MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vướng luật, Thống đốc gửi 3 văn bản cầu cứu tới Bộ tư pháp, Tòa án tối cao và Viện kiểm sát tối cao

17-01-2017 - 17:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Vấn đề tái cơ cấu ngân hàng buộc phải gắn với xử lý nợ xấu, trong khi đó công tác xử lý nợ xấu vướng tới 14 luật. Thống đốc Lê Minh Hưng đã phải gửi 3 văn bản tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao cầu cứu về thống nhất thực thi pháp luật.

Sẽ có luật riêng để tái cơ cấu và xử lý nợ xấu

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2017 trên địa bàn TP.HCM, ngày 17/1/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Lê Minh Hưng, cho hay trong bối cảnh hiện nay ngân sách đang khó khăn nên việc xử lý nợ xấu sẽ không có hỗ trợ từ phía Chính phủ. Trách nhiệm xử lý nợ xấu đầu tiên vẫn thuộc về ngân hàng.

Dù ngân sách không hỗ trợ trực tiếp nhưng sẽ hỗ trợ gián tiếp. Chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là các tổ chức có lợi nhuận, thu nhập phải tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu. Điều này sẽ giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, như vậy các ngân hàng thương mại đã được hỗ trợ gián tiếp từ ngân sách Nhà nước.

Một trong những vấn đề trọng tâm để tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả trong giai đoạn 5 năm tới (2016-2020) cần giải quyết vấn đề tồn tại trong pháp luật hiện hành để xử lý tài sản bảo đảm giúp thu hồi nợ, từ đó đẩy mạnh cho vay ra, lành mạnh hóa hoạt động tín dụng ngân hàng, giải quyết ách tắc dòng vốn bơm vào nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị có Nghị quyết chỉ đạo đến Viện kiểm sát các cấp, thi hành án các cấp có nhìn nhận và áp dụng pháp luật thống nhất đối với việc vận dụng và thực thi pháp luật ở các cấp khác nhau.

Thời gian tới, cần thiết phải có luật riêng để hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng, đặc biệt trong vấn đề xử lý nợ xấu. Cụ thể, những vấn đề nào trong tái cơ cấu ngân hàng chưa có quy định, tiền lệ sẽ được luật hóa để ngân hàng có thẩm quyền và có công cụ thực hiện tiến trình tái cơ cấu nhanh hơn.

Thực tế, trong quá trình xử lý nợ xấu vừa qua, tổng kết lại tất cả các vướng mắc thì hiện xử lý nợ xấu đang vướng 13-14 luật, đặc biệt Luật Dân sự, Luật Bất động sản, Luật Nhà ở… Những vấn đề này sẽ được báo cáo Chính phủ và Quốc hội đưa ra những quy định hợp lý hơn, bảo vệ quyền lợi của người cho vay, ở đây chính là bảo vệ quyền của người gửi tiền. (Một nhóm nhỏ khách hàng chây ì không trả nợ ngân hàng làm cho dòng vốn ách tắc, ngân hàng không có tiền trả cho khách hàng gửi tiền lẫn không có vốn quay vòng cho vay ra…).

Năm 2017, buộc ngân hàng phải giảm chi phí để giảm lãi suất

Chỉ tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ là ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng. Trong điều hành lãi suất, năm 2017 Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng các công cụ để giảm lãi suất. Các tổ chức tín dụng ngoài xử lý nợ xấu thì phải tiết giảm chi phí để giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng.

Năm 2017, điều hành tỷ giá USD/VND sẽ rất căng thẳng khi xu hướng lãi suất USD sẽ tăng, việc điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương các nước sẽ có nhiều trái chiều, ngân hàng Nhà nước sẽ gắn kết thị trường ngoại tệ và thị trường nội tệ trong điều hành tỷ giá.

Tới đây, những quy định về an toàn hoạt động ngân hàng sẽ được tăng cường. Đối với những phân khúc cho vay có rủi ro cao thì sẽ tăng hệ số rủi ro lên.

Công tác thanh tra, giám sát sẽ tăng cường thanh tra đột xuất và chuyên đề vào lĩnh vực, tổ chức, chi nhánh vừa qua đã phát hiện có nhiều rủi ro.

Sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh Thông tư 36 và Thông tư 06 về các tỷ lệ an toàn hệ thống của ngân hàng, đưa ngân hàng hoạt động theo tiêu chuẩn ngân hàng quốc tế.

Tội phạm công nghệ cao, rủi ro trong thanh toán sẽ đe dọa ngân hàng trong thời gian tới. Các ngân hàng phải nghiêm túc nhìn nhận về vấn đề này và có biện pháp ứng phó hiệu quả.

Theo Linh Lan

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên