Giới kinh doanh Sài Gòn gọi ông Kao là vua bánh mì, nhưng tất cả nhân viên ở công ty gọi ông với cái tên thân thương là: anh ba, chú ba. Vị thương gia gốc Hoa cười kể: “Sau lần sáng tạo ra bánh mì thanh long, tôi còn được bà con đặt cho cái tên mới: anh Thanh Long”. Mặc dù đã trải qua một năm nhiều biến động nhưng với ông, năm 2020 thật sự là một cột mốc đáng nhớ.
Tháng 2 năm 2020, chỉ vài ngày sau Tết Nguyên đán, niềm vui của người nông dân trồng thanh long ở các tỉnh miền Tây chợt tắt lịm. Hàng loạt trang báo đăng tin người dân bần thần, điêu đứng trước tình trạng hàng trăm container thanh long không thể xuất sang Trung Quốc vì ảnh hưởng của đại dịch Covid.
Trên Tuổi Trẻ ngày 01/02/2020 viết: “Số container chở thanh long xuất sang Trung Quốc nằm tại cửa khẩu Tân Thanh tăng lên từng giờ. Hàng trăm xe nằm chờ ở vùng biên, hàng ngàn tấn thanh long có nguy cơ đổ bỏ. Tiểu thương 'chết đứng' vì đại dịch corona”.
Zingnew đưa tin vào ngày 02/02/2020: “Hàng trăm hộ dân tại huyện Châu Thành điêu đứng vì thanh long tới lứa bán nhưng thương lái không mặn mà, còn nếu mua giá cũng chỉ vài nghìn đồng/kg. Theo họ, chưa bao giờ phải bán chúng với giá thấp kỷ lục (khoảng 4.000 đồng/kg) như hiện nay”.
Trước tình trạng khó khăn của người nông dân, rất nhiều cá nhân đã ra sức kêu gọi giải cứu thanh long, tuy nhiên chỉ là giải pháp tạm thời và cục bộ, không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Vào thời gian đó ông Kao Siêu Lực có một chuyến công tác miền Tây, ông nhớ: “Ngày hôm đó đi đâu cũng thấy thanh long chín chất đầy đường mà không ai mua. Về đến Vĩnh Long, tôi nghe người nông dân kể rằng có 300 container chở thanh long bị kẹt tại cửa khẩu, mà trái trong vườn lại đang chín rộ, chứng kiến sự mệt mỏi và tuyệt vọng của mọi người lòng tôi buồn khó tả”.
Trên xe trở về thành phố, ông suy nghĩ miên man, ban đầu dự tính mua khoảng 1 tấn thanh long đem về tặng cho anh, chị, em trong công ty. “Nhưng sẽ như hạt muối bỏ biển. Chắc chắn phải có cách giải cứu thiết thực hơn. Tại sao không tìm cách kết hợp thanh long với... bánh mì? Nếu thành công thì lượng thanh long được tiêu thụ sẽ rất khả thi” - ông Kao hào hứng nói.
Ngay lập tức ông tập hợp các phòng ban trong công ty để cùng nghiên cứu một món bánh mới: bánh mì thanh long.
Mất bao nhiêu thời gian để nghiên cứu thành công loại bánh mới này?
Tôi đặt ra tiêu chuẩn cho bánh mì thanh long phải đảm bảo 3 điều kiện: thẩm mỹ, hương vị và cấu trúc bánh. Tôi chưa bao giờ lấy trái cây để làm bánh mì, vì vậy phải thử nghiệm rất nhiều lần, thanh long chứa lượng lớn đường trái cây, khi nướng bánh sẽ mau đen, vậy phải điều chỉnh nhiệt độ, thời gian nướng, trái thanh long có chất chua, phải thêm muối để cân bằng độ pH. Mất 3 ngày thử đi thử lại, cuối cùng chúng tôi cũng làm ra được một chiếc bánh mì thanh long nóng xốp, ngoài giòn trong mềm, có màu hồng tự nhiên và hương thơm thoang thoảng của thanh long ruột đỏ, vỏ bánh lại có những hạt đen li ti đẹp mắt.
Lúc đó ông có nghĩ mọi người sẽ ủng hộ loại bánh mới toanh này?
Ngày đầu tiên chỉ sản xuất 300 ổ bánh, bán ở chi nhánh Nguyễn Trãi. Tôi nghĩ trong bụng chỉ mong bà con đến mua ủng hộ cùng giải cứu thanh long. Và sự ủng hộ của bà con làm tôi” hết hồn” (cười). Sau hai ngày, từ 300 ổ lên hơn 3.000 ổ và sau một tuần là 40.000 ổ mà khách vẫn xếp hàng chờ mua!
Đó thật sự là một niềm vui khó tả!?
Nhìn thấy bà con xếp hàng mua bánh mì thanh long, tôi phấn khởi không thể nào tả nổi. Sáng làm từ 6h đến tối để kịp ra bánh, rất là mệt, nhưng hào hứng khiến mình không mệt, anh em cả công ty đều tăng ca, lời thì không lời nhiều, nhưng làm ra bánh để cho bà con thưởng thức, lại giúp được người nông dân.
Có lần tôi đi xuống chợ, mọi người gặp và chào anh Thanh Long, họ bảo là tôi đã làm được một việc rất là tốt, giúp người nông dân, lúc đó tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Số lượng bánh mì được sản xuất và bán ra liên tục tăng lên theo từng ngày, đồng nghĩa với lượng thanh long được giải cứu không ngừng tăng, vượt xa con số ban đầu mà ông Kao Siêu Lực dự tính.
Vị thương gia gốc Hoa không giấu được cảm xúc vui mừng: “Chỉ sau 2 ngày số lượng thanh long được tiêu thụ đã tăng từ 300kg/ngày lên 500kg/ngày. Lúc đó tôi vui lắm, gọi báo với anh em trồng thanh long yên tâm là chúng tôi mỗi ngày tiêu thụ được 500kg. Nhưng không dừng lại ở đó, 3 ngày sau lượng thanh long được tiêu thụ tăng đến 1 tấn/ngày. Và mấy ngày nữa lên đến 2,5 tấn/ngày”.
Những tưởng ABC Bakery sẽ chớp lấy cơ hội, phát triển độc quyền món bánh mới lạ và được chú ý này, tuy nhiên bước đi của ông Kao đã khiến nhiều người ngả mũ.
Danh tiếng của bánh mì thanh long đang lên như diều gặp gió thì bất ngờ ABC Bakery chia sẻ rộng rãi công thức làm bánh cho tất cả mọi người, điều này được xem là tối kỵ trong kinh doanh, vì “thà cho vàng còn hơn chỉ đàng đi buôn”?
Nếu mình cứ âm thầm làm, giữ cho riêng mình thì không phát triển được. Bản thân tôi là Chủ tịch Hiệp hội bánh mì Quốc tế khu vực Đông Nam Á, kể cả nước ngoài còn chia sẻ, vậy sao trong nước lại không chia sẻ được. Vì vậy tôi quyết định chia sẻ rộng rãi công thức, quy trình làm bánh mì thanh long, đặc biệt nếu ai làm chưa thành công thì có thể trực tiếp gọi cho tôi. Tôi mong muốn cả nước cùng làm bánh mì thanh long, cùng san sẻ với người nông dân, chứ không riêng ABC. Một mình ABC sức nhỏ thôi, nhưng nếu cả nước thì sức mạnh sẽ rất lớn.
Rất nhanh sau đó giá thanh Long đã tăng trở lại, đứng ở cương vị người kinh doanh ông cảm thấy thế nào?
Thanh long đã tăng từ 4.000 đồng/ký lên 25.000/ký. Nhiều bạn bè tôi nói: anh đụng vô bây giờ thanh long nó mắc rồi. Tôi trả lời: nếu thanh long không tăng giá là tôi thất bại, còn nếu giúp thanh long tăng giá nghĩa là tôi đã thành công. Đừng nghĩ tôi là doanh nghiệp, mua nguyên liệu giá cao thì tôi buồn, giúp được người nông dân bán được giá cao mới điều làm tôi vui mừng hơn hết.
Nếu có thể ước chừng con số thì bánh mì thanh long đã giải cứu được bao nhiêu thanh long trong giai đoạn ngặt nghèo lúc đó?
Hơn 100 tấn, nhưng không dừng lại, ABC bakery và thanh long còn “quậy” trong thời gian tới, như hồi Tết Trung thu vừa rồi chúng tôi đã cho ra mắt bánh Trung thu thanh long được sự phản hồi rất tốt. Đồng thời tôi cũng nghiên cứu ra nhiều loại bánh từ nông sản nước nhà.
Chúng ta đang sống tại xứ sở của trái cây, hoa quả của Việt Nam rất ngon nhưng vẫn lép vế và chịu nhiều thiệt thòi.
Nông sản của nước mình muốn thành công phải kể được câu chuyện: từ đâu ra. Việt Nam có rất nhiều nông sản tốt mà không có ai “ca hát” cho nó. Ví dụ như Sầu riêng 6 Ri, mọi người cảm thấy ngon, mua về ăn mà không ai biết đến câu chuyện của giống sầu riêng này.
Tôi nghĩ để nông sản Việt Nam được biết đến nhiều hơn thì cần sự phối hợp của nhiều bên. Phía người nông dân cần tâm huyết làm ra nông sản tốt nhất, doanh nghiệp chế biến ra sản phẩm tăng giá trị gia tăng, người địa phương cũng giúp giới thiệu sản phẩm của quê hương mình. Tui tham khảo Thái Lan, Đài Loan... lãnh đạo địa phương đi đến tận nơi ăn thử và khen ngon, cũng góp phần giúp nông sản tăng thêm sự tin cậy và sức lan tỏa.
Vậy nên để nông sản Việt không còn thiệt thòi, thì không nằm ở nỗ lực của riêng cá nhân nào.
Trong xuyên suốt buổi trò chuyện cùng WeChoice, ông Kao Siêu Lực luôn cười rất tươi và hỏi đi hỏi lại: tôi kể vậy có dài quá không? Là Chủ tịch Hiệp hội bánh mì Quốc tế khu vực Đông Nam Á, từng là thành viên Ban giám khảo Cuộc thi Làm bánh quốc tế tại Paris, được xưng tụng là vua bánh mì ở Sài Gòn nhưng ông luôn gần gũi và giản dị; đối với nhân viên ông đặt mình vào vị trí người anh đi trước, người thầy truyền nghề, người anh em trong gia đình, có lẽ những năm tháng cơ hàn và ký ức đấu tranh với cái chết đã tôi luyện nên một con người luôn vững tâm mà rất bình dị.
Năm 1979, đứng trước ranh giới mong manh giữa đi hay ở, sống hay chết, ông đã quyết định từ bỏ nơi mình sinh ra để tìm một hy vọng mới. “Những năm tháng dưới thời diệt chủng Khmer Đỏ, tôi luôn sống trong sự hoang mang, hôm nay sống ngày mai chết, không thể biết trước được điều gì” - ông nhớ lại - “ Gia đình tôi nằm trong danh sách đen của quân diệt chủng. Ban đầu tôi chưa thật sự sợ, cho đến khi người ta đưa tôi đến cái lỗ đã đào sẵn, chỉ vào đó nói rằng: lỗ này sẽ chôn gia đình ông. Tôi tái xanh mặt mày, chưa bao giờ thấy cái chết nó rõ ràng như vậy”.
Sau một tháng ròng rã đi bộ, ông Kao đến Việt Nam với 3 con số 0: không tiền, không tiếng, không người thân. Vì không biết nói tiếng Việt nên ông không thể tìm được một công việc. Để có tiền sống ông chấp nhận làm phu xe giá rẻ để kiếm cơm qua ngày rồi học thêm tiếng Việt. Mỗi ngày trôi qua, ông nhận ra mình không muốn làm công nữa. Ông tìm tòi rồi chuyển sang buôn bán gạo và giao bột mì cho người Hoa; sau khi rành tiếng Việt hơn thì mở rộng bán cho người Việt. Buôn bán có tâm, luôn giữ uy tín, ông tạo được thiện cảm và lấy được lòng tin của một số chủ lò bánh mì tại Sài Gòn. Cũng từ đó, ông bắt đầu bén duyên với nghề làm bánh mì.
Năm 1989, ông lấy tên vợ đặt cho thương hiệu đầu tiên của mình - Đức Phát. Đức Phát nhanh chóng lớn mạnh, sở hữu 20 cửa hàng ở khắp Sài Gòn, dần dần trở thành một tên tuổi lớn trong ngành bánh tươi khu vực miền Nam.
