Vụ Phạm Công Danh: Hàng loạt nhân viên bỗng dưng... bị làm sếp
Chuyện như đùa lại là sự thật, nhiều bảo vệ, nhân viên rửa xe được bị can Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) mời làm giám đốc, công việc chỉ cần ký và sắm vai bù nhìn rồi nhận lương. Ngoài ra, một số người còn không hề hay biết mình được bổ nhiệm từ lúc nào.
Bổ nhiệm hàng loạt giám đốc "bù nhìn"
Một câu chuyện lạ lùng tưởng chừng như hư cấu lại hiển hiện trong đời thực về những con người không có trình độ, không có tiền tài, làm bảo vệ, nhân viên rửa xe một bước lên tiên, bỗng nhiên lột xác, gắn mác giám đốc, oai phong cộp dấu, ký tên,...
Người phù phép cho họ làm những giám đốc "bù nhìn" là ông Phạm Công Danh - từng là Chủ tịch ngân hàng Xây dựng (VNCB). Điều thú vị là ở cương vị cao nhất, quyền lực nhất, vị này lại có cách chọn lọc nhân tài thật khác người!
Đây chính là nghịch lý hay nói đúng hơn là những trò lố có mục đích mà những ông trùm tại VNCB đã bày ra lợi dụng chức vụ để tư lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế vài năm trở lại đây.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao (truy tố Phạm Công Danh và 35 đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB), Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập và duyệt hồ sơ cho 14 công ty (trong đó có 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh) vay hơn 5.000 tỷ đồng.
Hầu hết số công ty mà Danh lập ra đều không có hoạt động thực chất mà chỉ được thành lập để vay tiền của VNCB cho Danh sử dụng các mục đích cá nhân. Các công ty trên không có nhân viên mà chỉ có 1 giám đốc. Giám đốc này không hoạt động nghiệp vụ mà chỉ ký hồ sơ vay tiền (do Danh chỉ đạo soạn sẵn) và đến tháng lãnh lương từ 5 – 10 triệu đồng do Danh trả.
Cụ thể, bị can Nguyễn Tấn Thành, Giám đốc Công ty Thành Trí, thực chất là bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh. Khoảng tháng 5/2012, Thành được nhờ đứng tên làm Giám đốc công ty Thành Trí. Khoảng đầu năm 2014, Thành được gọi lên trụ sở để ký hồ sơ vay số tiền 330 tỷ đồng. Trong thời gian đứng tên làm giám đốc, thành nhận tổng cộng 240 triệu đồng tiền lương.
Bị can Trần Thanh Tùng, giám đốc Công ty Thanh Quang, cũng là nhân viên bảo vệ Tập đoàn Thiên Thanh. Khoảng tháng 5/2012, Tùng được đề nghị đứng tên Giám đốc công ty Thanh Quang. Khoảng tháng 02/2014, Tùng đến VNCB để ký hồ sơ vay 450 tỷ đồng. Trong thời gian đứng tên giám đốc, Tùng cũng nhận được 240 triệu đồng tiền lương.
Bị can Nguyễn Hữu Duyên, giám đốc Công ty Quang Đại, vốn là nhân viên rửa xe của Tập đoàn Thiên Thanh. Khoảng tháng 5/2012, Duyên được đề nghị đứng tên Giám đốc công ty Quang Đại. Khoảng đầu năm 2014, Duyên đến ngân hàng để ký hồ sơ vay 380 tỷ đồng của VNCB. Trong thời gian đứng tên giám đốc, Duyên cũng được nhận khoảng 200 triệu đồng tiền lương.
Bị can Bùi Thị Hà Thu, giám đốc Công ty Đại Hoàng Phương, cũng là nhân viên tại Tập đoàn Thiên Thanh. Khoảng đầu tháng 12/2010, Thu được nhờ đứng tên Giám đốc Công ty Đại Hoàng Phương. Khoảng đầu năm 2012, Thu được gọi về Tập đoàn Thiên Thanh để ký hồ sơ vay 280 tỷ đồng của VNCB cho Danh. Trong thời gian đứng tên giám đốc, Thu nhận được hơn 390 triệu đồng tiền lương.
Các bị can còn lại nguyên là giám đốc còn lại như Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Văn Cường, Hồ Thị Đi, Vưu Thị Diệu, Nguyễn Quốc Thịnh... đều là bảo vệ, nhân viên hoặc người nhà của nhân viên tập đoàn Thiên Thanh. Tất cả đều được nhờ đứng tên và ký hồ sơ vay tiền giùm cho Danh.
Không biết được bổ nhiệm ở Ngân hàng Xây dựng lúc nào
Đáng chú ý, việc bổ nhiệm người không có trình độ làm giám đốc bù nhìn đã là một chuyện, nhiều người còn không hề hay biết mình được bổ nhiệm chức vụ tại ngân hàng Xây dựng tự lúc nào.
Cụ thể, trong hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và các đồng phạm trong việc lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Core banking của Ngân hàng Xây dựng giá trị 12 triệu USD (tương ứng 252 tỷ đồng), đã rút ra 63,276 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng để Phạm Công Danh sử dụng, đến nay Ngân hàng Xây dựng không thể thu hồi số tiền này.
Vào thời điểm tháng 6/2013, ông Nguyễn Ngọc Hiền – kế toán trưởng VNCB cho biết ông không biết mình được bổ nhiệm làm thành viên Ban chỉ đạo Đề án nâng cấp hệ thống CoreBanking của ngân hàng Xây dựng và cũng không tham gia làm gì với Ban chỉ đạo đề án nâng cấp hệ thống CoreBanking của VNCB; chỉ đến khi Cơ quan điều tra đưa cho ông Hiền xem quyết định thành lập Ban chỉ đạo đề án nâng cấp hệ thống CoreBanking, khi đó ông mới biết mình có tên trong ban chỉ đạo.
Tương tự, bà Thu là nhân viên giữ dấu của Ngân hàng Xây Dựng, nhưng được hưởng lương của Tập đoàn Thiên Thanh chi trả, chưa được hưởng lương của VNCB. Thu không biết mình được bổ nhiệm làm thành viên Ban chỉ đạo đề án nâng cấp hệ thống CoreBanking của ngân hàng Xây dựng, Thu cũng không tham gia làm gì với Ban chỉ đạo đề án nâng cấp hệ thống CoreBanking của ngân hàng Xây dựng, chỉ đến khi Cơ quan điều tra đưa cho Thu xem quyết định thành lập Ban chỉ đạo đề án nâng cấp hệ thống CoreBanking, khi đó Thu mới biết mình có tên trong ban chỉ đạo.
Hai bị can Hiền và Thu đều cho biết họ cũng không được hưởng lợi gì trong việc thực hiện đề án nâng cấp hệ thống này.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Đại án Phạm Công Danh
Xem tất cả >>- Ngân hàng Xây dựng phải trả gần 70.000 m2 đất cho Bất động sản Phú Mỹ
- Đại án Phạm Công Danh: Lo ngại về các rủi ro không thể dự đoán
- Ngày 27/12, xử phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm
- Phạm Công Danh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm
- Làm rõ trách nhiệm liên quan Hà Văn Thắm trong đại án Ngân hàng Xây dựng