ByteDance, công ty sở hữu TikTok, là 1 trường hợp hiếm hoi nằm ngoài mạng lưới này.

4. Vấn đề pháp lý ở đây là gì?

Cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc đang lấy ý kiến về dự luật dài 22 trang với những từ ngữ hiện khá mơ hồ nhưng sẽ là nền móng đầu tiên cho khung pháp lý sẽ trừng trị những hành động cạnh tranh được cho là không lành mạnh như những thỏa thuận độc quyền gượng ép, chính sách giá dựa trên thuật toán ưu tiên cho người dùng mới hoặc chính sách giá dưới chi phí để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh.

Đây cũng là nỗi lo của các nhà quản lý trên khắp thế giới. Ở Mỹ Facebook, Google và các ông lớn công nghệ khác đang bị điều tra về các hành vi lợi dụng vị thế thống trị thị trường để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh hoặc lạm dụng dữ liệu người dùng.

Mấy năm gần đây người tiêu dùng Trung Quốc đã lên tiếng phản đối chuyện các công nghệ như dữ liệu lớn và nhận diện khuôn mặt khiến quyền riêng tư của họ bị xâm phạm.

5. VIEs là gì?

Trong dự luật có nhắc đến sự cần thiết phải chính thức chấp nhận các vụ M&A sử dụng các công ty có mục đích đặc biệt (Variable Interest Entities – VIE). Alibaba và nhiều công ty công nghệ khác đã sử dụng mô hình VIE để bán cổ phần ở nước ngoài bởi vì luật Trung Quốc hiện nay hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào những lĩnh vực như internet, ngân hàng, khai khoáng và giáo dục tư nhân.

Năm 2000 Sina đã thực hiện IPO thành công, một cách thần kỳ biến 1 công ty Trung Quốc thành 1 công ty nước ngoài với các cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài có thể mua được. Tuy nhiên VIE chưa bao giờ được Bắc Kinh chính thức công nhận, khiến nhà đầu tư lo ngại luật thay đổi và khoản đầu tư của họ có thể bốc hơi chỉ sau 1 đêm.

6. Điều này đã từng xảy ra trước đây?

Có. Ví dụ, năm 2018 Tencent đã trở thành mục tiêu trong chiến dịch chống nghiện game trong giới trẻ. Mặc dù cổ phiếu của Tencent đã lao dốc mạnh nhưng sau đó đã hồi phục và lập đỉnh mới. Alibaba cũng từng bị "sờ gáy" vì để cho hàng giả hàng nhái hoành hành.

Tuy nhiên trong tất cả các trường hợp thì giá cổ phiếu đều phục hồi.

Gần đây khu vực tư nhân mới được chính phủ Trung Quốc coi là "trọng tâm của tương lai". Các lĩnh vực internet, thương mại điện tử và tài chính số vẫn được ưu ái. Tuy nhiên điều đó có thể thay đổi trong thời gian tới do có nhiều lo ngại về việc các ông lớn công nghệ tích lũy được quá nhiều ảnh hưởng và quyền lực thông qua lượng dữ liệu khổng lồ và lòng trung thành của hàng trăm triệu người dùng.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Tổ Quốc

Trở lên trên