WB: Chất lượng tài sản thấp là rủi ro với ngành ngân hàng Việt Nam
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng tài sản thấp vẫn là rủi ro đối với ngành ngân hàng Việt Nam.
- 07-07-2016Ngành ngân hàng liên tục "khát" nhân lực
- 17-02-2016Chủ tịch HOSE: “Ngành ngân hàng đang gánh nặng cấp vốn cho nền kinh tế, đi lệch vai trò thị trường tiền tệ"
- 29-01-20164 động lực phát triển ngành ngân hàng
Tăng tín dụng 18% cả năm 2016 là khá tham vọng
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế của WB tại Việt Nam cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam tiếp tục hướng tới duy trì cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu ổn định. Mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2016 vẫn tập trung vào đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm tăng trưởng kinh tế 6,7%, lạm phát dưới 5%, tăng trưởng tín dụng 18-20%, nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ ngành ngân hàng.
Tín dụng tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm ở mức gấp 3 lần tăng trưởng GDP danh nghĩa. Mặc dù lạm phát đã trở về mức thấp nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa điều chỉnh lãi suất chính sách kể từ năm 2014. Tuy vậy, một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay với kết quả là tín dụng tăng 18,8% trong năm 2015. Trong những tháng đầu năm 2016, xu thế tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục với tốc độ khoảng 6% kể từ đầu năm, tương đương mức tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhằm giải quyết quan ngại về chất lượng tín dụng do tăng trưởng nóng ở một số ngành Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường các biện pháp quản lý tín dụng thận trọng từ tháng 4/2016 (Thông tư 06/2016). Các biện pháp sẽ được áp dụng theo từng giai đoạn, trong đó gồm có giảm mức trần vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn, tăng trọng số rủi ro đối với cho vay bất động sản.
Ngoài ra, Thông tư 06/2016 cũng tăng tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để mua trái phiếu kho bạc từ 15 lên 25% (đối với ngân hàng thương mại quốc doanh) và 35% (đối với ngân hàng cổ phần và ngân hàng nước ngoài). Những bước đi này dự kiến sẽ tăng cường chuẩn cho vay cẩn trọng, giảm nhẹ vấn đề không khớp giữa tài sản và trách nhiệm trả nợ và dẫn tới hệ quả giảm bớt tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, theo bình luận của chuyên gia Sebastian Eckardt, “mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung vẫn giữ ở mức 18-20% trong năm nay cho thấy định hướng chính sách là vẫn tập trung vào hỗ trợ các hoạt động kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng và có thể buộc các cơ quan quản lý phải cân nhắc việc nới lỏng chính sách”.
Dẫu vậy, Sebastian Eckardt vẫn cho rằng, “mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 tới 18% là khá tham vọng. Việt Nam nên cân nhắc xem nửa năm còn lại có đủ dư địa để đạt tăng trưởng tín dụng như mục tiêu hay không, nhất là phải tăng trưởng mà không làm tăng rủi ro về ổn định tài chính tương lai”.
Vì thế, Sebastian Eckardt cảnh báo: “Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% chúng tôi thấy có tiềm ẩn rủi ro nếu cứ cố gắng thúc đẩy để đạt mục tiêu, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn gây bất lợi tác động đến nền kinh tế trong nước, trong khi đó bản thân trong nước cũng còn nhiều khó khăn”.
Xử lý nợ xấu chưa hiệu quả
Đánh giá về rủi ro của hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông Sebastian Eckardt cho rằng, “chất lượng tài sản thấp vẫn là rủi ro đối với ngành ngân hàng”. Bởi vì theo quan sát của WB, sự kiện thành lập VAMC là một nỗ lực giải quyết nợ xấu ngành ngân hàng. Kể từ khi thành lập tháng 7/2013 VAMC đã tiếp nhận 8,5 tỉ USD nợ xấu với lãi suất 0%. Qua đó đã giảm nợ xấu báo cáo của các ngân hàng nhưng tác động này chỉ mang tính chất tạm thời. Các ngân hàng cũng buộc phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu chuyển sang VAMC trong một khoảng thời gian nhất định (hiện đã tăng từ 5 lên 10 năm).
Đặc biệt, “tuy nợ xấu chỉ chiếm 2,9% tổng dư nợ ngân hàng vào thời điểm 31/12/2015, nhưng dường như con số đó chỉ thể hiện phần nào vấn đề chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng bởi nó chưa tính cả các khoản nợ xấu do VAMC nắm giữ. Vì vậy, nếu tính gộp cả nợ xấu do VAMC nắm giữ thì tổng nợ xấu toàn hệ thống sẽ vượt 7%”- Sebastian Eckardt nhấn mạnh.
Tháng 2/2016 Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo sửa đổi thông tư 19 về bán và giải quyết nợ xấu tại VAMC và cho phép mua bán tài sản theo giá thị trường. Thông tư này cũng đưa ra nhiều qui định thông thoáng hơn trong giải quyết nợ xấu.
Dẫu vậy, liên quan đến câu chuyện của VAMC, báo cáo kiểm toán năm 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cũng đánh giá, “VAMC xử lý nợ xấu chưa hiệu quả”. Cụ thể, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC, với 79,61 nghìn tỷ đồng trong tổng số 143,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý trong năm 2014. Tuy nhiên, năm 2014 VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỷ đồng trong tổng số 96.455 tỷ đồng nợ xấu đã mua.
Ngay trong Chỉ thị 22/2016 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 lưu ý “chú trọng xử lý nợ xấu thực chất qua Công ty Quản lý tài sản (VAMC)”.
VOV