Vượt lên số phận nghiệt ngã, 'Vua chăn điện' Trung Quốc điều hành cả tập đoàn ở tuổi 73, tài sản hơn 1.000 tỷ đồng: Thành công không bỏ quên người có nghị lực
Lưu Dung Phúc bị biến dạng cột sống từ năm 6 tuổi. Bằng nghị lực phi thường, ông đã phát triển một doanh nghiệp sản xuất chăn điện có thị phần đứng đầu Trung Quốc. Những ngày đầu, Lưu từng đứng lên chăn điện nhúng nước để thuyết phục các đại lý bán sản phẩm của ông.
- 03-12-2022Tích lũy 3 triệu USD, thu nhập thụ động hơn 80.000 USD/ năm, triệu phú Mỹ nghỉ hưu ở tuổi 34 nhưng chỉ trụ được... 7 năm: Vì đâu đến nỗi ?
- 02-12-2022Giới trẻ Trung Quốc khao khát vào chùa làm việc: Lương tháng hơn 30 triệu đồng, tỷ lệ 1 chọi 1.000, thạc sĩ đại học top đầu cũng nộp đơn ứng tuyển
- 01-12-2022'Thần kinh doanh' Kazuo Inamori: Đừng xin nghỉ việc chỉ vì chút bất mãn, người làm tốt cả việc mình không thích mới có thể thành công
- 29-11-20224 chân lý biết sớm để tránh thất bại
- 28-11-2022Cổ nhân dạy 'Phú quý không kết 3 bạn, nghèo khó không tìm 3 người': Giàu hay nghèo vẫn phải biết chọn bạn mà chơi, nếu không cuộc đời càng dễ xuống dốc
Số phận nghiệt ngã
Lưu Dung Phúc sinh ra trong một gia đình công nhân bình thường tại Thành Đô, Tứ Xuyên. Lên 6 tuổi, Lưu mắc một căn bệnh nghiêm trọng, khiến tủy sống bị viêm. Vì nhà nghèo nên bố mẹ không kịp thời đưa ông đi khám, khi vay đủ tiền thì đã bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để điều trị. Cột sống của Lưu bị biến dạng nghiêm trọng và cuối cùng trở thành người bị tật, di chuyển rất khó khăn.
Dù vậy, Lưu vẫn không ngừng nỗ lực. Ông chăm chỉ học tập để đứng đầu trường, có tiềm năng đỗ đại học chính quy hạng hai. Nhưng vì thời cuộc, ông vẫn không thể theo học đại học mà xin đi làm nhà máy.
Do khuyết tật về thể chất, Lưu Dung Phúc đã bị nhiều nhà máy có chế độ đãi ngộ tốt từ chối, sau cùng được một hợp tác xã sản xuất lược ở Thành Đô nhận. Ông gia nhập hợp tác xã với lòng biết ơn và phụ trách công việc kỹ thuật.
Lưu cống hiến hết mình và dần trở thành trụ cột kỹ thuật của nhà máy. Tuy nhiên, đến đầu những năm 1970, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã lược ngày càng sa sút, thua lỗ năm này qua năm khác và bên bờ vực phá sản.
Lưu Dung Phúc biết rằng muốn thay đổi thực tế phải tập trung vào thị trường. Ông nhận thấy nhu cầu về mâm cặp máy khoan trong ngành máy khoan điện. Vì vậy, Lưu lấy hết can đảm đề nghị với giám đốc nhà máy từ bỏ sản xuất lược và chuyển đổi thành nhà máy sản xuất máy móc.
Ông cũng đích thân lãnh đạo nhóm và kiên trì suốt 2 năm để phát triển thành công mâm cặp máy khoan. Nhờ vậy, nhà máy được “hồi sinh”, chuyển sang sản xuất phụ kiện máy khoan. Lưu trở thành quản lý và sau đó thăng chức lên giám đốc ở tuổi 34.
Hành trình trở thành “Vua chăn điện”
Trong một lần đi triển lãm đồ gia dụng, Lưu Dung Phúc vô tình nhìn thấy chiếc chăn điện sản xuất tại Anh. Ông cảm thấy nó đặc biệt phù hợp với môi trường sống lạnh và ẩm ở Tứ Xuyên. Nếu họ có thể sản xuất ước tính sẽ có một thị trường lớn.
Trở về nhà máy, ông ngay lập tức tổ chức các kỹ thuật viên để tiến hành R&D và sản xuất, đồng thời tung ra sản phẩm mới vào năm đó. Tuy nhiên, không có nhà phân phối nào sẵn sàng bán chăn điện do nhà máy của Lưu Dung Phúc sản xuất.
Nguyên nhân là bởi mọi người lo lắng sự an toàn khi sử dụng sản phẩm mới này, điều này cũng cho thấy việc quảng bá sản phẩm của nhà máy chưa hiệu quả.
Lúc này, trước mặt tất cả những nhà phân phối, Lưu lấy ra một chiếc chăn điện mới tinh, mở ra rồi bật nguồn. Sau khi chăn bắt đầu nóng lên, Lưu ngâm chăn vào nước, sau đó cởi giày và tất, bước lên chăn điện.
“Tôi còn đứng được trên chăn điện ướt, vậy đắp trên giường có gì không an toàn?”, Lưu nói.
Các đại lý trầm trồ, lần lượt ký hợp đồng với nhà máy. Chăn điện thương hiệu Rainbow sau đó được bán rộng rãi trên toàn quốc, doanh số 50.000 chiếc trong năm đầu tiên. Khi chưa có điều hòa, hầu hết mọi người ở Thành Đô đều có một chiếc chăn điện trong nhà và 90% trong số đó là nhãn hiệu Rainbow.
Sự thành công của chăn điện đã đưa nhà máy từ khoản nợ 400.000 NDT năm 1983 lên giá trị sản lượng 3,35 triệu NDT và lãi 254.000 NDT vào năm 1984.
Kể từ đó, Lưu Dung Phúc lãnh đạo nhà máy Rainbow trên con đường phát triển doanh nghiệp, trở thành Tập đoàn Rainbow (Rainbow Group). Họ tiếp tục tăng cường nghiên cứu và phát triển sản phẩm, giới thiệu những sản phẩm mới tập trung vào nhu cầu thị trường. Vào mùa hè, khi chăn điện không còn được mua nhiều nữa, Rainbow lại tung ra sản phẩm nhang muỗi điện, cũng ngay lập tức cháy hàng.
Từ những năm 1990, nhà máy phát triển tốt hơn, nhận nhiều người khuyết tật vào làm việc, giải quyết vấn đề mưu sinh của những mảnh đời bất hạnh. Các nhân viên mô tả ông là người dễ gần và có năng lực.
Năm 2010, ở tuổi 61, Lưu Dung Phúc từ chức Tổng giám đốc của Rainbow Group và bắt đầu kế hoạch nghỉ hưu. Tuy nhiên, ban lãnh đạo mới của tập đoàn đã tìm mọi cách để giữ ông lại, vì vậy Lưu giữ chức Chủ tịch.
Năm 2018, tập đoàn này đã bán được hơn 6 triệu chiếc chăn điện, chiếm thị phần gần 11% tại đất nước tỷ dân. Cứ 10 chăn điện thì có 1 chiếc do Rainbow Group sản xuất.
Tháng 12/2020, Tập đoàn Rainbow lên sàn chứng khoán Thâm Quyến và trở thành cổ phiếu chăn điện đầu tiên. Sau IPO, tài sản của Lưu Dung Phúc sở hữu là hơn 400 triệu NDT (~1300 tỷ đồng).
Tuy vậy, việc kinh doanh sau đó của Rainbow Group không còn thuận lợi, giá cổ phiếu giảm mạnh. Nguyên nhân là bởi thời tiết mùa đông tại Trung Quốc ấm lên, điều hòa nhiệt độ phổ biến hơn khiến chăn điện bị “xếp xó”. Với doanh nghiệp của Lưu Dung Phúc, thành bại đều là do thời tiết.
Tháng 9 năm nay, mùa đông đến sớm ở châu Âu và cuộc khủng hoảng năng lượng khiến chăn điện của Rainbow Group được ưu chuộng tại các quốc gia này, giá cổ phiếu tập đoàn cũng tăng vọt. Doanh nghiệp của Lưu Dung Phúc nhận được một số đơn hàng xuất khẩu. Theo Lưu Bình, con trai Lưu Dung Phúc và là Tổng giám đốc Rainbow Group, hiện doanh nghiệp đang tăng tốc đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Theo Toutiao, 163
Nhịp sống thị trường