MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Vua tôm" Minh Phú kể chuyện kiện tụng phá giá tôm với Mỹ ròng rã 12 năm: Dù rất khó để tạo phần mềm truy xuất điện tử, vẫn phải từ chối thuê vì giá "cắt cổ"

11-06-2019 - 08:06 AM | Doanh nghiệp

Hiện, Minh Phú (MPC) vẫn là doanh nghiệp chiếm tỷ trọng xuất sang Mỹ khá cao tính trên tổng kim ngạch tôm của các doanh nghiệp Việt Nam, đâu đó trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việc hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ - quốc gia khắt khe về kiểm định về chất lượng, xuất xứ… - thường xuyên bị cáo buộc, hay phải kiện cáo qua lại liên quan đến vấn đề chống bán phá giá có lẽ là câu chuyện khá quen thuộc. Trong đó, với con tôm thì cuộc chiến của các doanh nghiệp Việt Nam lại ròng rã hơn cả, bắt đầu nổi lên và bị áp thuế chống phá giá tại Mỹ vào tháng 8/2004 cho đến hiện tại.

Riêng Thủy sản Minh Phú (MPC), sau khi vụ kiện đối với Mỹ lên WTO, thuế chống bán phá giá của MPC vào thị trường này đã giảm về mức 0%, đây là một lợi thế lớn của Công ty trước nhiều đối thủ khác.

Từ chối hệ thống điện tử từ Mỹ do giá "cắt cổ", lên đến vài % tổng doanh thu

Trong lần chia sẻ mới đây, "vua tôm" kể về quá trình tham gia vụ kiện, từ việc truy xuất nguồn gốc tôm, đến việc phải hoàn thiện hệ thống kế toán, kiểm tra chất lượng… Đáng chú ý, ngay từ vụ kiện đầu tiên, MPC đã thuê một công ty viết phần mềm để phục vụ công tác này.

"Lúc đó khổ lắm, thời 2004 để tìm một đơn vị viết phần mềm theo yêu cầu Mỹ cực kỳ khó. Sau này MPC mới thuê được một đơn vị và chạy thử phần mềm vài tháng, đến khi phía Mỹ phái người sang kiểm định và đồng ý chất lượng thì MPC mới ký hợp đồng đơn vị này viết phần mềm cho Tập đoàn. Từ đó trở đi MPC hoàn thiện phần mềm và đáp ứng được yêu cầu của Mỹ về chống bán phá giá, truy xuất nguồn gốc, trong đó truy xuất nguồn gốc được đặt nặng hơn cả từ cuối năm 2018", ông Lê Văn Quang – Chủ tịch MPC nói.

Nhớ lại lúc đó, ông Quang cho biết thực tế có đơn vị bên Mỹ chào phần mềm truy xuất nguồn gốc đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắt khe của nước sở tại, giá thuê chào mời lên đến vài % tổng doanh thu. Thấy mức giá cao nên MPC quyết định từ chối, sau đó Công ty có làm việc với đối tác và bắt tay vào viết phần mềm trong khoảng 5-6 tháng, kết quả sau này được Mỹ công nhận, cho đến hiện nay thì chất lượng vẫn luôn đảm bảo.

Song song, các công ty chế biến như MPC để tham gia thành công được trong vụ chống bán phá giá năm 2016, hiểu nôm na thì hệ thống kế toán và sản xuất phải đủ chi tiết, để cho phép sản xuất được đầu vào đầu ra như thế nào.

Vua tôm Minh Phú kể chuyện kiện tụng phá giá tôm với Mỹ ròng rã 12 năm: Dù rất khó để tạo phần mềm truy xuất điện tử, vẫn phải từ chối thuê vì giá cắt cổ - Ảnh 1.

Hệ thống MPC kiểm soát được tỷ trọng nhập nguyên liệu từ các quốc gia như thế nào, và sau khi ra thành phẩm thì số lượng phân phối ở các thị trường như thế nào.

Hiện MPC là một trong những doanh nghiệp có hệ thống đạt được mức độ hoàn thiện và chi tiết, từ đó kiểm soát được nguồn gốc và xuất xứ, cơ bản kiểm soát được tỷ trọng nhập nguyên liệu từ các quốc gia như thế nào, và sau khi ra thành phẩm thì số lượng phân phối ở các thị trường như thế nào.

Mặc dù được gỡ bỏ thuế, MPC đến nay chọn cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thay vì tăng tỷ trọng vào Mỹ bởi lường trước được "rủi ro" từ thị trường này. Theo đó, tỷ trọng xuất sang Mỹ của MPC liên tục giảm từ mức 40-41% giai đoạn 2016-2017, đến nay đâu đó chỉ đạt 33% tính đến quý 1/2019.

Mặc dù vậy, hiện MPC vẫn là doanh nghiệp chiếm tỷ trọng xuất sang Mỹ khá cao tính trên tổng kim ngạch tôm của các doanh nghiệp Việt Nam, đâu đó trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ban lãnh đạo không phủ nhận có lo lắng trước cáo buộc

Tiếp tục câu chuyện, gần đây nhất Mỹ đưa ra chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản (tức SIMP) - một rào cản kỹ thuật mới của Mỹ, có hiệu lực vào 31/12/2018. Rào cản này được đánh giá là phức tạp và khó vượt qua hơn cả rào cản thuế chống bán phá giá, tuy nhiên theo ban lãnh đạo MPC thì việc khai báo thông tin nhập khẩu vào Mỹ do công ty con tại Mỹ là MSeafood đảm nhiệm, với thông tin về toàn bộ quá trình từ nuôi trồng đến thu hoạch được lưu trữ và cho phép truy xuất trực tuyến bởi phần mềm quản lý.

Trước khi áp dụng hệ thống này, Mỹ đã cử một số chuyên gia sang Việt Nam thứ nhất để thông báo việc áp dụng, thứ hai để hướng dẫn vận hành. MPC đã có 2 ngày làm việc sát sao với đối tác này, do đó hệ thống SIMP hiện tại hoàn toàn đạt tiêu chuẩn Mỹ đưa ra.

"Sau khi cơ quan Chính phủ Mỹ sang hướng dẫn thì MPC đã xây dựng phần mềm riêng cho công tác truy xuất nguồn gốc, hiện Tập đoàn vẫn vận hành rất tốt hệ thống này. Còn trước đó khi chưa có phần mềm điện tử thì MPC làm thủ công", ông Quang nói.

Từ ngày 31/12/2018, tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải tuân thủ theo bộ quy tắc mới về cơ sở truy nguyên nguồn gốc. Dữ liệu của toàn bộ quá trình từ việc nuôi trồng hay đánh bắt đến khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải được khai báo và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA). NOAA là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về chương trình này.

Liên quan đến cáo buộc mới đây của Nghị sĩ LaHood, Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Công ty Luật IDVN tư vấn và đại diện cho MPC cho biết truy xuất thì có nhiều cách để truy xuất, tuy nhiên với SIMP thì sẽ truy xuất theo yêu cầu của NOAA, chương trình này chỉ áp dụng từ ngày 31/12/2018. Thực tế rất ít doanh nghiệp đạt được tiêu chuẩn hệ thống này do các chỉ tiêu đề ra rất khắt khe, bà Tuyết nói, hiện chương trình này MPC phối hợp với một tập đoàn phần mềm lớn của Mỹ để triển khai, và được NOAA đánh giá đạt yêu cầu.

Cũng theo vị này, "MPC đã chỉ định luật sư đại diện tại Mỹ chủ động liên lạc với Hải quan Mỹ thông báo sẵn sàng hợp tác khi có yêu cầu. Tình huống xấu nhất, thông thường một cuộc điều tra của Hải quan thì sẽ đưa ra yêu cầu không được nhập tại quốc gia đó nữa, nếu vẫn nhập và tiếp tục xuất sang Mỹ sẽ bị áp thuế chống bán phá giá cao. Tuy nhiên, quá trình điều tra của Mỹ diễn ra rất tỷ mỷ, trong đó họ sẽ đánh giá mức độ chuyển đổi hàng hoá, mức độ đầu tư tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tại Việt Nam là bao nhiêu, của các nước nhập khẩu là bao nhiêu…".

Gần đây nhất cuộc điều tra của bộ thương mại Mỹ thì kéo dài gần 12 tháng, còn điều tra tại Hải Quan Mỹ thì ngắn hơn. Hiện, MPC vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin gì từ Mỹ liệu rằng có điều tra hay không.

Hiện chưa có kết luận rõ ràng việc MPC có bị tiến hành điều tra bởi cáo buộc trên hay không, Tập đoàn vẫn đang đối mặt với nhiều lo ngại. Cổ phiếu trải qua nhiều phiên giảm mạnh, vốn hóa "bốc hơi" hơn ngàn tỷ. Song song đó, chính chủ tịch cũng thừa nhận có lo lắng vì việc này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng.

Vua tôm Minh Phú kể chuyện kiện tụng phá giá tôm với Mỹ ròng rã 12 năm: Dù rất khó để tạo phần mềm truy xuất điện tử, vẫn phải từ chối thuê vì giá cắt cổ - Ảnh 3.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên