MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Warren Buffett đổi ‘khẩu vị’ đầu tư sang lĩnh vực fintech và coi châu Á là 'mỏ vàng' tiềm năng

06-05-2019 - 16:29 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có phải "Nhà thông thái xứ Omaha" đang thay đổi chiến lược đầu tư của mình hay không.

Ngày 4/5 vừa qua, khoảng 40.000 nhà đầu tư (nhiều trong số đó đến từ Trung Quốc và các quốc gia khác ở châu Á) đã tập trung tại đại hội cổ đông thường niên của tập đoàn Berkshire Hathaway ở bang Nebraska do tỷ phú Warren Buffett chủ trì.

Huyền thoại Warren Buffett vốn nổi tiếng là tránh đầu tư vào những lĩnh vực phát triển nhanh và khó đoán trước như công nghệ. Thế nhưng năm ngoái, Berkshire đã rót vốn vào Paytm, công ty thanh toán di động lớn nhất Ấn Độ và mua cổ phần trong hãng xử lý thanh toán StoneCo của Brazil với tổng số tiền đầu tư lên tới 600 triệu USD. Đây là hai công ty fintech chuyên tập trung vào các thị trường mới nổi và giữ vị trí thống trị thị trường địa phương.

Trong cuộc phỏng vấn trước đó với CNBC, Buffett tiết lộ rằng Berkshire đã mua cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon.com. Trước đó, tập đoàn đã mua một lượng lớn cổ phiếu Apple vào đầu năm 2018.

Ngày 4/5, Warren Buffett, 88 tuổi cùng người bạn thân và cộng sự lâu năm Charlie Munger, phó Chủ tịch 95 tuổi của tập đoàn đã chủ trì cuộc họp cổ đông kéo dài bảy tiếng đồng hồ một cách thuận lợi và không kém phần hài hước.

Tuy nhiên, hai vị tỷ phú đã tránh trả lời một cách trực tiếp các câu hỏi liên quan đến vấn đề quản lý của Berkshire, triết lý đầu tư của Buffett, quan hệ Mỹ - Trung và vụ tai nạn máy bay Boeing 737 Max hồi tháng 3 vừa qua.

Kunal Shirodkar, một người tham dự đến từ Mumbai cho biết Buffett vẫn muốn thực hiện các thương vụ mua lại và ông nói với đám đông rằng Berkshire sẽ theo đuổi việc mua thêm các công ty ở Trung Quốc và Vương quốc Anh.

Khi được hỏi về kế hoạch tại Trung Quốc, Buffett bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng ở quốc gia này: "Đó là một thị trường lớn và chúng tôi thích những thị trường lớn. Chúng tôi đã làm tốt ở Trung Quốc nhưng như vậy là chưa đủ". Theo đó, các công ty fintech tiềm năng của Trung Quốc có thể sẽ giúp Berkshire thực hiện nhiều mục tiêu hấp dẫn của mình trong tương lai.

Về phần mình, tỷ phú Munger bày tỏ hy vọng về một giải pháp nhanh chóng giúp cải thiện tình hình của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – điều đã cản trở hoạt động kinh doanh của tập đoàn trong thời gian qua.

Dù Berkshire Hathaway thường được coi là một công ty đầu tư nhưng thực chất đây là một tập đoàn lớn đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực như bảo hiểm, đường sắt và năng lượng thông qua các công ty mà nó đã mua lại. Với giá trị hơn 500 tỷ USD, Berkshire hiện là một trong năm tập đoàn hàng đầu thế giới.

Buffett từ lâu đã nổi tiếng với việc mua cổ phiếu bị định giá thấp và chờ đến khi chúng tăng lên theo thời gian. Ông đã học được nghệ thuật đầu tư quý giá từ người thầy của mình là Benjamin Graham, "cha đẻ của đầu tư giá trị".

Trong cuộc họp, Buffett đã đối mặt với không ít câu hỏi hóc búa từ phía các cổ đông, đặc biệt là vấn đề liên quan đến giá cổ phiếu có phần mờ nhạt của tập đoàn. Sự quan tâm mới của Buffett đối với cổ phiếu của các công ty fintech và công ty công nghệ có thể phản ánh những áp lực đó.

Todd Combs, 48 tuổi và Ted Weschler, 56 tuổi là hai nhà quản lý trẻ được Buffett tin tưởng giao trách nhiệm quản lý danh mục đầu tư. Mặc dù Buffett nói với cổ đông rằng triết lý đầu tư không thay đổi nhưng có thể thấy vai trò ngày càng mở rộng của các nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo tại Berkshire chắc chắn sẽ mang lại sự thay đổi.

Greg Abel, 57 tuổi - người điều hành doanh nghiệp năng lượng và Ajit Jain, 67 tuổi - người giám sát việc kinh doanh bảo hiểm của tập đoàn được coi là những người có khả năng sẽ kế thừa Warren Buffett.

Theo Gia Vũ

Trí Thức Trẻ/Nikkei

Trở lên trên