Vụ margin call lớn nhất lịch sử đang làm thay đổi mảng kinh doanh béo bở của các ngân hàng đầu tư toàn cầu như thế nào?
Là một trong những prime broker lớn nhất ở châu Âu, Credit Suisse đang cân nhắc cắt giảm mạnh bộ phận môi giới trong những tháng sắp tới.
- 08-04-2021Nhà đầu tư Mỹ sử dụng đòn bẩy với khối lượng lớn kỷ lục, liệu có bao nhiêu vụ như Archegos chưa bị vỡ lở?
- 06-04-2021Credit Suisse lỗ gần 5 tỷ USD sau vụ sụp đổ gây chấn động của Archegos và Greensill
- 06-04-2021Hai giám đốc của Credit Suisse mất chức vì để thua lỗ 5 tỷ USD liên quan Archegos
Trước khi xảy ra vụ sụp đổ chấn động hồi tháng trước, Archegos Capital Management là 1 quỹ đầu tư mà kể cả trên phố Wall cũng có rất ít người biết đến. Tuy nhiên, vụ sụp đổ đó lại đang khiến cả một mảng kinh doanh sinh lời lớn và có lịch sử lâu đời của ngành ngân hàng toàn cầu phải thay đổi.
Nomura và Credit Suisse, 2 ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nhất, đã bắt đầu siết chặt hoạt động cho vay đối với các quỹ đầu cơ và family office (văn phòng quản lý tài sản cho các gia đình). Các nhà quản lý châu Âu cũng đang đánh giá lại những rủi ro mà các ngân hàng phải chịu khi cho các khách hàng này vay tiền. Còn tại Mỹ, giới chức đã bắt đầu mở cuộc điều tra về vụ Archegos sụp đổ.
Cùng lúc trên khắp thế giới, từ Washington đến Zurich và Tokyo, nghiệp vụ nhà môi giới chính (prime broker) của các ngân hàng đầu tư đang chuẩn bị cho những sự thay đổi lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Thường nằm trong mảng đầu tư chứng khoán của các ngân hàng đầu tư lớn, bộ phận này cho các quỹ vay tiền mặt và chứng khoán đồng thời giúp họ tiến hành các giao dịch. Đây chính là mảng quan trọng của nhiều ngân hàng đầu tư.
Tuy nhiên, cú sụp đổ của Archegos – family office do cựu quản lý quỹ đầu cơ Bill Hwang lập nên – đã nhấn mạnh những rủi ro mà các ngân hàng gặp phải. Cho đến nay Credit Suisse là ngân hàng bị thiệt hại nhiều nhất, dẫn đến khoản lỗ 4,7 tỷ USD trong quý I.
Là một trong những prime broker lớn nhất ở châu Âu, Credit Suisse đang cân nhắc cắt giảm mạnh bộ phận môi giới trong những tháng sắp tới. Trước mắt ngân hàng đã siết chặt các yêu cầu về ký quỹ trong các hợp đồng hoán đổi – loại chứng khoán phái sinh mà Hwang đã sử dụng. Đặc biệt, ngân hàng đang chuyển từ static margining (yêu cầu khách ký quỹ 1 khoản nhất định) sang dynamic margining (môi giới có thể yêu cầu ký quỹ nhiều hơn nếu như mức độ rủi ro tăng lên do những yếu tố như thị trường biến động hơn).
Thiệt hại khoảng 2 tỷ USD từ vụ Archegos, Nomura cũng đang siết chặt các quy định về ký quỹ.
Tại ít nhất 9 công ty, bằng đòn bẩy rất lớn, Archegos đã xây dựng vị thế đủ lớn để lọt top những cổ đông lớn nhất. Archegos có thể đặt cược lớn nhờ sử dụng hợp đồng phái sinh và vì là 1 công ty tư nhân nên không cần phải công bố thông tin cho các nhà đầu tư. Hwang xây dựng được danh mục trị giá vào khoảng 100 tỷ USD mà gần như không ai biết đến. Mặc dù các ngân hàng có chút manh mối về những gì Archegos đang làm và giao dịch mà họ đang tài trợ, họ không thể nhìn thấy thực chất Hwang liều lĩnh đến mức nào.
Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) đã phát tín hiệu sẽ yêu cầu các ngân hàng dành ưu tiên hơn cho việc buộc các khách hàng là quỹ đầu cơ phải minh bạch thông tin về giao dịch họ thực hiện. Ở châu Âu, những ngân hàng lớn nhất được yêu cầu bổ sung thông tin về mức độ ảnh hưởng của các quỹ đầu cơ lên hoạt động của họ. Mặc dù hầu hết các ngân hàng châu Âu như Deutsche Bank và BNP Paribas không bị thiệt hại lớn, sự kiện gây chấn động như Archegos buộc các cơ quan quản lý phải tìm hiểu kỹ càng về lý do tại sao các ngân hàng lại có thể cho phép các quỹ sử dụng đòn bẩy lớn đến vậy.
"Đó là dấu hiệu cảnh báo có rủi ro hệ thống khá lớn và cần phải làm tốt công tác quản lý hơn nữa", thành viên hội đồng quản trị của NHTW châu Âu – ông Isabel Shnabel – phát biểu trong 1 cuộc phỏng vấn với tờ Der Spiegel tuần trước.
Tham khảo Bloomberg