Tuy nhiên, ông Kao lại một lần nữa rơi xuống vực sâu cuộc đời. Năm 2005 ông và vợ ly hôn. Không tranh chấp, không ồn ào. Ông nhường lại thương triệu đô cho vợ, dù đó là công sức của 20 năm tuổi trẻ nhiệt huyết.
Thời điểm đó, ông Kao Siêu Lực mất đi đứa con tinh thần, được chia 10 cửa hàng, 1 nhà xưởng và 400USD.
Người nói rằng ông Kao là một trượng phu khi nhường toàn bộ thương hiệu cho vợ, và ra đi tay trắng? Có người lại cho rằng làm vậy quá dại dột, là người trong cuộc ông nghĩ thế nào?
Cuộc đời tôi, thành công về kinh doanh, nhưng thất bại về gia đình. Tôi nghĩ lỗi một phần ở bản thân mình, vì đã quá lo kinh doanh mà không chăm sóc cho gia đình chu đáo. Có lẽ là duyên nợ, đến lúc thì hết.
Tôi đón nhận mọi thứ nhẹ nhàng. Như đã nói, tôi từ Campuchia chạy sang Việt Nam lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vậy bây giờ tranh giành để làm gì. Cái nào chia công bằng thì chia, còn cái nào tranh giành thì tôi không cần.
Nhưng sau đó sẽ là một khởi đầu mới, đầy thử thách!?
Sau ly hôn, tôi về lại vạch xuất phát, lúc đó tôi có kỹ thuật, có nhà xưởng và cửa hàng, nhưng không có khách hàng. Một trong những cái khó nhất là không có vốn. Xoay xở tiền bột mì không kịp vì khách hàng mua nguyên liệu đâu có trả tiền ngay, bánh trái giao đi đâu lấy được tiền liền, 2 năm đầu rất khó khăn, phải thế chấp nhà cửa để hoạt động. Tôi áp lực rất nhiều, có khi tôi muốn bỏ cuộc, tự hỏi mình làm vì cái gì?
Vậy động lực nào đã giữ ông ở lại?
Các con đã cho tôi động lực rất mạnh mẽ. Sau khi ly hôn, cả ba đứa đều chọn sống cùng tôi. Tôi nhớ các con đã nói rằng: “Ba té xuống đứng lên lại được mới là hay, còn té xuống nằm luôn thì không phải là người anh hùng”. Vậy tôi bắt đầu lại từng chút một.
Trải qua một hành trình dài, cái tên Kao Siêu Lực đã lấy lại được vị thế của mình trên thương trường, điều gì đã làm nên thành công của ngày hôm nay?
Riêng với nghề bánh tôi có 3 nguyên tắc bất di bất dịch: một là nguyên liệu phải tốt, thứ hai là kỹ thuật phải điêu luyện, cuối cùng là máy móc thiết bị phải hiện đại thì mới làm ra một chiếc bánh ngon. Còn về con người tôi nghĩ là phải dám nghĩ dám làm, tin tưởng vào bản thân, đừng chưa gì hết đã đầu hàng. Trong kinh doanh, uy tín là hàng đầu, phải xây dựng vững chắc, cái gì nhanh lên thì nhanh xuống, “khởi nghiệp nan giữ nghiệp càng nan".
Là một người gốc Hoa, sinh ra và lớn lên ở Campuchia, nhưng lại lập nghiệp và thành danh tại Việt Nam, với ông Việt Nam đặc biệt như thế nào?
Như tôi đã chia sẻ, Việt Nam đã cứu mạng tôi, vì vậy tôi luôn cảm thấy biết ơn vì điều đó, Việt Nam luôn ở đây (đặt tay vào lồng ngực) và là một phép màu kỳ diệu.
WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Diệu Kỳ Việt Nam.
Từ ngày 13/1/2021, cổng bình chọn của WeChoice Awards 2020 đã chính thức mở.
Hiện nay, Kao Siêu Lực đang là đề cử có mặt trong hạng mục Nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards. Nếu thấy ấn tượng với những hoạt động của Kao Siêu Lực trong năm vừa qua, truy cập wechoice.vn để bình chọn ngay hôm nay.
Pháp luật và Bạn đọc