MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ thanh sắt rơi gây chết người: Nhiều nhà thầu phụ buông lỏng giám sát an toàn lao động

30-09-2018 - 22:15 PM | Bất động sản

Vụ việc người phụ nữ bị tử vong do cần trục hệ thống sàn treo Gondola phục vụ lắp đặt kính của tòa nhà nằm trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) rơi trúng đã gióng lên hồi chuông báo động về việc đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng.

Cơ quan chức năng xác định, công trình Trung tâm Thương mại và Văn phòng cho thuê, địa chỉ Lô đất 4.6NO, đường Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, Thanh Xuân) thiết kế 16 tầng nổi và 2 tầng hầm đã thi công xong phần thô và đang trong quá trình hoàn thiện, lắp kính mặt ngoài tòa nhà.

Nhà thầu phụ thi công lắp kính mặt ngoài là công ty cổ phần thương mại phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP (địa chỉ tổ 3 Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Ngày 27.9, đơn vị đã nghỉ thi công tranh thủ dịch chuyển sàn treo lắp dựng vách kính lấy vị trí mới để hôm sau tiếp tục làm. Do sơ suất, trong lúc dịch chuyển, sàn treo đã rơi chân giữ từ tầng 16 xuống đường Lê Văn Lương, gây tai nạn làm 1 người chết, 1 người bị thương.

Mới đây, nhà thầu phụ đã văn bản gửi đến cơ quan chức năng và chủ đầu tư dự án báo cáo cụ thể sự việc. Theo đó, công ty này đã ký nhận hoàn toàn trách nhiệm về sự cố mất an toàn lao động.

Đánh giá về vấn đề đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng, ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Hiện nay, vẫn còn nhiều công trình xây dựng chưa chấp hành đầy đủ về các quy định an toàn lao động. Những công trình có tổng thầu lựa chọn được các đơn vị đủ năng lực, uy tín, giám sát chặt chẽ thì họ mới triển khai được các biện pháp an toàn lao động trong quá trình thi công”.

Để xảy ra tai nạn chết người, Công ty CP Thương mại và Phát triển công nghệ Hà Nội Mới DHP thừa nhận đã chủ quan trong quá trình dịch chuyển thiết bị. Ông Thơ cho rằng, vụ việc không xảy ra với người lao động nhưng lại gây nên cái chết thương tâm cho người dân đi đường nên vẫn là hành vi mất an toàn lao động và không nắm vững được quy trình.

Ông Thơ đánh giá, hiện nay, rất nhiều nhà thầu phụ triển khai các công việc như xây lắp, hoàn thiết các thiết bị điện, nước, kính… đã buông lỏng các bước giám sát an toàn lao động. Vì vậy, từ việc huấn luyện, nắm bắt về an toàn lao động của nhà thầu thực hiện chưa tốt. Hơn nữa, nhà thầu phụ đã điều động công nhân từ nhiều công trình khác nhau đến thi công nên chưa tập huấn an toàn lao động kĩ lưỡng sẽ đến đến nhiều nguy cơ mất an toàn.

Thực tế, tất cả quy định an toàn lao động với việc xây lắp của các nhà thầu phụ đã có quy định cụ thể. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn lao động, chúng ta cần đẩy mạnh thẩm định năng lực thi công của nhà thầu và giám sát chặt chẽ việc thi công có tuân thủ đúng quy định về an toàn lao động hay không, ông Thơ cho biết thêm.

Theo báo cáo của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), 6 tháng đầu năm 2018, trên toàn quốc đã xảy ra 3.988 vụ tai nạn lao động làm 4.102 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động).

Bên cạnh đó, trong khu vực có quan hệ lao động số nạn nhân là lao động nữ tăng 8,87%, số vụ tai nạn lao động giảm 8,76%, tổng số nạn nhân giảm 8,27%, số người chết giảm 10,65%, số vụ có người chết giảm 12,68%, số người bị thương nặng giảm 3,96%, số vụ có từ hai người bị nạn trở lên tăng 4,65%.

Theo Hoa Lê

Lao động

Trở lên trên