MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ mất hàng trăm tỷ ở Eximbank: Quan trọng là uy tín

28-02-2018 - 14:44 PM | Tài chính - ngân hàng

Các chuyên gia cho rằng, việc Eximbank chờ phán quyết của tòa án rồi mới trả tiền là không sai nhưng để sự việc kéo dài lâu đã ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của ngân hàng.

Gần đây, vụ việc khách hàng gửi tiền ở Eximbank và bị phó giám đốc chi nhánh của ngân hàng này chiếm đoạt rồi bỏ trốn ra nước ngoài đã thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận.

Trong một động thái mới nhất, ngày 24/2, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Lê Nguyễn Hưng (SN 1972, quê Bình Dương), nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo thông tin từ Bộ Công an, hiện ông Hưng đã xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam sau khi chiếm đoạt hơn 300 trăm tỷ đồng của một khách hàng gửi tại Eximbank chi nhánh TP HCM. 

Tính đến nay, sự việc khách hàng bà Chu Thị Bình bị mất tiền ở Eximbank đã kéo dài được hơn 1 năm và bà vẫn chưa được nhận lại tiền. Phía Eximbank cũng đã cam kết sẽ trả lại tiền khi có phán quyết của tòa, nghĩa là khách hàng sẽ phải đợi một thời gian nữa và chưa biết đến bao giờ. 

Trao đổi tại buổi giao lưu trực tuyến "Làm sao để gửi tiền ở ngân hàng được an toàn" do báo điện tử Trí thức trẻ phối hợp với Cafef tổ chức chiều ngày 27/2, các chuyên gia cho biết cũng rất quan tâm tới vụ việc này. 

Luật sư Chu Mạnh Cường – Đoàn luật sư Tp. Hà Nội, trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính cho rằng vụ việc nên được xét ở 2 góc độ là góc độ pháp lý và góc độ kinh tế. 

Việc ngân hàng cho rằng họ chờ phán quyết của tòa là có căn cứ pháp lý, điều đó không sai và họ có quyền đó. 

Song xét về góc độ kinh tế, uy tín, nếu qua điều tra và xác minh mà ngân hàng nhận thấy rằng lỗi thuộc về nhân viên ngân hàng, người gửi tiền không có lỗi thì ngân hàng hoàn toàn có thể trả tiền cho khách hàng trước để đảm bảo uy tín của mình chứ không cần chờ phán quyết của tòa. 

"Ngoài ra, theo thông tin ban đầu, cơ quan điều tra đã khởi tố và phát lệnh truy nã đối tượng lừa đảo. Do vụ việc đã có tính chất hình sự, nếu chờ bắt được ông Hưng rồi đưa ra điều tra, truy tố, xét xử, sơ thẩm, phúc thẩm sau đó căn cứ phán quyết của tòa để có cơ sở giải quyết vấn đề trả tiền thì không biết kéo dài đến lúc nào" - luật sư Cường nói.  

Ông kiến nghị là nên tách thành hai phần dân sự và hình sự. Việc lừa đảo thuộc phần hình sự, còn việc người gửi tiền ở ngân hàng là dân sự. Nếu chứng minh khách hàng có tham gia vào việc rút tiền thì không trả, còn nếu họ không có lỗi thì phải trả luôn. 

Nhìn nhận về vụ việc, ông Đặng Anh Tuấn, Viện phó viện ngân hàng tài chính Đại học Kinh tế Quốc dân trong khi đó cho rằng, trong sự cố này, khách hàng và ngân hàng có thể tự thỏa thuận riêng được thì tốt. Tuy nhiên, việc mãi 1 năm mà ngân hàng chưa trả được ngay tiền cho khách hàng là vì họ cũng có cái khó do chưa có phán quyết của tòa và phải giải thích với các cổ đông. 

Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng đồng ý rằng đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan. Theo ông, vẫn phải chờ phán quyết của tòa án nhưng lý tưởng nhất là nên xem xét trả lãi cho khách hàng từ năm 2017 cho đến khi trả lại tiền theo phán quyết của tòa. Một phương án nữa là hai bên có thể chốt thời hạn với nhau, cùng chấp nhận rủi ro. Nếu đến thời điểm đó mà không giải quyết xong thì phải bồi thường theo thỏa thuận. 

Diễn biến gần nhất về vụ án, trong ngày 27/2 hôm qua, HĐQT Eximbank đã có buổi làm việc với bà Bình, theo đó đồng ý tạm ứng cho bà hơn 14,8 tỷ đồng, là số tiền trên giấy ủy nhiệm chi mà Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44) xác định là chữ ký của chủ tài khoản lẫn người được ủy quyền đều bị làm giả. Bà Bình cũng đã đồng ý nhận số tiền tạm ứng này, còn những khoản khác thì sẽ chờ ra tòa.

Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên