MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt cả Đức, Mỹ, Nhật về Toán và các môn khoa học, đâu bí quyết khiến học sinh Thượng Hải giỏi đến vậy?

13-07-2017 - 10:51 AM | Sống

Quy mô lớp lớn, thời gian học dài, giáo viên chỉ dạy 2 tiết mỗi ngày là những bí quyết giúp học sinh Thượng Hải học rất giỏi môn Toán.

Khi thành phố Thượng Hải của Trung Quốc tham gia bài kiểm tra của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) để đánh giá năng lực của học sinh 15 tuổi vào năm 2009 và 2012, họ đứng đầu bảng về khoa học.

Với thành tích ấy, năng lực của học sinh Thượng Hải vượt Đức, Anh, Mỹ và thậm chí hơn cả học sinh ở Singapore và Nhật Bản. Vậy bí quyết họ là gì?

Cuộc sống của một giáo viên trong một trường tiểu học ở Thượng Hải tương đối khác biệt so với giáo viên tiểu học ở phần lớn quốc gia.

Thứ nhất, nhà trường tạo điều kiện để mỗi giáo viên chỉ dạy 1 môn học nhất định và chỉ dạy học sinh ở vài độ tuổi nhất định. Nhờ vậy, họ sẽ hiểu sâu sắc môn học và cách thức học sinh tiếp thu kiến thức.

Sau khi đạt chuẩn, giáo viên sẽ chỉ dạy 2 tiết mỗi ngày. Với khoảng thời gian còn lại, họ dành thời gian để hỗ trợ những học sinh cần sự giúp đỡ, thảo luận phương pháp giảng dạy với đồng nghiệp.

Nhiều điểm khác biệt nữa cũng tồn tại. Thời gian học mỗi ngày dài hơn, từ 7h sáng tới 16h hoặc 17h; số học sinh mỗi lớp lớn hơn; các tiết học ngắn hơn, mỗi tiết chỉ kéo dài 35 phút; học sinh chơi các trò ngẫu hứng (như chạy, vẽ, nặn tượng) trong 15 sau mỗi tiết.

“Giáo viên không xếp học sinh theo khả năng học tập và mọi học sinh phải hiểu bài trước khi giáo viên giúp chúng. Trong những năm đầu cấp tiểu học, trẻ học các phép toán cơ bản chậm hơn so với học sinh ở Anh”, Ben McMullen, hiệu trưởng Trường Cộng đồng Ashburnham tại London, nói.

Ben đã tới Thượng Hải với tư cách thành viên của một trong những nhóm giáo viên mà Bộ Giáo dục Anh cử sang Trung Quốc để học kinh nghiệm.

Theo Ben, giáo viên Thượng Hải tỏ ra sửng sốt khi nhìn giáo trình của giáo viên từ nước Anh, bởi lượng kiến thức trong giáo trình quá lớn.

“Họ chỉ dạy phân số cho học sinh lớp 4 và 5. Họ cho rằng tới giai đoạn ấy trẻ sẽ thực hiện thành thạo phép nhân và chia”, Ben kể.

Ben cho rằng giáo viên ở Thượng Hải đang tuân thủ phương pháp “dạy để học sinh nắm vững kiến thức”: Giảm lượng kiến thức và tiến chắc từng bước, bảo đảm rằng cả lớp cùng tiến lên như một tập thể thống nhất và giáo viên sẽ dạy lại kiến thức nhiều lần cho tới khi học sinh thực sự hiểu”, Ben lập luận.

Dường như học sinh ở các thành phố khác thuộc đại lục không có trình độ toán cao như học sinh ở Thượng Hải. Trong cuộc thi PISA năm 2015, Thượng Hải liên kết với Bắc Kinh, Giang Tô, Quảng Đông. Kết quả là cả nhóm xếp thứ 5 về toán học, kém Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và đặc khu hành chính Hong Kong.

Một giả thuyết nữa là kết quả ấn tượng của Thượng Hải trong những năm trước không phản ánh đúng thực chất do khoảng 1/4 học sinh trong thành phố không tham gia. Tuy nhiên, tổ chức PISA khẳng định kết quả cho thấy con của những công nhân lương thấp tại Thượng Hải cũng học toán tốt hơn so với con của những người có công việc khá hơn ở phương Tây.

Đó là một trong những điểm hấp dẫn chủ yếu của hệ thống giáo dục Thượng Hải, nó giúp trẻ em nghèo phát huy năng lực tiềm ẩn, tăng mức độ thay đổi vị trí xã hội.

Song nó cũng bộc lộ một số khiếm khuyết, theo nhận xét của Henrietta Moore, một chuyên gia của Viện Thịnh vượng Toàn cầu thuộc Đại học London. Theo bà, kiểu dạy của giáo viên toán ở Thượng Hải không giúp học sinh phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề.

“Học sinh ở Anh giải quyết vấn đề tốt hơn và người Trung Quốc đang cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ chúng tôi”, bà nói.

Một vấn đề nữa, theo nhận định của nhiều người, là học sinh phải học quá nhiều. Một cuộc khảo sát cho thấy khoảng 80% học sinh phải học với gia sư ở nhà.

"Phụ huynh Trung Quốc đề cao sự cạnh tranh. Mức độ ganh đua của họ lớn hơn cả con. Vì thế họ muốn con học học thêm để bằng hoặc hơn bạn bè của chúng”, Moore nói.

Vậy đây có phải là một hệ thống giáo dục mà các nước khác nên học hỏi không?

“Tôi sẽ tiếp thu quan điểm rằng mọi giáo viên toán cần sự hiểu biết sâu sắc về xây dựng các khái niệm toán và cách học sinh tiếp thu kiến thức. Tôi cũng đánh giá cao quan điểm rằng giáo viên nên đặt kỳ vọng cao đối với mọi học sinh”, Anne Watson, giáo sư danh dự môn toán của Đại học Oxford (Anh), phát biểu.

Ben McMullen tiết lộ rằng trường tiểu học mà ông quản lý đã áp dụng một số ý tưởng của Thượng Hải. Giáo viên không xếp học sinh theo lớp, nhóm dựa vào trình độ và học sinh phải tương tác nhiều hơn. Chủ trương đó đã tạo ra bầu không khí khác hẳn trong lớp.

“Học sinh của chúng tôi hiểu rất sâu về toán, làm tính và các khái niệm”, McMullen nói. Đối với giáo viên, chủ trương của McMullen cũng mang lại một điều tuyệt vời. “Thời gian giáo viên dành cho việc chấm bài giảm hẳn”, ông bình luận.

Theo Yên Nhiên

Trí thức trẻ

Trở lên trên