MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vượt Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ở chỉ số này

Báo cáo mới nhất của Nikkei Market cho biết, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 12, xếp thứ 2 trong khu vực, sau Philippines.

Trong tháng 12, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đạt mức 52,4 điểm. Theo đó, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, mặc dù tốc độ chậm so mức điểm 54 trong tháng 11, song ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 12 đã tăng trưởng 13 tháng liên tiếp.

Phân hạng các nước theo chỉ số PMI của tháng, Philippines đang đứng ở vị trí đầu tiên với 55,7 điểm, Việt Nam xếp thứ 2 với 52,4 điểm, kế tiếp là Thái Lan với 50,6 điểm, Myanmar là 49,4 điểm, Indonesia là 49 điểm, Malaysia là 47,1 điểm và Singapore với mức thấp kỷ lục 43,4 điểm.

Nikkei cho biết PMI Việt Nam tiếp tục tăng là nhờ số lượng đơn đặt hàng mới nhiều hơn dẫn đến tăng sản lượng cũng như số lượng việc làm. Trong khi đó, tốc độ tăng hoạt động mua hàng tiếp tục được cải thiện vì các công ty muốn tăng lượng hàng tồn kho. Được biết, trong một năm rưỡi qua, chi phí đầu vào đã tăng mạnh khiến cho các doanh nghiệp được khảo sát phải tăng giá đầu ra với tốc độ nhanh nhất.

Ông Andrew Harker từ IHS Market nhận định các ngành sản xuất của Việt Nam phát triển mạnh một phần nhờ vào sự tăng trưởng vững chắc trong những tháng cuối năm. Thông qua đó, các công ty trong nước có thể tiếp tục đảm bảo có được những đơn đặt hàng mới với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng kỷ lục như trong kỳ khảo sát này.

“Lĩnh vực sản xuất đang có nhiều tín hiệu tích cực khi bước vào năm 2017. IHS Markit cũng dự báo GDP Việt Nam tăng 6,3% trong năm nay”, ông Andrew Harker cho hay.

Trên thực tế, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang có sự phát triển ổn định trong thời gian qua. Trong khi đó, lĩnh vực này của ASEAN đã kết thúc năm 2016 với một kết quả yếu kém hơn, với các điều kiện kinh doanh trong khu vực trong tháng 12 đã xấu đi với tốc độ nhanh nhất trong thời kỳ 13 tháng.

Với kết quả chỉ số PMI là 49,1 so với 49,4 điểm của tháng 11, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất của ASEAN đã suy yếu tháng thứ ba liên tiếp. Hơn nữa, dữ liệu khảo sát tháng 12 cho thấy một quý 4 đáng thất vọng của các công ty sản xuất trong ASEAN.

Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tổng thể giảm mạnh đã làm chỉ số PMI của ASEAN đạt mức thấp hơn vào cuối năm 2016. Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm cũng được phản ánh trong tháng 12. Cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đều giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 11/2015.

Trong tháng 12, nhu cầu của khách hàng yếu hơn đã làm cho các nhà sản xuất ASEAN mua ít hàng hóa đầu vào hơn tháng thứ ba liên tiếp. Lượng hàng tồn kho trước sản xuất vì thế đã giảm với tốc độ đáng kể nhất trong 16 tháng. Cũng trong tháng này, mức độ tăng chi phí đã mạnh hơn trong lĩnh vực sản xuất ASEAN khi giá cả đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10/2015. Để duy trì biên lợi nhuận, các công ty tiếp tục phải tăng giá bán hàng, mặc dù tốc độ tăng là chậm hơn.

Các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất ASEAN tiếp tục suy yếu khi mà kết quả hoạt động ở từng quốc gia nhìn chung là giảm sút. Ngay cả những quốc gia có các điều kiện kinh doanh tốt hơn cũng báo cáo tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức vừa phải hoặc thấp so với tháng 11.

Trong số các nước ASEAN, chỉ có Philippines, Việt Nam và Thái Lan có sự cải thiện điều kiện sản xuất trong tháng 12.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên