MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ kiện thế kỷ ở Mỹ

12-10-2018 - 08:30 AM | Tài chính quốc tế

Mỹ hiện là quốc gia thải khí nhà kính nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, nhưng lại có lượng khí thải bình quân đầu người cao gấp đôi Bắc Kinh

Vào ngày 29-10 tới, một thẩm phán ở bang Oregon - Mỹ dự kiến bắt đầu xem xét vụ kiện chính phủ Mỹ với bên nguyên đại diện cho 21 công dân trẻ tuổi và được hỗ trợ bởi tổ chức phi lợi nhuận Our Children’s Trust. Đơn kiện cáo buộc chính phủ Mỹ tích cực góp phần gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu, qua đó vi phạm các quyền hiến định của các nguyên đơn.

Trước đó, chính phủ Mỹ nhiều lần tìm cách ngăn chặn hoặc hoãn phiên tòa nhưng không thành. Về nguyên tắc, chính phủ - chứ không phải tòa án - mới là nơi quyết định các chính sách nào là phù hợp nhất để giải quyết những vấn đề môi trường và xã hội. Vào năm 1992, nhiều quốc gia - trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và toàn bộ quốc gia châu Âu - đã nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tại "Thượng đỉnh trái đất" ở TP Rio de Janeiro - Brazil năm đó, các quốc gia này đồng ý duy trì ổn định khí thải nhà kính "ở mức độ đủ thấp để ngăn chặn sự can thiệp nguy hiểm của con người vào hệ thống khí hậu". Đến năm 2006, có tổng cộng 189 quốc gia nhận trách nhiệm xử lý vấn đề biến đổi khí hậu.

Mặc dù thỏa thuận trên không nêu cụ thể mức độ nào là "đủ thấp", giới khoa học đã nhất trí rằng việc để nhiệt độ toàn cầu tăng trung bình hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp có nguy cơ dẫn đến thảm họa. Khi Bắc Băng Dương ấm lên, băng phản chiếu ánh nắng sẽ giảm dần trong khi lượng nước hấp thụ nhiệt lại gia tăng. Tương tự, khi lớp băng ở Siberia tan chảy, nó sẽ thải ra khí metan - một loại khí nhà kính đẩy nhanh tốc độ ấm dần lên của toàn cầu.

Ngay cả với mức tăng 1,5 độ C của nhiệt độ toàn cầu cũng đủ gây nguy hiểm. Giới khoa học cảnh báo việc vượt cột mốc này đe dọa khiến các quốc đảo Thái Bình Dương nằm ở vùng thấp bị nước biển dâng nhấn chìm. Trong khi đó, nhiều nơi trên trái đất sẽ hứng chịu tình trạng hạn hán, cháy rừng và lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có. Để bảo đảm các điều kiện khí hậu an toàn, cần bảo đảm nhiệt độ toàn cầu tăng thêm không quá 1 độ C.

Vụ kiện thế kỷ ở Mỹ - Ảnh 1.

Kelsey Juliana, người đứng đầu nhóm kiện chính phủ Mỹ về biến đổi khí hậu, phát biểu bên ngoài tòa án ở TP Eugene, bang Oregon gần đây Ảnh: OUR CHILDREN’S TRUST

Tuy nhiên, phần lớn các chính phủ không hành động đủ để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Không những thế, không ít quốc gia còn khiến tình hình xấu thêm khi tiếp tục ủng hộ nhiên liệu hóa thạch. Do đó, các nhà hoạt động ở Bỉ, Colombia, Ireland, New Zealand, Na Uy, Pakistan, Thụy Sĩ và Hà Lan đang thông qua tòa án để nỗ lực đạt được điều mà họ không thể đạt được bằng hành động chính trị.

Vụ kiện liên quan đến khí hậu đầu tiên giành được kết quả tích cực là giữa tổ chức môi trường Urgenda Foundation nhằm vào chính phủ Hà Lan hồi năm 2015. Khi đó, một tòa án ở nước này đã yêu cầu chính phủ phải bảo đảm cắt giảm 25% lượng khí thải của đất nước trong vòng 5 năm. Tuy có tăng cường các biện pháp cắt giảm khí thải, chính phủ Hà Lan vẫn kháng cáo. Tòa Phúc thẩm The Hague đầu tháng này quyết định duy trì phán quyết năm 2015 nói trên.

Vụ kiện chính phủ Mỹ nói trên được xem là có ý nghĩa và tầm quan trọng nhất cho đến giờ. Thậm chí, nó xứng đáng được gọi là "vụ kiện thế kỷ". Kết quả của vụ kiện này có thể ảnh hưởng đến những người đang và sẽ sinh sống trên trái đất trong suốt quãng thời gian còn lại của thế kỷ XXI và thậm chí là trong nhiều thế kỷ sau đó.

Mỹ hiện là quốc gia thải khí nhà kính nhiều thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng khí thải bình quân đầu người của Washington lại cao gấp đôi Bắc Kinh. Mỹ cũng thải ra nhiều khí nhà kính hơn Ấn Độ dù dân số của họ chỉ bằng 1/4 quốc gia châu Á này. Hơn nữa, khái niệm khí thải bình quân đầu người vốn "hào phóng" với những quốc gia công nghiệp hóa lâu đời vì nó không xét đến trách nhiệm lịch sử của họ - những hành động trong quá khứ dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu mà thế giới đang phải đối mặt.

Nếu không cắt giảm mạnh lượng khí thải nhà kính, có thể nói Mỹ đang đi ngược lại luật pháp quốc tế vì nước này đang vi phạm những quyền cơ bản nhất của con người được quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền và các hiệp ước quốc tế khác.

Bên nguyên trong vụ kiện khẳng định việc chính phủ Mỹ góp phần làm biến đổi khí hậu đã vi phạm quyền được sống, tự do và thịnh vượng nêu trong Hiến pháp. Khi chính phủ Mỹ tìm cách chặn phiên tòa, một tòa án liên bang đã ra phán quyết lịch sử rằng "quyền có được một hệ thống khí hậu có khả năng duy trì cuộc sống con người là cơ sở của một xã hội tự do và trật tự".

Các luật sư tham gia vụ kiện hiểu rằng để giành chiến thắng, họ phải thuyết phục Tòa án Tối cao Mỹ đang chịu sự thống trị của lập trường bảo thủ về việc chính phủ Mỹ đã vi phạm những trách nhiệm hiến định của mình khi không hành động đối phó biến đổi khí hậu.

Trong trường hợp vụ kiện bị đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ - một kịch bản dường như khó tránh, tòa án này sẽ phải quyết định liệu họ có sẵn lòng chú ý đến các bằng chứng khoa học cho thấy hành động của chính phủ Mỹ đang gây nguy hại cho sự tồn tại của con người trên hành tinh này hay không. Nếu họ sẵn lòng, ngay cả những thẩm phán bảo thủ nhất cũng phải phán quyết chính phủ Mỹ đang vi phạm Hiến pháp.

(lược dịch theo Japan Times)

Theo Cao Lực

Người Lao động

Trở lên trên