MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vui buồn doanh nghiệp đầu tư chứng khoán

Vui buồn doanh nghiệp đầu tư chứng khoán

Sự gia nhập thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp là điều đáng mừng, cho thấy thị trường đang ngày càng trở nên minh bạch và lành mạnh. Mặt khác, dòng tiền từ những doanh nghiệp, nhà đầu tư tổ chức được kỳ vọng sẽ kích thích thanh khoản của chỉ số c

Quý I/2023 chứng kiến những diễn biến lình xình và khó lường của thị trường chứng khoán. Sau khi phục hồi tốt trong tháng 1, phần còn lại của quý đầu năm ghi nhận VN-Index giảm điểm mạnh do ảnh hưởng của loạt thông tin tiêu cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như rủi ro đến từ hệ thống ngân hàng toàn cầu trước các sự kiện Silicon Valley Bank và Credit Suisse. Diễn biến này của thị trường khiến nhiều doanh nghiệp "tay ngang" tham gia đầu tư chứng khoán thua lỗ, thậm chí có đơn vị phải chấp nhận thoái hết các khoản đầu tư.

Cái tên đầu tiên phải nhắc đến là CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH). Báo cáo tài chính quý I/2023 của TDH ghi nhận doanh thu thuần đạt 47,9 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần. Do không có lãi thanh lý từ các khoản đầu tư và hoàn nhập dự phòng, thêm vào đó là chi phí tài chính tăng mạnh, TDH ghi nhận lỗ ròng 10,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 60 tỷ đồng.

Vui buồn doanh nghiệp đầu tư chứng khoán - Ảnh 1.

Báo cáo tài chính quý I/2023 của TDH ghi nhận lượng tiền mặt tại thời điểm 31/3/2023 chỉ còn chưa đến 5 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh nghiệp này còn “kẹt” nặng tài sản chứng khoán kinh doanh. Tính đến ngày 31/3/2023, khoản mục này có giá gốc đến hơn 32 tỷ đồng nhưng đang phải trích lập dự phòng giảm giá 27,6 tỷ đồng, tương đương mức tạm lỗ đến 86%. Danh mục của TDH chủ yếu gồm 2 cổ phiếu PPI và SC5, trong khi số lượng cổ phiếu STB nắm giữ không đáng kể. TDH đầu tư vào PPI từ rất lâu và có thời điểm còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp này. TDH cũng từng nhiều lần muốn thoái hết vốn khỏi PPI nhưng đều không thành.

Một doanh nghiệp khác là CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) ghi nhận giá trị danh mục đầu tư chứng khoán cuối quý I/2023 là 89,7 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm và trích lập dự phòng giảm giá 49,5 tỷ đồng, giảm 21,4%. Tính ra, TLH lỗ 55,2% tổng danh mục. Theo tìm hiểu, TLH đang nắm giữ 21,2 tỷ đồng cổ phiếu VIX của CTCP Chứng khoán VIX (trạng thái lỗ 63,8%), 23,5 tỷ đồng cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (- 47,2%), 12,8 tỷ đồng cổ phiếu IJC của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (- 49%) và 32,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác (- 57,6%).

“Ông lớn” CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) báo cáo danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh của công ty lỗ gần 47%, tương đương 83,9 tỷ đồng. Theo đó, VHC đến cuối quý I/2023 đang nắm 77,4 tỷ đòng cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long (tương đương lỗ 42% so với giá trị hợp lý). Ngoài ra, công ty cũng sở hữu 57,3 tỷ đồng cổ phiếu DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (- 67,8%); 32,8 tỷ đồng cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (-23,6%); và 11,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác (- 41,7%).

CTCP Sách và Thiết bị trường học Long An (HNX: LBE) tính đến cuối quý I/2023 ghi nhận khoản mục kinh doanh chứng khoán đạt hơn 5,1 tỷ đồng, trong khi tiền và tương đương tiền trên bảng cân đối kế toán chỉ còn chưa đến 1 tỷ đồng. Số liệu đầu quý I/2023 ghi nhận LBE gần như chỉ đầu tư vào mã S55 của CTCP Đầu tư Sông Đà 505 (5,8 tỷ đồng trên tổng giá trị kinh doanh chứng khoán 5,97 tỷ đồng). Trong kỳ, LBE bán gần hết cổ phiếu S55 và mua mới VDL của CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (2,7 tỷ đồng) và QTC của CTCP Công trình GTVT Quảng Nam (1,5 tỷ đồng). Tính toán cho thấy, danh mục của LBE đang tạm lỗ gần 85 triệu đồng.

CTCP Licogi 14 (UPCOM: L14) là trường hợp gây chú ý nhất khi rời “cuộc chơi” đầu tư chứng khoán. Hồi năm 2021, L14 từng gây ấn tượng với thị trường chứng khoán khi “ăn đậm” 379 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng gấp 91 lần so với cùng kỳ năm 2020, nhờ vào mã CEO và DIG. Hồi đầu năm nay, L14 vẫn đang ghi nhận nắm hơn 14 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh; tuy nhiên cuối quý I, đơn vị này không còn nắm giữ các chứng khoán kinh doanh mà thay vào đó là 114,4 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.

Ngược lại, CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) là “tay ngang” hiếm hoi khi có một số khoản đầu tư tạm lãi. Trong quý I/2023, NDN gây ấn tượng với doanh thu tăng đột biến từ 144 triệu đồng cùng kỳ lên hơn 215 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn và chi phí, NDN lãi ròng 106,2 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm trước và là mức lợi nhuận cao nhất kể từ quý III/2020.

Ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi là bất động sản, NDN cũng được biết đến với “đam mê” đầu tư chứng khoán. Tại thời điểm cuối quý I/2023, NDN ghi nhận khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh có giá gốc lên đến 365 tỷ đồng, tăng 55 tỷ đồng so với số đầu năm. Tính đến cuối quý I/2023, VHM và TCB là hai mã khiến danh mục đầu tư chứng khoán của đơn vị này tạm lỗ xét về giá trị tuyệt đối. Ngược lại, các mã HPG, DGC, STB, VND đều đang giúp cho NDN tạm lãi.

Sự gia nhập thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp là điều đáng mừng, cho thấy thị trường đang ngày càng trở nên minh bạch và lành mạnh. Mặt khác, dòng tiền từ những doanh nghiệp, nhà đầu tư tổ chức được kỳ vọng sẽ kích thích thanh khoản của chỉ số chứng khoán, qua đó càng làm thị trường trở nên sôi động hơn. Đối với chính các doanh nghiệp “tay ngang” trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh kém thuận lợi, chứng khoán là một kênh đáng để cân nhắc nhằm giảm thiểu chi phí cơ hội của nguồn tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp.

Tuy vậy, cần nhìn nhận rằng việc đầu tư (đặc biệt trong bối cảnh hiện tại khi diễn biến chỉ số chưa rõ ràng) cần có những chiến lược và tính toán cụ thể. Việc tạm thua lỗ có thể khiến doanh nghiệp phải phát sinh thêm chi phí, trích lập dự phòng theo quy định và ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh. Thậm chí, không tránh khỏi rủi ro, việc cắt lỗ sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh chính của công ty.

Đoàn Huy

Nguồn:

Theo Đoàn Huy

Thời Báo Ngân Hàng

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên