WB: 'Nếu đợt dịch này tác động mạnh, Chính phủ Việt Nam sẽ cần áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn'
Ngày 17/5, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2021. Theo đó, liên quan đến hoạt động sản xuất, báo cáo nhận định, sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng nhờ nhu cầu vững chắc trên thị trường thế giới và nhu cầu trong nước đang phục hồi.
- 17-05-2021Nikkei Asia: Gojek chuẩn bị tham gia 'cuộc chiến 4 bánh' và ví điện tử tại Việt Nam
- 17-05-2021Trong tháng 5, hoàn thành đóng điện 2 dự án nâng công suất trạm biến áp 220kV Thanh Nghị và Sơn Hà
- 17-05-2021Không ký hợp đồng thử việc có trái pháp luật?
Chỉ số sản xuất công nghiệp (% thay đổi, NSA). Nguồn: WB
Cụ thể, tháng 4/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,1% so với tháng trước và 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái phần lớn xuất phát từ hiệu ứng cơ sở thấp, do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt phong toả liên quan đến đại dịch vào tháng 4/2020.
Ngoài ra, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cũng phản ánh sự phục hồi của tiêu dùng trong nước bên cạnh nhu cầu cao về các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao từ khu vực kinh tế đối ngoại.
Các phân ngành năng động nhất bao gồm đồ uống, quần áo và thiết bị gia dụng, kim loại cơ bản, điện tử, máy tính và sản phẩm quang học, và máy móc, thiết bị. Chỉ số PMI tăng từ 53,6 trong tháng 3 lên 54,7 trong tháng 4, đánh dấu sự tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trong 6 tháng liên tiếp.
Doanh số bán lẻ tăng, nhưng giá trị doanh số chung vẫn thấp hơn hồi tháng 1/2021
Doanh số bán lẻ tháng 4/2021 đã tăng 2,3% so với tháng trước, cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã phục hồi phần nào từ sau đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 3 vào cuối tháng 1/2021. Sự phục hồi này nhờ mức tăng trưởng 1,9% so với tháng trước của doanh số bán lẻ hàng hóa, trong khi dịch vụ tăng 3,8% so với tháng trước. Song, giá trị doanh số chung vẫn thấp hơn so với tháng 1/2021.
Doanh số bán lẻ và chỉ số mức độ nghiêm ngặt của Chính phủ. Nguồn: WB
Thương mại hàng hóa tiếp tục đạt kết quả tốt
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm nhẹ 3,4% so với tháng trước, trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng 2,6% trong tháng 4/2020. Trong 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 26% và 31% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng thương mại được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế Hoa Kỳ, Trung Quốc, và cả EU, ASEAN và Hàn Quốc nhưng với mức độ thấp hơn.
Thương mại quốc tế (Tỷ USD, SA). Nguồn: WB
Tốc độ tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước được ghi nhận trên tất cả các mặt hàng xuất khẩu chính trong 4 tháng đầu năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh nhất là nhóm hàng máy móc, tiếp theo là máy tính và điện tử, và điện thoại. Giày dép và hàng dệt may cũng phục hồi mạnh mẽ, lần lượt tăng 19% và 10% so với cùng kỳ năm trước.
WB đánh giá, các nhà xuất khẩu nước ngoài tiếp tục chứng tỏ năng động và có khả năng chống chịu tốt hơn doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Kim ngạch nhập khẩu tăng cao chủ yếu là do bùng nổ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN, phản ánh sự phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và hàng hóa trung gian nước ngoài trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Tháng 4, dòng vốn FDI giảm
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Tỷ USD, NSA). Nguồn: WB
Việt Nam thu hút 2,2 tỷ USD vốn FDI vào tháng 4/2021, thấp hơn 53% so với tháng trước và thấp hơn 42% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này một phần phản ánh sự biến động hàng tháng trong giá trị đăng ký của một số dự án lớn riêng lẻ. Trong 4 tháng đầu năm, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gần như tương đương với cùng kỳ năm 2020.
Lạm phát tăng tốc
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,5% so với tháng trước, chủ yếu do giá hàng tiêu dùng tăng cao, bao gồm thực phẩm, đồ uống và thuốc lá, quần áo, đồ dùng và thiết bị gia dụng. Điều này phản ánh sự phục hồi trong tiêu dùng của các hộ gia đình sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 3 ở trong nước.
Chỉ số giá tiêu dùng (% thay đổi, SA). Nguồn: WB
Ngân sách nhà nước thặng dư trong 4 tháng đầu năm 2021
Trong 4 tháng đầu năm, tình hình tài khóa đã được cải thiện khi ngân sách nhà nước thặng dư khoảng 80 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách đạt 543,4 nghìn tỷ đồng, bằng 40,5% kế hoạch năm và cao hơn 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Từ tháng 1 đến tháng 4/2021, Chính phủ đã chi 463,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2% so với năm trước. Nguyên nhân chính của việc giảm chi là do giải ngân các dự án đầu tư công chậm lại, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án sử dụng vốn ODA chỉ giải ngân được bằng 1/3 giá trị giải ngân trong cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 4, Kho bạc Nhà nước đã vay từ thị trường trong nước 26,3 nghìn tỷ đồng, gấp đôi so với tháng 3. Trong 4 tháng đầu năm, Chính phủ huy động được tổng cộng 65,5 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 17,8% kế hoạch năm 2021.
Tất cả trái phiếu đều được phát hành với kỳ hạn từ 5 năm trở lên và lãi suất bình quân đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm là 2,36%, cao hơn khoảng 9 điểm cơ bản so với tháng 3. Điều này khẳng định xu hướng tăng chi phí vay vốn được quan sát kể từ tháng 1/2021.
Cuối cùng, báo cáo kết luận, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm gia tăng mạnh các ca nhiễm, buộc Chính phủ phải đóng cửa trường học ở nhiều tỉnh, tái áp dụng các biện pháp phòng ngừa về y tế và hạn chế đi lại. Các hoạt động kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát.
"Nếu đợt dịch này tác động mạnh, Chính phủ có thể cần xem xét thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách áp dụng chính sách tài khóa thích ứng hơn, trong đó có các biện pháp tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng", báo cáo khuyến nghị.